EVFTA và cải cách thể chế
Ngày mai (1/8), Hiệp định EVFTA có hiệu lực, nhưng “tuyến cao tốc đặc biệt” nối Việt Nam với EU chưa thể thông ngay, nếu những kế hoạch cải cách chưa theo kịp.
Thời điểm này không mấy thuận để các doanh nghiệp Việt Nam hưởng lợi ngay không gian thị trường rộng lớn, giá trị cao mà các doanh nghiệp, nền kinh tế đặt kỳ vọng. Covid-19 đã và đang làm đứt gãy chuỗi cung – cầu, nhu cầu của thị trường EU bất định.
Dịch bệnh rất có thể làm nhiều doanh nghiệp Việt mất đi khả năng chủ động tận dụng cơ hội tham gia “tuyến cao tốc đặc biệt” này, vì bài toán tồn tại đang được thay cho các kế hoạch phát triển. Đó là chưa kể các vụ kiện phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ khi mà căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn khiến nhiều thị trường có xu hướng gia tăng bảo hộ…
Nhưng đây không phải là lần đầu tiên các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết có hiệu lực vào thời điểm bất ổn của kinh tế toàn cầu.
Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995, thì năm 1996, những dấu hiệu đầu tiên của khủng hoảng tài chính châu Á đã nổi lên ở Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia… trước khi bùng phát vào một năm sau đó.
Năm 2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cũng là năm đầu tiên của cuộc khủng khoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 làm rung chuyển cả hệ thống tài chính, được xác định là tồi tệ nhất kể từ cuộc đại khủng hoảng năm 1930.
Lần này, WTO dự báo, tình trạng suy thoái và mất việc làm do Covid-19 có thể còn nghiêm trọng hơn cuộc suy thoái mà khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 gây ra. Là một nền kinh tế mở, Việt Nam chắc chắn không đứng ngoài các hệ lụy. Thậm chí, những kết quả chưa như kỳ vọng trong tận dụng cơ hội thị trường từ các FTA cũng có một phần lý do này.
Nhưng, khi đánh giá các bước hội nhập của nền kinh tế Việt Nam, thành tựu lớn nhất luôn được nhắc tới, đó là năng lực canh tranh, môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện mạnh mẽ nhờ cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng toàn cầu được cải thiện liên tục.
Thậm chí, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, chính các hiệp định thương mại tự do, nhất là CPTPP và EVFTA đã tạo sức ép để Việt Nam tăng tốc thực hiện các kế hoạch cải cách thể chế, nỗ lực tạo dựng môi trường đầu tư – kinh doanh đạt chuẩn mực của thông lệ quốc tế tốt nhất.
Thực tế, nếu soi các cam kết trong các hiệp định này với các nghị quyết của Đảng, Nhà nước về các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp, môi trường, phát triển bền vững…, thì không thấy có nhiều khoảng cách. Có nghĩa, đây là con đường mà nền kinh tế Việt Nam đã chọn đi trong giai đoạn phát triển tới. Nhưng nếu tự làm, có thể 5 năm, 10 năm, hoặc lâu hơn mới hoàn thành, còn có CPTPP và EVFTA, chúng ta có sức ép về thời gian, cách thức phải làm, tốc độ sẽ nhanh hơn. Doanh nghiệp, nền kinh tế sẽ được lợi rất lớn từ những thay đổi này.
Phải nhấn mạnh, Việt Nam là nước thứ hai trong khu vực ASEAN, nằm trong số ít các quốc gia trong khu vực châu Á có FTA với EU. Đặc biệt, phần lớn đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam ở thị trường EU, như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc… đều chưa có FTA với EU. Do đó, FTA này sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh đáng kể cho doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động thương mại của Việt Nam, những nỗ lực cải cách của Chính phủ, các bộ, ngành sẽ giúp doanh nghiệp tranh thủ những cơ hội quý báu mà các đối thủ cạnh tranh khác không có được.
Tuy nhiên, doanh nghiệp chờ đợi những cải cách này sẽ được thực hiện với tư duy không chỉ để tuân thủ cam kết, mà là vì sự thuận lợi của doanh nghiệp, vì nhu cầu tận dụng tối đa các cơ hội nền kinh tế Việt Nam đang cần…
Bảo Duy/ BĐT