EVFTA và EVIPA là “cơ hội vàng” cho Việt Nam và EU
Sáng 8-6, Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết và thông qua việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) và Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVIPA).
Sau kết quả biểu quyết trên, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Giorgio Aliberti đã có cuộc họp báo, khẳng định EVFTA và EVIPA là một “cơ hội vàng” cho Việt Nam và EU.
Nhiều lợi thế cho cả EU và Việt Nam
Theo Đại sứ Giorgio Aliberti, ngày 8-6, Quốc hội Việt Nam thông qua EVFTA và EVIPA là thời khắc lịch sử mà cả Việt Nam và EU đều mong chờ sau chặng đường dài 10 năm đàm phán. “Đây là một ngày lịch sử trong quan hệ Việt Nam – EU khi 2 hiệp định được thông qua với số phiếu rất cao, tương tự như Nghị viện châu Âu thông qua 2 hiệp định này. Hai hiệp định là thành tố quan trọng, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế cũng như trao đổi thương mại song phương”, Đại sứ Aliberti nhấn mạnh.
Đại sứ cho rằng, có được thành tựu trên là thành tựu của nỗ lực tập thể với chặng đường 10 năm qua của các vị tiền nhiệm EU cũng như các cán bộ tại Bỉ. Đại sứ Aliberti chia sẻ: “10 năm công tác tại các địa bàn khác nhau, tôi cảm thấy may mắn và vui mừng vì được cùng Việt Nam đón nhận sự kiện lịch sử trọng đại tại thời điểm này”.
Theo quy định hiệp định sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau tháng mà cả hai bên đã thông báo cho nhau về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý nội bộ để hiệp định này có hiệu lực, dự kiến vào ngày 1-8 tới đây. Kể từ ngày đầu tiên có hiệu lực, việc cắt giảm thuế quan sẽ áp dụng cho 65% hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam và 71% hàng nhập khẩu của EU từ Việt Nam, với một lộ trình hướng tới việc từng bước xóa bỏ thuế quan là 10 năm. Một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, đóng góp của EVFTA vào GDP của Việt Nam dự kiến tăng 2,4%. Xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng 12% và giảm đói nghèo cho khoảng 800.000 người. Tuy nhiên, trên thực tế, tình hình này diễn ra còn phụ thuộc rất nhiều vào việc hiệp định sẽ được thực thi như thế nào cũng như quá trình cải cách của Việt Nam ra sao. Nếu mọi việc đi đúng hướng, những lợi ích mang tính “cộng” của EVFTA sẽ có ý nghĩa lớn bên cạnh những con số được thể hiện.
Thương mại đi trước, đầu tư theo sau
Người đứng đầu Phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết, với việc ký kết FTA cùng EU, Việt Nam đang có lợi thế rất lớn khi có thể tiếp cận thị trường như EU, nếu so sánh với các quốc gia/nền kinh tế khác có sự tương đồng trong khu vực. “Người tiêu dùng Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận với các sản phẩm của EU với tiêu chuẩn cao, giá cả phải chăng hơn và cũng có những giá trị lợi ích cho nhà sản xuất của Việt Nam khi họ có cơ hội tiếp cận dễ dàng hơn tới một thị trường tiêu chuẩn cao, có sức mua lớn”, Đại sứ Giorgio Aliberti nói.
Bàn về bức tranh đầu tư trong tương lai, Đại sứ Aliberti cho rằng, điều quan trọng là thúc đẩy thương mại giữa hai bên. “Đầu tư sẽ đi sau thương mại. Khi thương mại diễn ra tốt đẹp, các nhà đầu tư EU mới nhìn thấy tiềm năng tại Việt Nam và sẽ cân nhắc đầu tư. Những nhà đầu tư EU cần thời gian để biết rõ hơn về đất nước Việt Nam, về quan hệ thương mại Việt Nam. Còn Việt Nam cần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ với EU, thu hút nhiều nguồn đầu tư chất lượng cao từ EU. Việc này sẽ có tính chất thay đổi cuộc chơi, vì đầu tư chất lượng cao sẽ giúp Việt Nam hội nhập tốt hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu”, Đại sứ Aliberti lưu ý.
PHƯƠNG LINH/QĐND