F-16 Pakistan tấn công, Su-30 Ấn Độ tháo chạy: Nỗi thất vọng ê chề với tên lửa Nga!
Các nguồn tin ở Không quân Ấn Độ tiết lộ rằng, dòng tên lửa R-77 đã thể hiện không đúng với những gì Nga quảng cáo và không thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách trên 80 km.
Sau khi một trong những máy bay chiến đấu của Ấn Độ bị các tiêm kích phản lực Không quân Pakistan bắn rơi bằng tên lửa do Mỹ sản xuất, New Delhi đã tỏ ra không hài lòng với các tên lửa Nga.
Trên thực tế, theo trang tin NDTV, Ấn Độ đang muốn thay thế tên lửa không đối không của Nga bằng vũ khí Israel.
“Trong vòng hai năm nữa, các máy bay chiến đấu tiền tiêu Sukhoi-30 của Không quân Ấn Độ có thể sẽ được trang bị lại bằng tên lửa không đối không Derby của Israel sau khi các tên lửa R-77 do Nga sản xuất đã không thể hiện được hiệu quả như kỳ vọng trong cuộc đối đấu trên không với Pakistan ở vùng Giới tuyến Kiểm soát (LOC) ngày 27/2 vừa qua”, NDTV viết.
Trong các trận không chiến dọc biên giới Kashmir vào ngày 26 và 27 tháng 2/2019, một chiếc MiG-21 của Không quân Ấn Độ (IAF) đã bị bắn hạ bằng tên lửa AIM-120 AMRAAM (Tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến) do Mỹ sản xuất được phóng đi từ một trong những máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Pakistan (PAF).
Ấn Độ cũng tuyên bố đã bắn rơi một máy bay chiến đấu của Pakistan, điều mà Islamabad luôn phủ nhận, nhưng New Delhi lại bị rơi vào tình huống khó xử hơn khi phi công MiG-21 của họ bị phía Pakistan bắt giữ, tuy đã trao trả lại sau đó.
Điều gây rắc rối cho Không quân Ấn Độ là Pakistan có thể tiêu diệt một máy bay chiến đấu của nước này từ tầm tấn công xa.
Theo NDTV, trong số các máy bay chiến đấu của Không quân Ấn Độ bị ngắm bắn có 2 chiếc Sukhoi Su-30 nhưng chúng đã may mắn thoát được đòn tấn công của các tên lửa AMRAAM phóng đi từ cự ly 100 km”.
Do được phòng thủ đầy đủ và nhanh chóng chạy thoát nên các máy bay Sukhoi Su-30 của Không quân Ấn Độ đã không bị bắn hạ nhưng cũng chẳng thể trả đũa nổi các chiến cơ địch thủ vì thực tế số máy bay F-16 Pakistan nằm ngoài tầm tấn công của các tên lửa R-77 Nga.
Các nguồn tin ở IAF tiết lộ với NDTV rằng, tên lửa R-77 không đúng với những gì Nga quảng cáo và không thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách trên 80 km.
Phiên bản tên lửa AIM-120A/B ban đầu có tầm bắn 75 km nhưng đến năm 2010 Pakistan đã tiếp nhận lô AIM-120C-5 mới hơn thì tầm tấn công của chúng là 100 km. Trong khi đó, tên lửa AIM-120D tiên tiến nhất có tầm bắn lên tới 160 km.
“Không quân Pakistan đã khiến IAF bị bất ngờ khi phóng các tên lửa không đối không từ bên trong không phận vùng Kashmir do Pakistan kiểm soát”, Sameer Joshi, cựu phi công Ấn Độ cho biết. “AMRAAM vượt xa tầm tấn công của các tên lửa không đối không mà IAF trang bị”.
Ấn Độ giờ đây đang quay sang nhờ cậy Israel, nước mà New Delhi đã đã từng mua rất nhiều vũ khí, chẳng hạn như các máy bay không người lái Heron hay tên lửa không đối không Derby tấn công ngoài tầm nhìn dẫn đường bằng laser với tầm bắn 50 km.
Để đối phó với các máy bay chiến đấu F-16 của Pakistan trang bị tên lửa AMRAAM, Không quân Ấn Độ đang cân nhắc lựa chọn dòng tên lửa I-Derby cải tiến có tầm bắn 100 km.
Tuy nhiên, kế hoạch này lại dẫn tới một vấn đề khác: Làm thế nào để tích hợp tên lửa Israel vào máy bay Nga?
“Việc tích hợp tên lửa Israel vào máy bay chiến đấu của Nga sẽ là một thách thức rất lớn và hoạt động này sẽ phải cần tới chuyên môn từ phía Israel, đặc biệt là khi xây dựng liên kết dữ liệu giữa Su-30 và tên lửa một khi nó được khai hỏa”, các nguồn tin của NDTV cho biết.
Thế nhưng, có một điều kỳ lạ là, trong khi chê bai tên lửa Nga và muốn mua tên lửa của Israel thay thế, Không quân Ấn Độ được cho là vẫn đặt mua thêm vũ khí Nga. Moscow đang chào hàng cho Ấn Độ các phiên bản tầm trung và tầm xa của tên lửa R-77 đã không phát huy được hiệu quả trong vụ đối đầu với Không quân Pakistan hồi tháng 2 vừa qua.
(Theo Soha News)