EVN đang tìm cách khoan thư sức dân hay đẩy khó cho dân?
Lâu này người dân vốn rất thiếu niềm tin ở EVN, thậm chí còn so sánh họ với nghề văn chương vốn nhiều trí tượng tượng “đừng nghe nhà văn kể chuyện, đừng nghe ngành điện giải trình”.
Theo đó, việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là doanh nghiệp nhà nước độc quyền, tham gia cả 3 lĩnh vực sản xuất, phân phối lưu thông (truyền tải), bán hàng mà vẫn kêu lỗ khiến dư luận có quyền nghi ngờ.
Liên tục kêu khó
Mới đây, báo cáo tình hình hoạt động 6 tháng của EVN cho thấy, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt gần 117,4 tỷ kWh, tăng gần 11% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, sản lượng nhiệt điện than hơn 60,1 tỷ kWh, thuỷ điện xấp xỉ 29,9 tỷ kWh. Ngoài ra, EVN đã phải huy động gần 800 triệu kWh từ điện chạy dầu giá cao, để đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt.
Ông Võ Quang Lâm – Phó tổng giám đốc EVN cho biết, nhu cầu điện dự báo tiếp tục tăng cao trong 6 tháng cuối năm khi hệ thống điện hầu như không có dự phòng về nguồn. Cùng với đó, mực nước các hồ thuỷ điện ở mức rất thấp, nhiều hồ thuỷ điện lớn trên dòng sông Đà ở gần mức nước chết và việc cung ứng than cho điện, khí khó khăn…
Do đó, có thể EVN vẫn phải tiếp tục huy động thêm từ nguồn điện chạy dầu giá cao, con số dự kiến cả năm có thể lên tới 3 tỷ kWh. Việc này, theo lãnh đạo EVN, “sẽ là thách thức lớn với tình hình tài chính của tập đoàn”.
Hiện, giá sản xuất mỗi kWh điện chạy dầu là 5.700-6.000 đồng một kWh (chưa gồm phí truyền tải, phân phối), trong khi giá bán lẻ bình quân tới các hộ dùng điện là 1.844,64 đồng một kWh, chênh 4.000-5.000 đồng mỗi kWh.
Trong bối cảnh này, EVN sẽ tăng cường huy động nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời). So với việc phải chạy dầu phát điện thì giá của điện mặt trời vẫn rẻ hơn nhiều, trên 2.100 đồng một kWh (chưa gồm phí, thuế…). Tuy nhiên, điểm yếu là phụ thuộc lớn vào thời tiết, phần lớn công suất phát các nhà máy này chỉ đạt 60-70% công suất thiết kế, do đó một mặt huy động tối đa nguồn điện sạch, EVN cũng phải tính toán để có lượng điện dự phòng, tránh trường hợp rã lưới.
Theo kế hoạch, 6 tháng cuối năm, EVN sẽ đưa vào vận hành 3 dự án nguồn điện với tổng công suất 1.480 MW, gồm Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng, Nhiệt điện Duyên hải 3 mở rộng, Thủy điện Thượng Kon Tum. Ngoài ra, tập đoàn này sẽ khởi công các dự án điện mặt trời Phước Thái 1 và Sê San 4.
Tập đoàn này sẽ đóng điện các công trình đường dây 220 kV Thủy điện Thượng Kon Tum – Quảng Ngãi, lắp máy biến áp 500 kV và 220 kV thứ 2 tại trạm biến áp 500 kV Lai Châu
Đáng chú ý, đây không phải lần đâu EVN kêu lỗ để biện minh cho ý đồ tăng giá của mình. Trước đó, giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 vừa được điều chỉnh tăng 8,36%, tương đương 1.864,44 đồng/kW giờ (chưa bao gồm thuế VAT), tăng giá nhưng EVN vẫn than lỗ, vì sao?
Có vẻ như sản xuất khó khăn là lý do mà EVN đưa ra để bảo vệ lợi ích khi mà hàng ngàn tỷ đồng đầu tư cho kinh doanh lại đang bị EVN – doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn này “chôn vùi” trong rất nhiều dự án đội vốn, thua lỗ, chưa kể các khoản vay nhiều triệu USD đang do Chính phủ bảo lãnh.
Mà doanh nghiệp nhà nước đang được hưởng quá nhiều ưu đãi, nắm độc quyền các ngành quan trọng, nhưng nợ lại không tính vào nợ công, sản xuất kinh doanh liên tục kêu khó khiến cho không chỉ dư luận ngán ngẩm, mà các chuyên gia cũng không đồng tình.
Không thể dựa hoài vào sức dân
Đúng là, ngành điện vẫn nằm trong thế độc quyền. EVN hiện có 3 tổng công ty phát điện (GENCO 1, 2, 3) thuộc lĩnh vực sản xuất điện năng, 5 tổng công ty điện lực kinh doanh điện năng đến khách hàng là Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC),Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVN CPC), Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC), Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVN HANOI), Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVN HCMC).
Phụ trách lĩnh vực truyền tải điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam hiện nay là Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVN NPT), được thành lập trên cơ sở tổ chức lại 4 công ty truyền tải (Công ty Truyền tải 1, 2, 3, 4) và 3 Ban quản lý dự án (Ban quản lý dự án các công trình điện miền Bắc, Trung, Nam).
Nói thẳng ra, lâu này người dân vốn rất thiếu niềm tin ở EVN, thậm chí còn so sánh họ với nghề văn chương vốn nhiều trí tượng tượng “Đừng nghe nhà văn kể chuyện, đừng nghe ngành điện giải trình”.
Ngành điện từ xưa đến nay như một lãnh địa riêng, mặc dù đã được Nhà nước đầu tư nhiều, nhưng hàng năm vẫn một câu ” lỗ” và ” tăng giá điện” điệp khúc này xem ra đến nay đã nhàm, vì người dân mất niềm tin vào những cú tăng điện đốc chiến của EVN, vì độc quyền, có lẽ vậy, nên Thanh tra Chính phủ ” phần nào còn nể ” mà “chưa rờ tới” để xem cái sự lỗ, lãi của EVN nó đến đâu.
Cái sự “kêu than” của EVN thật sự khiến dư luận khó chịu vì nguồn vốn bị phát tán đi nhiều nhiều điểm mà không thu lại hiệu quả kinh tế. Nói cách khác, EVN đầu từ vào một số lĩnh vực hoạt động lại có biểu hiện mờ mờ, ảo ảo cùng những khoản đầu tư “không quay trở lại”.
Còn nhớ, trước đây, kết luận thanh tra số 2181/KL-TTCP ngày 30/9/2013 cho biết tính đến hết năm 2011, Công ty mẹ – EVN đã đầu tư vốn ra ngoài lên đến trên 121.000 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ gần 77.000 tỷ đồng. Với việc đầu tư ra ngoài vượt vốn điều lệ khoảng 45.000 tỷ đồng, EVN đã vi phạm quy định của Bộ Tài chính. Mặc dù vậy, với khoản đầu tư này, EVN lỗ đến 2.195 tỷ đồng.
Nhiều khoản thua lỗ nghiêm trọng bị phát hiện tại các đơn vị thành viên của EVN, như EVN NPT lỗ 3.145 tỷ đồng, EVN SPC lỗ hơn 1.200 tỷ đồng… Ngoài ra, EVN còn dành gần 2.000 tỷ đồng đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro như bảo hiểm, chứng khoán, ngân hàng nhưng vượt tỷ lệ góp vốn theo quy định.
Kết luận thanh tra cũng cho biết EVN đầu tư vào EVN Telecom gây mất vốn nhà nước hơn 2.400 tỷ đồng; sử dụng hơn 1,6 triệu USD và hơn 467 tỷ đồng để ký kết hợp đồng đào tạo thạc sỹ kinh doanh cho 164 cán bộ công nhân viên, nhưng đến nay bằng cấp đối tác cấp cho cán bộ của EVN chưa được cơ quan nhà nước của Việt Nam công nhận.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định: “Đây là bệnh của kinh doanh sản phẩm độc quyền. Khi độc quyền họ luôn muốn tăng giá để tăng lợi ích, như lần trước, sau khi báo lỗ, EVN đã đề xuất tăng giá điện 12% rồi rút dần xuống”.
Bên cạnh đó, mức thu nhập của các cán bộ quản lý cũng thuộc dạng khủng. Trong một bài viết trên VnExpress có tiêu đề “Nhiều sếp EVN thu nhập trên 600 triệu đồng một năm” cho thấy thu nhập cán bộ EVN hàng trăm triệu. Các lãnh đạo này đều đa phần có bằng cấp tiến sĩ, thạc sĩ. Đặc biệt, nhiều lãnh đạo có bằng thạc sĩ liên quan đến lĩnh vực điện năng.
Chưa dừng lại ở đó, dù liên tục than lỗ, nhưng thực tế theo báo cáo tài chính của EVN ghi nhận chưa bao giờ lỗ. Báo cáo tài chính của EVN cho thấy năm nào cũng có lãi từ hoạt động bán điện, 2015 lãi khoảng 2132 tỷ đồng, 2016 lãi hơn 2600 tỷ đồng, 2017 lãi 8145 tỷ đồng gấp rưỡi 2016, năm 2018 đạt lợi 340000 tỷ, vượt chỉ tiêu.
Chẳng lẽ, EVN lỗ là do bán điện giá thấp như các quan chức ngành điện vẫn mang ra nói theo kiểu “ban ơn cho dân” hay sao? Hay chính EVN đang tìm mọi cách khoan sức dân, đẩy khó cho dân? Nếu cấp quản lý tối cao không có biện pháp chấn chỉnh hoạt động của EVN, không kiểm soát được chi phí của mỗi lần tăng giá điện, thì cả xã hội lại đối mặt với tăng giá đợt tiếp theo. Mà mỗi đợt tăng giá điện sẽ gây tác động rất lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội, hoạt động sản xuất, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
(Theo Bút Danh)