+
Aa
-
like
comment

F0 ở Hà Nội khó tiếp cận với y tế địa phương

23/12/2021 10:33

Anh Nguyễn Văn Khải gọi điện cho trung tâm y tế phường để khai báo khi dương tính với Covid nhưng một tuần sau đó, không có nhân viên nào đến cấp phát thuốc.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc Covid-19 được phát hiện trên địa bàn thành phố hơn 1 tuần qua liên tục trên ngưỡng 1.300 người. Hà Nội đã vượt kỷ lục của chính mình về số ca mắc mới trong vòng 24 giờ từ khi dịch bùng phát đến nay với 1.704 trường hợp hôm 21/12 vừa qua.

Một bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại bệnh viện trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Thạch Thảo.

Dữ liệu từ Bộ Y tế cũng cho thấy thành phố đã trải qua 4 ngày liên tiếp dẫn đầu cả nước về số ca mắc mới, vượt qua TP.HCM. Dù đã có kế hoạch về số giường điều trị cũng như quy định trong việc theo dõi F0 tại nhà, sự tiếp cận của ngành y tế đối với người nhiễm virus tại Hà Nội vẫn mang đến nhiều lo ngại.

Khó tiếp cận với y tế địa phương

Anh Nguyễn Văn Khải (25 tuổi, trú tại Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội), cho biết mình có biểu hiện mệt mỏi, ho, đau người và sốt từ ngày 15/12.

“Ngay sau khi nhận thấy các triệu chứng, tôi đã uống thuốc hạ sốt và tới bệnh viện gần nhà để làm xét nghiệm. Một ngày sau, tôi nhận kết quả từ bệnh viện cho thấy mình dương tính với SARS-CoV-2”, anh Khải nói.

Người đàn ông này đã nhanh chóng gọi điện cho chủ nhà trọ và trung tâm y tế phường để khai báo cũng như thông tin về tình trạng sức khỏe của bản thân.

Anh Khải phải nhờ người thân mua thuốc điều trị triệu chứng của Covid-19. Ảnh: NVCC.

Sau đó, anh Khải cho biết bản thân chỉ nhận được một cuộc gọi để ghi nhận các triệu chứng đang gặp. Ngoài ra, trong một tuần sau đó, không có nhân viên y tế nào tới cũng như cấp phát thuốc cho anh.

“Không chờ đợi được nên tôi đã tự nhờ người thân mua thuốc và đặt trước cửa nhà. Đến nay, sức khỏe của tôi đã ổn định, chỉ còn triệu chứng mất khứu giác”, anh Khải nói.

Tương tự trường hợp của anh Khải, chị Võ Khánh Chi (trú tại Ô Chợ Dừa, Đống Đa) cũng không thể nhận được sự hỗ trợ từ lực lượng y tế địa phương.

Chị Chi buộc lòng phải đăng tải vào nhóm “Bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà” kêu gọi giúp đỡ: “Hiện tại nhà tôi có 5 F0, bà nội đã gần 90 tuổi. Tôi đã gọi cho y tế phường nhưng do tình trạng quá tải, tôi muốn xin đơn thuốc cho bà nội vì nhiều bệnh nền, nhờ các bác sĩ hỗ trợ”.

Hà Nội đã sử dụng thuốc kháng virus nhưng chưa rộng rãi

Trả lời báo chí về việc đưa F0 đi điều trị trên địa bàn thành phố mới đây, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết theo quy định của thành phố, việc vận chuyển F0 từ nhà đến các cơ sở điều trị tầng 1 (đối với bệnh nhân nhẹ) và từ tầng 1 lên tầng 2, 3 là do chính quyền địa phương phụ trách.

Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 và các đơn vị khác trong ngành y tế của thành phố sẽ đáp ứng vận chuyển những bệnh nhân nặng trong trường hợp quận, huyện, thị xã quá tải.

Về vấn đề cấp phát thuốc, ông Cương cho hay: “Việc cấp thuốc cho các trường hợp mắc và được theo dõi, quản lý tại nhà sẽ là trạm y tế xã, phường, thị trấn hoặc tổ hỗ trợ theo dõi F0 tại nhà thực hiện. Hiện nay, các thuốc trên không phải trả phí nhưng việc cấp phát thuốc phải đúng theo quy định”.

Nguồn: Sở Y tế Hà Nội.

Đối với thuốc kháng virus Molnupiravir, Sở Y tế Hà Nội cũng đã ban hành quy định triển khai Chương trình sử dụng có kiểm soát trên cộng đồng cho F0 thể nhẹ.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Bá Hiền, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội), cho biết bệnh viện đang là đơn vị được Sở Y tế Hà Nội giao quản lý số lượng thuốc kháng virus của thành phố.

“Sở y tế đã có kế hoạch cấp phát thuốc kháng virus Molnupiravir cho các đơn vị trực thuộc. Sau khi nhận chỉ đạo, chúng tôi cũng đã ngay lập tức gửi thuốc tới các cơ sở y tế trên địa bàn được phân”, ông Hiền nói.

Bệnh viện Đa khoa Đống Đa hiện là đơn vị quản lý trực tiếp cơ sở tiếp nhận F0 Đền Lừ III với khoảng gần 1.000 ca mắc thể nhẹ của thành phố (tầng 1).

Theo ông Hiền, thời gian qua, cơ sở y tế này cũng đã tư vấn cho một số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 có chỉ định và đồng ý cam kết sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir do thành phố cấp. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh loại thuốc này không dùng cho tất cả F0.

“Thứ nhất, số lượng thuốc hiện tại không đủ cho tất cả bệnh nhân. Thứ hai, việc mọi F0 sử dụng thuốc kháng virus cũng là không cần thiết khi đa số người trẻ, đã tiêm đủ liều vaccine, chỉ diễn biến nhẹ hoặc không triệu chứng. Một số thuốc hiện nay đang trong quá trình thử nghiệm và chỉ được sử dụng cho nhóm có nguy cơ cao, người lớn tuổi, mắc bệnh nền hoặc chưa tiêm đủ liều vaccine”, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa giải thích.

Hà Nội cần rút kinh nghiệm từ TP.HCM

Một trong những bài học kinh nghiệm “xương máu” được TP.HCM đúc kết sau khi trải qua làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua chính là nâng cao năng lực của y tế cơ sở.

Hồi đầu tháng 10, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đã thẳng thắn nhìn nhận trong đợt dịch vừa qua, hệ thống y tế cơ sở tại địa phương này bộc lộ rõ những điểm yếu.

Hệ thống y tế cộng đồng từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố đến trung tâm y tế quận huyện, trạm y tế phường, xã còn nhiều yếu kém, cả về con người lẫn cấu trúc tổ chức, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị.

Cán bộ tại trạm y tế phường thuộc địa bàn Hà Nội tất bật chuẩn bị chuyển F0, F1 tới khu cách ly. Ảnh: Hải Nam.

Theo TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), hệ thống điều trị tuyến cơ sở là một trong những yếu tố quan trọng giúp TP.HCM quản lý và điều trị F0 tốt, hạn chế dần tỷ lệ tử vong.

“Tăng cường y tế cơ sở, phát triển mạng lưới bác sĩ gia đình là hướng đi cần thiết của ngành y tế trong thời gian tới. Bên cạnh đó, khi số lượng F0 tại cộng đồng tăng cao, việc huy động sự vào cuộc của phòng khám, bệnh viện tư nhân rất quan trọng. Các địa phương nên chủ động tổ y tế để quản lý, phát thuốc, chăm sóc F0 tại tầng điều trị thấp nhất”, TS Hùng nói.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy Hà Nội vẫn đang gặp phải những vấn đề tương tự.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, chia sẻ: “Hiện nay có tình trạng người dân nhận kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV nhưng không biết ở nhà hay đi cách ly tập trung, khi nào được đưa đi cách ly. Thậm chí, có người chờ 2, 3 ngày để được cách ly, người thì sau khi điều trị âm tính lại bất ngờ được gọi đi cách ly”.

Theo PGS Hùng, Hà Nội đã triển khai cách ly tại nhà với F0 nhưng phân loại người bệnh Covid-19 chưa nhất quán. Các quy định chưa nhất quán này khiến cả nhân viên y tế tại địa phương và người dân lúng túng.

“Hà Nội triển khai cách ly tại nhà còn chậm nhưng lại tập trung nhiều vào việc đưa F0 điều trị tại bệnh viện, trạm y tế lưu động. Trong khi đó, có những F0 rất khỏe mạnh, vốn không cần phải tập trung chăm sóc mà có thể tự cách ly tại nhà”, PGS Hùng chia sẻ.

Về giải pháp, chuyên gia này cho rằng ngành y tế Hà Nội cần ban hành quy định nhất quán, rõ ràng về điều kiện cách ly tại nhà, khi nào đi cách ly tập trung, khi nào được cấp túi thuốc, ai được cấp thuốc kháng virus… để giúp người dân và F0 có sự chủ động khi bị nhiễm.

Thứ 2, y tế địa phương, từ trạm y tế đến trạm y tế lưu động, chỉ nên tập trung hướng dẫn, theo dõi, quản lý F0 diễn biến nhẹ, cung cấp thuốc. Khi có trường hợp F0 diễn biến nặng phải cấp cứu, trạm y tế hỗ trợ thở oxy và cấp cứu ban đầu, sau đó đưa F0 đến bệnh viện tuyến trên điều trị.

Còn các vấn đề về tư vấn, hỗ trợ F0, thành phố nên xây dựng hệ thống chăm sóc, điều trị từ xa với mạng lưới bác sĩ, chuyên gia có kinh nghiệm và chuyên môn sẵn sàng tình nguyện.

Khai Tâm

Bài mới
Đọc nhiều