+
Aa
-
like
comment

EVFTA và CPTPP cho thấy niềm tin vào thương mại tự do vẫn mạnh mẽ

01/07/2019 13:59

Các hiệp định FTA được ký kết gần đây cho thấy cam kết của Việt Nam đối với tự do thương mại, cũng như triển vọng của giao thương trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy. 

Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) ngày 30/6 đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA). Ngoài việc 99% thuế quan sẽ được giảm trong vòng 10 năm tới và tăng trưởng kinh tế đi kèm, EVFTA được các chuyên gia kỳ vọng sẽ đưa Việt Nam “bắt kịp các tiêu chuẩn thế giới” về môi trường, quyền lao động và phát triển bền vững.

Hội đồng châu Âu ca ngợi đây là hiệp định “tham vọng nhất đạt được với một nước đang phát triển” trong khi các chuyên gia cho rằng hiệp định cho thấy cam kết của Việt Nam đối với tự do thương mại trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy.

EVFTA va CPTPP cho thay niem tin vao thuong mai tu do van manh me hinh anh 1
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh ký hiệp định với Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmström và Bộ trưởng Môi trường Kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp của Romania Stefan Radu Oprea.

Thương mại vẫn “sống khỏe”, đặc biệt ở châu Á

Một ngày trước khi EVFTA được ký kết ở Hà Nội, hội nghị thượng đỉnh G20 kết thúc tại Osaka, Nhật Bản, với tuyên bố chung bày tỏ sự quan ngại về việc tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại trong khi căng thẳng về thương mại và địa chính trị gia tăng.

Tuy nhiên, các nước đã không thể thống nhất việc đưa nội dung lên án chủ nghĩa bảo hộ vào tuyên bố chung do sự phản đối của Mỹ.

Trái với động thái trên, ông Peter Petri, Trưởng khoa Tài chính quốc tế, Đại học Kinh doanh quốc tế Brandeis, nói với PV rằng EVFTA, CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương) và Hiệp định thương mại Nhật Bản – EU cho thấy rõ ràng thương mại quốc tế vẫn “sống” khỏe ở châu Á.

“Với tầm quan trọng ngày càng tăng của châu Á trong nền kinh tế toàn cầu, điều này khiến triển vọng thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế khá lạc quan”, theo ông Petri. “Trọng lực của hệ thống giao thương toàn cầu đang chuyển từ Mỹ về châu Á”.

EVFTA sẽ cho phép Việt Nam, nền kinh tế với 90 triệu người, tiếp cận thị trường 508 triệu dân của EU, nơi có tổng GDP khoảng 18 nghìn tỷ USD. Trong khi đó, CPTPP bao phủ khu vực rộng lớn với 485 triệu người thuộc 11 quốc gia và tổng GDP trị giá 13,5 nghìn tỷ USD.

10 quốc gia ASEAN và 6 đối tác Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand cũng dự kiến đàm phán xong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong năm 2019.

Tại châu Á, EU có thỏa thuận thương mại với Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore, trong khi đang đàm phán với Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan. Thỏa thuận thương mại EU – Singapore sẽ có hiệu lực trong năm nay.

Đại sứ Ngô Quang Xuân, Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế tại Geneva từ năm 2002-2008, gọi việc ký EVFTA là “điểm rất sáng” trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy ở nhiều nơi, châu Âu chứng kiến sự ra đi của nước Anh.

Cao ủy Thương mại châu Âu Cecilia Malmström nói với AFP rằng hiệp định này “gửi đi tín hiệu rất rõ ràng rằng ‘chúng tôi tin ở thương mại'”.

Hôm 28/6, EU cũng vừa ký hiệp định thương mại với khối bốn nước Nam Mỹ Mercosur – bao gồm Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay – sau 20 năm đàm phán.

EVFTA va CPTPP cho thay niem tin vao thuong mai tu do van manh me hinh anh 2
Tuyên bố chung của hội nghị G20 tại Nhật Bản bày tỏ sự quan ngại về việc tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại trong khi căng thẳng về thương mại và địa chính trị gia tăng.

“Giá trị EVFTA nằm ở mối quan hệ Việt Nam – EU”

Ông Petri nói rằng với những hiệp định thương mại đã ký gần đây, Việt Nam sẽ trở thành người dẫn đầu về thương mại tại châu Á, thách thức Singapore và Nhật Bản.

EVFTA, tương tự CPTPP, là một hiệp định toàn diện, “đương đại”. Cả hai đều hướng đến việc loại bỏ các rào cản thương mại, kèm theo các điều khoản về dịch vụ, đầu tư, tiêu chuẩn kỹ thuật, chi tiêu chính phủ, sở hữu trí tuệ, chính sách xã hội…

“Giá trị thật của EVFTA không nằm ở điều khoản cụ thể nào, mà ở chính mối quan hệ gần gũi trong hiện tại và tương lai giữa các nhà hoạch định chính sách Việt Nam – EU, vượt qua rất nhiều các vấn đề phức tạp đang ảnh hưởng đến thương mại”, theo ông Petri.

Ví dụ, EVFTA sẽ hiện đại hóa các luật của Việt Nam đối với doanh nghiệp quốc doanh, chi tiêu nhà nước. Trong những lĩnh vực này, Việt Nam cần bắt kịp với tiêu chuẩn thế giới. Điều này quan trọng không chỉ khi giao thương với châu Âu, mà còn cho cả tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, quan hệ thương mại với các đối tác như Mỹ, Nhật Bản, Canada, Australia…

Ngoài quan hệ Việt Nam – EU, EVFTA có thể là cơ hội để các doanh nghiệp EU tiếp cận thị trường ASEAN.

“Nhiều công ty đang xem thỏa thuận này chính là bến đỗ quan trọng trong khu vực ASEAN, với khả năng đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam đồng thời mở ra con đường tiếp cận thị trường ASEAN thông qua Việt Nam”, Trưởng đoàn đàm phán EU, Phó tổng vụ trưởng Thương mại châu Âu Helena Konig, nói trong cuộc phỏng vấn với TTXVN.

Báo cáo năm 2018 của Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham) cho biết gần 80% trong số 130 doanh nghiệp thành viên được khảo sát nói rằng EVFTA sẽ có tác động “đáng kể” hoặc “tương đối” đối với việc kinh doanh của họ trong trung hạn và dài hạn.

Trong khi đó, hơn 90% doanh nghiệp tin rằng hiệp định sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam cạnh tranh hơn, 72% cho rằng nó sẽ giúp Việt Nam trở thành điểm đến của các doanh nghiệp châu Âu tại ASEAN.

Trong bài phát biểu tại lễ ký kết ngày 30/6 ở Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý rằng trong năm 2020 Việt Nam sẽ là nước Chủ tịch ASEAN, cộng đồng kinh tế có dân số gần 650 triệu người với GDP trên 3.000 tỷ USD, đứng thứ 6 toàn cầu.

Bộ trưởng Môi trường Kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp Romania Stefan-Radu Oprea nói với báo chí trong buổi ký kết: “EVFTA tạo ra cầu nối, những quy định đều mang tính công bằng, minh bạch. ‘Lòng tin’ chính là từ khoá”.

“Các hiệp định sẽ không thể thực thi được nếu không có sự tin tưởng lẫn nhau, kể cả những người tiêu dùng, người lao động… vì chúng ta có những tiêu chuẩn rất cao trong hiệp định này”, bà nhận định.

EVFTA va CPTPP cho thay niem tin vao thuong mai tu do van manh me hinh anh 3
Ngoài các cam kết về giảm thuế quan và rào cản thương mại, thỏa thuận còn bao gồm các cam kết về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thúc đẩy quyền lao động, phát triển bền vững…

EVFTA vẫn cần được Nghị viện châu Âu thông qua. Hiệp định sẽ được phê chuẩn nhanh nhất vào cuối năm nay khi các nghị sĩ khóa mới bắt đầu làm việc.

Các chuyên gia và quan chức châu Âu cũng cho rằng việc Quốc hội Việt Nam gần đây phê chuẩn công ước quốc tế về lao động – Công ước 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) – là bước đi rất tích cực, góp phần đẩy nhanh quá trình hiệp định được ký kết.

“Các đảng bên trong Nghị viện châu Âu, cả thiên hữu lẫn thiên tả, đều rất khó lường trong các vấn đề thương mại. Hiệp định Việt Nam – EU đã làm được những gì có thể làm, bao gồm kèm vào đó những quy định mạnh về lao động, sự bền vững và cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư được sửa đổi”, ông Petri nhận định.

“Việt Nam đang tiến gần các tiêu chuẩn của thế giới trên nhiều mặt, bao gồm vấn đề về doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước và chi tiêu chính phủ. Dù vậy, không thể nói chắc chắn điều gì cả”.

“Vì Việt Nam và EU là hai nền kinh tế bù trừ cho nhau, các mối đe dọa ảnh hưởng từ xuất khẩu cũng không nhiều. Tôi nghĩ là cuối cùng thì Nghị viện châu Âu cũng đồng ý nhưng rõ ràng Việt Nam phải duy trì được mối liên hệ với các cá nhân nghị sĩ để trình bày và thuyết phục cho họ về EVFTA”, Daniel Guéguen, giáo sư tại College of Europe ở Bruges (Bỉ), nói với PV.

(Theo Zing News)

Bài mới
Đọc nhiều