F0 có xét nghiệm âm tính đã đi chơi, du xuân được chưa?
Nhiều người trở thành F0 và 3 ngày sau đã âm tính, bản thân họ muốn đi lại, du xuân nhưng vẫn lo lắng không biết đã đi lại được chưa?
Anh Nguyễn Văn Minh – 43 tuổi, Hà Nội cho biết bản thân anh trở thành F0 đúng ngày 29 Tết và đến mùng 4 Tết anh đã có kết quả âm tính. Sáng nay mùng 5 Tết, anh xét nghiệm lại vẫn chỉ có 1 vạch. Anh Minh nóng lòng muốn ra ngoài để đi vui Tết nhưng theo quy định phải cách ly 10 ngày.
Không riêng gì anh Minh mà nhiều người sau khi trở thành F0 thì chỉ 3 – 4 ngày sau có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng vẫn không đi ra ngoài được, phải cách ly tại nhà.
Chị Hoàng Thị Linh – Hải Phòng cho biết, chị và hai con dương tính, chồng chị âm tính. Cả nhà vẫn ăn Tết tại gia đình nhưng nay đã âm tính, chị Linh muốn chạy tới chạy lui vì gia đình còn có cửa hàng. Nhiều lần chị muốn xé rào cách ly nhưng lại lo lắng không biết chưa hết 10 ngày có đi lại được hay không?
F0 đã âm tính vẫn nên tuân thủ quy định cách ly
Theo PGS Trần Đắc Phu – Nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, khi F0 đã âm tính nhưng chưa hết thời gian cách ly vẫn phải tuân thủ cách ly vì nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng vẫn còn. Hơn nữa, test nhanh âm tính chưa chắc đã chính xác, vì vậy để an toàn cho người xung quanh, người bệnh vẫn phải cách ly đủ ngày theo quy định. Hết cách ly người bệnh vẫn phải tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, không thể tự do đi lại khi thấy mình có kết quả âm tính.
Theo quy định hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, các F0 điều trị tại nhà sẽ được dỡ bỏ cách ly khi đã cách ly, điều trị đủ 7 ngày, thay vì 10 ngày như trước và đã có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính với virus SARS-CoV-2.
Người bệnh Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà theo quy định sẽ được dỡ bỏ cách ly, điều trị tại nhà. Theo đó, người bệnh phải cách ly, điều trị đủ 7 ngày và có kết quả test nhanh âm tính do nhân viên y tế hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.
Trong trường hợp sau 7 ngày cách ly, kết quả xét nghiệm còn dương tính thì tiếp tục cách ly đủ 10 ngày đối với người đã tiêm đủ liều vaccine và 14 ngày đối với người chưa tiêm đủ liều vaccine.
BS Trương Hữu Khanh – nguyên trưởng Khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 1, TP.HCM cho biết khi cách ly tại nhà, các F0 cần hết sức bình tĩnh. Khi xét nghiệm test nhanh hết sức lưu ý bởi vì lúc xét nghiệm lại có thể có người sau 7 ngày âm tính nhưng cũng có 1 số người sau 7 ngày vẫn dương tính, cũng có người sau 14-21 ngày mới âm tính.
Nếu sau 7 ngày cách ly, bạn xét nghiệm lại vẫn thấy mình dương tính thì không nên quá hoảng mà nên tiếp tục theo dõi không nên để ảnh hưởng đến tinh thần. Khi âm tính người bệnh cũng không nên vội mừng mà đi ra ngoài ngay. Tốt nhất vẫn nên cố gắng cách ly đủ ngày nếu bạn đã tiêm đủ vaccine.
Nếu sau 7 ngày cách ly mà bạn muốn đi ra ngoài thì nên xét nghiệm lại 1 – 2 lần. Còn nếu 2 – 3 ngày đã âm tính thì vẫn nên duy trì uống thuốc kháng virus cho tới lúc kết thúc thời gian cách ly và ở nhà theo dõi sức khoẻ – BS Khanh nói.
BS Trương Hữu Khanh nhấn mạnh, đối với các F0 điều trị tại nhà, nếu nồng độ oxy trong máu thấp hơn 93 hoặc có bất cứ dấu hiệu nào như tức ngực, tím tái, choáng váng thì phải đưa ngay đến các cơ sở y tế. Hoặc, những đối tượng có nguy cơ cao mà chưa tiêm vaccine phòng Covid-19 thì cũng nên liên hệ ngay với các cơ sở y tế.
Về lưu ý sử dụng thuốc hạ sốt, BS Trương Hữu Khanh cho hay, thuốc hạ sốt có nhiều tên khác nhau nhưng bản chất vẫn là Paracetamol, tuyệt đối không được uống viên này, rồi uống thêm viên khác vì như vậy sẽ gây quá liều và ngộ độc thuốc, hại gan, dù có thể không nguy hiểm bằng mắc bệnh Covid-19 nhưng sẽ gây suy gan do ngộ độc thuốc.
Ngọc Anh