+
Aa
-
like
comment

EVFTA – Sức mạnh mới thời phục hồi kinh tế

07/06/2020 15:11

Theo GS.TS. Andreas Stoffers – Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Friedrich Naumann for Freedom (FNF) nhận định, Việt Nam có thể tận dụng “sức mạnh mới” từ vị thế được khẳng định sau đại dịch Covid-19 cùng Hiệp định EVFTA để phục hồi kinh tế.

Vị thế của Việt Nam sẽ thay đổi thế nào sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực, thưa ông?

Hiệp định EVFTA là một minh chứng cho thấy, Việt Nam là một trong những đối tác hứa hẹn nhất dành cho “người chơi” EU trong thương mại quốc tế. Việt Nam hiện đang đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng thông qua tất cả các FTA thế hệ mới như EVFTA và CPTPP.

Năm nay, Việt Nam sẽ để lại một dấu ấn đáng chú ý về mọi mặt, từ việc xử lý nhanh chóng, ấn tượng dịch bệnh Covid-19 đến việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, cũng như bắt đầu Hiệp định EVFTA lịch sử. Hơn thế, trong năm Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, EVFTA sẽ góp phần củng cố thêm vị thế của quốc gia Đông Nam Á này trên trường quốc tế.

GS.TS. Andreas Stoffers – Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Friedrich Naumann for Freedom.

Ông đánh giá thế nào về lợi ích của EVFTA với kinh tế Việt Nam?

Hiệp định EVFTA sẽ mang đến doanh thu cao hơn trong xuất khẩu của Việt Nam sang EU cho một số mặt hàng như điện thoại, linh kiện điện tử – những mặt hàng chiếm hơn một phần ba tổng doanh thu xuất khẩu của Việt Nam (12,36 tỷ USD); máy tính, sản phẩm điện tử (5,06 tỷ USD) cũng như dệt may, giày dép…

Thứ nhất, để thỏa mãn khách hàng EU, Việt Nam cần chú trọng phát triển khoa học – công nghệ để phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Sự gia tăng khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực này mang đến lợi ích to lớn cho Việt Nam khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ hai, hàng hóa Việt Nam phải được nâng lên một cấp độ mới, tiêu chuẩn hóa, thân thiện với môi trường, tránh thuốc trừ sâu và chất bảo quản. Điều này không chỉ cải thiện về chất lượng sản phẩm mà còn giúp hàng hóa “made in Vietnam” tránh chủ nghĩa bảo hộ từ các quốc gia khác, không chỉ ở EU.

Trong đợt dịch Covid-19, doanh nghiệp Đức tại Việt Nam đa số đều bị sụt giảm doanh thu. Theo Báo cáo của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK), có tới 82% doanh nghiệp điều chỉnh mục tiêu doanh thu vì Covid-19; 9% doanh nghiệp gặp phải vấn đề nghiêm trọng và dự kiến sẽ giảm doanh thu nhiều hơn 50%; 63% doanh nghiệp tổn thất từ 10% đến 50%.

Nhưng đa số các doanh nghiệp này đều rất lạc quan. Có tới hai phần ba doanh nghiệp (69%) mong đợi tình hình kinh doanh năm 2021 sẽ tốt hơn. Điều này chủ yếu là do cách Việt Nam xử lý khủng hoảng dịch bệnh và chính sách thị trường mở, nơi Hiệp định EVFTA đóng vai trò quan trọng.

Còn thách thức là gì, thưa ông?

Loại bỏ các rào cản công nghệ là điều không dễ dàng cho cả Việt Nam và EU. Việt Nam cần thời gian để bắt kịp với các tiêu chuẩn của EU và EU cũng cần phải cẩn thận trong việc nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam. Để tiến trình giảm thuế và có kế hoạch, Việt Nam cần thực hiện nghiêm túc về pháp chế và các quy định trong Hiệp định này.

Một thách thức khác là Việt Nam cần phải cải thiện khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp trong nước trước khi thuế quan được gỡ bỏ.

Kỳ vọng của ông về vấn đề gỡ bỏ thẻ vàng ngành thủy sản trong thời gian tới?

Nhìn về mặt tích cực, mục đích của thẻ vàng từ phía EU về cơ bản là rất tốt và là một phần thiết yếu. Theo quan điểm của cá nhân tôi, thẻ vàng ngăn chặn việc Việt Nam đánh bắt số lượng lớn các sản phẩm thủy sản, ngăn cản việc thu hoạch thủy sản quá mức và mang lại lợi ích tốt cho Việt Nam về lâu dài.

Điều quan trọng là thủy sản chỉ là một phần trong gói lợi ích to lớn của Hiệp định EVFTA. Việt Nam sẽ được hưởng lợi ở nhiều mặt khi Hiệp định này chính thức có hiệu lực.

Đáng chú ý, lợi ích từ Hiệp định này có thể xuất hiện trong các mặt hàng truyền thống của Việt Nam như gạo, chè, cà phê… bởi thuế quan trong các lĩnh vực này là vẫn còn cao và tồn tại các rào cản kỹ thuật. EVFTA có thể giúp các ngành này hưởng lợi khi xuất khẩu sang thị trường EU.

Trong giai đoạn này, cộng đồng doanh nghiệp hai bên cần chuẩn bị gì để khai thác tốt các Hiệp định này?

Trong giai đoạn này, thứ nhất, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần làm quen với luật và nhu cầu của đối tác trong Hiệp định EVFTA, thường xuyên cập nhật kế hoạch loại bỏ thuế quan trong lộ trình giảm thuế.

Thứ hai, cần cải thiện tiêu chuẩn sản phẩm theo tiêu chuẩn của thị trường EU, đây cũng là yếu tố cần thiết góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.

Thứ ba, cải thiện song hành cả tiêu chuẩn môi trường làm việc và điều kiện làm việc để mang lại lợi ích tối đa cho lao động Việt Nam.

Thứ tư, doanh nghiệp cần đăng ký quyền sở hữu và chỉ dẫn địa lý để bảo vệ thương hiệu trên toàn cầu.

Thứ năm, doanh nghiệp phải đảm bảo vị trí của mình trên thị trường bằng cách xây dựng thương hiệu, trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, chất lượng sản phẩm…

Thứ sáu, nên sẵn sàng hợp tác với các sản phẩm công nghệ từ EU để tạo cơ hội cải thiện chất lượng sản phẩm.

Dự báo của ông về triển vọng thương mại và đầu tư từ EU vào Việt Nam?

Đại dịch Covid-19 đã tạo ra một cuộc khủng hoảng thực sự và giống như một người thay đổi cuộc chơi trên toàn thế giới. Trong bối cảnh này, hợp tác kinh tế quốc tế dựa trên thương mại tự do sẽ được nhiều quốc gia chú trọng hơn. Do đó, EVFTA là bước đi quan trọng đối với cả Việt Nam và EU trong lộ trình phục hồi kinh tế hậu Covid-19.

Có thể coi EVFTA là “ánh sáng ở cuối đường hầm” trong đại dịch Covid-19. Chính vì thế, triển vọng thương mại và đầu tư giữa EU vào Việt Nam là tích cực, đặc biệt trong dài hạn.

Tuy nhiên, chúng ta nên kiên nhẫn. Ví dụ, việc loại bỏ thuế được tiến hành dần dần trong bảy năm. Trong năm đầu tiên Việt Nam cần xác định rằng, không có nhiều thay đổi về thuế quan. Bên cạnh đó, EU đang có nguy cơ suy thoái kinh tế với mức cao nợ công, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến nhập khẩu trong năm nay.

Ở thời điểm hiện tại, lợi thế lớn nhất đối với Việt Nam là Chính phủ đã xử lý cuộc khủng hoảng Covid-19 một cách nhanh chóng, thận trọng, vị thế từ đó càng được khẳng định mạnh mẽ trên trường quốc tế.

Bởi vậy, Việt Nam có thể tận dụng “sức mạnh mới” thông qua tăng cường tính độc lập từ nhập khẩu nguyên liệu, tận dụng cơ hội để thu hút vốn FDI khi các quốc gia đang có xu hướng dịch chuyển khỏi Trung Quốc.

EVFTA được xem như một ngọn hải đăng của thương mại tự do và chủ nghĩa tự do trong “vùng biển bão tố” của chủ nghĩa bảo hộ mới. Hiệp định này cũng chứng minh sự thay đổi trong chuỗi giá trị toàn cầu đối với Việt Nam. Việt Nam giống như một “ngôi sao đang lên”, toàn cầu hóa bằng EVFTA, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Linh Chi/ TGVN

Bài mới
Đọc nhiều