+
Aa
-
like
comment

F0 ‘đá cầu, múa bụng’ trong bệnh viện dã chiến: Có thể cách ly F0 không triệu chứng tại nhà?

12/07/2021 09:56

Hết ngày 11-7 TP.HCM có trên 13.000 ca mắc COVID-19, 80% ca mắc không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Tương ứng với tình trạng bệnh lý, ngành y tế chia ra “3 tầng” điều trị riêng biệt, bao gồm nặng; có triệu chứng; nhẹ và không triệu chứng.

F0 ‘đá cầu, múa bụng’ trong bệnh viện dã chiến: Có thể cách ly F0 không triệu chứng tại nhà? - Ảnh 1.
Nhân viên y tế phát cơm, thuốc cho bệnh nhân F0 không triệu chứng điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 3, TP Thủ Đức (TP.HCM) – Ảnh: HOÀNG AN

Các bệnh viện điều trị COVID-19 đang “mọc” lên khắp TP, ngành y tế phải trưng dụng cả ký túc xá, chung cư tái định cư. Với tốc độ gia tăng ca mắc ở mức 4 con số (trên 1.000 ca/ngày), ngành y tế đang chạy đua chuẩn bị phương án 50.000 giường điều trị theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo chống COVID-19 quốc gia nhằm chủ động ứng phó tình huống xấu nhất.

Với 80% ca mắc không triệu chứng, nếu người nào cũng đưa vào bệnh viện điều trị chắc chắn nguồn lực không thể chịu nổi, tạo thêm gánh nặng cho cả hệ thống.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh

Bệnh nhân “đá cầu, múa bụng”…

Đoạn clip về cảnh sinh hoạt của bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi vừa được đăng tải trên mạng khiến nhiều người sửng sốt. Khác với hình dung của nhiều người, mắc COVID-19 là phải đau yếu, khó thở, ho sù sụ, sốt và phải nằm một chỗ điều trị… với bệnh nhân không triệu chứng, “bi kịch” ấy hoàn toàn không xảy ra.

Họ vui vẻ  “thả” mình theo các bài tập nhịp điệu aerobic giảm mỡ bụng. Các thanh niên khác vẫn đá cầu, hít đất và lướt điện thoại. Chị P.P.M. (ngụ quận Gò Vấp) kể rằng khi chờ xe chuyển đi cách ly, không ai tin chị bị bệnh vì không có ho, sốt, cảm cúm. Gia đình có 7 người, cả 7 đều mắc bệnh, duy chỉ một người có triệu chứng. Do không triệu chứng nên những ngày ở trong bệnh viện trông chị M. rất nhí nhảnh, chạy nhảy và tập thể dục.

Còn anh V.T.N. (ngụ quận Phú Nhuận) cho biết cảm thấy rất “khỏe khoắn”. Ngoài 3 bữa ăn, còn được phát một viên sủi uống để tăng sức đề kháng, kèm viên thuốc hạ sốt phòng thân. Ở trong bệnh viện không thoải mái như ở nhà, phải đeo khẩu trang kể cả lúc ngủ nhưng bệnh nhân ở đây cho biết được chăm sóc khá chu đáo từ “miếng ăn đến giấc ngủ”. Bác sĩ Ngô Ngọc Minh Quang – phó giám đốc Bệnh viện dã chiến Củ Chi – chia sẻ các bệnh nhân F0 không triệu chứng có thể tập thể dục để tăng sức đề kháng nhưng phải tuân thủ khoảng cách, khẩu trang, khử khuẩn.

PGS.TS Tăng Chí Thượng – phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM – nói có khoảng 80% ca mắc không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ; chỉ 5% có dấu hiệu chuyển nặng. Tuy vậy, ngành y tế đang phải bố trí 4 bệnh viện với 12.000 giường và nhân lực rất lớn để chăm sóc số bệnh nhân không triệu chứng.

F0 ‘đá cầu, múa bụng’ trong bệnh viện dã chiến: Có thể cách ly F0 không triệu chứng tại nhà? - Ảnh 3.
Các ca F0 được chuyển đến Bệnh viện dã chiến số 3 chiều 8-7 – Ảnh: HOÀNG AN

“Không điều trị gì cả”

Bác sĩ Trương Hữu Khanh – chuyên gia dịch tễ (Bệnh viện Nhi đồng 1) – cho biết phác đồ điều trị cho bệnh nhân không triệu chứng là “không điều trị gì cả”. Họ chỉ nghỉ ngơi, uống nước hoặc uống thêm viên sủi tăng sức đề kháng. Với người có triệu chứng nhẹ cũng chỉ uống thuốc hạ sốt, giảm ho và uống nhiều nước. Trong suốt thời gian này bệnh nhân được làm xét nghiệm, nếu âm tính (hết bệnh) đảm bảo với số lần quy định sẽ được ra viện.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong – phó giám đốc Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi – cho biết đối với các trường hợp F0 không triệu chứng vẫn được bác sĩ theo dõi hằng ngày, đo sinh hiệu 2 lần/ngày. Ở tuần đầu bệnh nhân sẽ không có triệu chứng, nhưng đến tuần thứ 2 thường sẽ có một số người sốt, ho, sổ mũi, mệt, khó thở… Lúc này, bác sĩ sẽ khám đánh giá bệnh nhân có bị suy hô hấp không, qua đó có thể làm một số xét nghiệm máu, chụp X-quang phổi nhằm chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tùy mức độ mà bác sĩ sẽ xem xét có chuyển bệnh nhân lên tuyến cao hơn không. “Đối với ca không triệu chứng, bệnh nhân không có điều trị đặc hiệu, mà chỉ theo dõi là chính, một số trường hợp có thể dùng thêm vitamin tăng sức đề kháng; ngoài ra các bác sĩ sẽ thường xuyên dặn bệnh nhân súc miệng, vệ sinh cá nhân sạch sẽ” – bác sĩ Phong nói.

Điều kiện xuất viện là sau 14 ngày, về mặt lâm sàng bệnh nhân ổn, ăn uống tốt, xét nghiệm âm tính 2 lần cách nhau trên 24 giờ trước ngày xuất viện. Sau xuất viện bệnh nhân tiếp tục cách ly tại nhà 2 tuần, mỗi tuần được lấy mẫu 1 lần. Trường hợp dương tính lại, nếu không có triệu chứng bệnh nhân sẽ được cách ly tại nhà; còn có các triệu chứng ho, sốt, đau họng… tiếp tục được đưa vào bệnh viện điều trị. “Hiện tại, đối với các trường hợp F0 thành phố vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát nên chúng ta vẫn đưa các trường hợp này đi cách ly, theo dõi để tránh trường hợp lây lan dịch trong cộng đồng. Tùy tình hình dịch bệnh thành phố sẽ có giải pháp thích hợp” – bác sĩ Phong cho biết.

F0 ‘đá cầu, múa bụng’ trong bệnh viện dã chiến: Có thể cách ly F0 không triệu chứng tại nhà? - Ảnh 4.
Áp dụng chiến lược điều trị phân tuyến 3 tầng: (1) bệnh nhân nặng; (2) có triệu chứng và nhẹ; (3) không triệu chứng (BV dã chiến trưng dụng ký túc xá, chung cư) – Tư Liệu: THU HIẾN – Đồ họa: N.KH.

Điều kiện cách ly F0 không triệu chứng tại nhà?

Theo bác sĩ Khanh, với 80% ca mắc không triệu chứng, nếu người nào cũng đưa vào bệnh viện điều trị gây áp lực lên hệ thống bệnh viện. “Chưa kể người cách ly cũng không thoải mái như ở nhà, làm bệnh lý nặng lên. Đó là lý do chúng ta phải tính toán lại. Nếu cách ly tại bệnh viện, phải chuẩn bị nhân sự chăm lo cho họ bởi việc này không chỉ vài ngày mà là nửa tháng hoặc dài hơn nữa” – bác sĩ Khanh dẫn chứng.

Điều kiện để cách ly F0 không triệu chứng ngoài bệnh viện hoặc tại nhà là gì? Bác sĩ Khanh khẳng định không phải F0 không triệu chứng nào cũng được cách ly ở nhà, mà phải có sàng lọc kỹ. Nếu F0 có nguy cơ cao (béo phì, bệnh nền, trên 60 tuổi) sẽ chuyển bệnh viện điều trị; người khỏe mạnh có thể cách ly ở nhà với điều kiện tất cả người trong gia đình phải khỏe mạnh, đồng thời nơi cách ly phải được “giới nghiêm” và giám sát chặt theo quy định. Điều này theo bác sĩ Khanh là có lợi hơn, cho cả người bệnh và xã hội.

Đồng quan điểm, TS.BS Phan Văn Báu – giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 – cho rằng đã đến lúc thí điểm cách ly F0 không triệu chứng ngoài bệnh viện. Cụ thể trước mắt nên thí điểm tại các nhà máy xí nghiệp, công ty, tập đoàn có số lượng lớn nhân viên F0 không triệu chứng. Theo ông, nếu cách ly tại doanh nghiệp, điều kiện chắc chắn tốt hơn bệnh viện dã chiến. “Việc cách ly này cần tách ra một khu vực riêng, được ngành y tế thẩm định, có quy định chặt chẽ. Khi đi vào cách ly chỉ cần điều số lượng nhân viên y tế vừa phải giám sát nếu sốt cho thuốc hạ sốt, nếu nặng chở vào bệnh viện; công ty cũng xắn tay cung ứng ăn uống cho nhân viên như vậy gánh nặng sẽ giảm trông thấy” – bác sĩ Báu phân tích.

Theo bác sĩ Báu, hiện có nhiều tập đoàn lớn sẵn sàng trưng dụng khách sạn do đơn vị quản lý, phục vụ cách ly cho nhân viên mắc COVID-19 không triệu chứng. Nhân viên y tế giám sát chuyên môn, công ty lo việc chăm lo hậu cần. Được vậy giảm gánh nặng cho Nhà nước, hạn chế tập trung F0 vào một khu vực và nhờ đó tâm lý của các F0 không triệu chứng cũng thoải mái hơn.

Chưa cách ly tại nhà vì còn khả năng

Trả lời trong cuộc họp báo ngày 10-7 về vấn đề này, PGS.TS Tăng Chí Thượng cho biết đây là cách làm được nhiều nước áp dụng nhưng Việt Nam chưa có chủ trương này. “Chúng ta vẫn quyết tâm phát hiện sớm F0 để cách ly. Chỉ khi nào không còn khả năng tiếp nhận điều trị mới cách ly F0 ở nhà” – ông Thượng nói và cho rằng cách ly F0 tại nhà vừa không có lợi cho người bệnh khi chuyển biến nặng, dễ lây lan dịch. Ông cũng cho rằng với biến chủng Delta lây nhanh, mạnh, có thể trong một ngày người không có triệu chứng đã chuyển sang diễn biến khác.

Hoàng Lộc, Thu Hiền

Bài mới
Đọc nhiều