+
Aa
-
like
comment

EVFTA sắp có hiệu lực, ngành nào hưởng lợi nhiều nhất?

17/04/2020 22:22

Dệt may; da giày là những ngành hưởng lợi nhiều nhất, trong khi dược phẩm; dịch vụ, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm sẽ gặp phải cạnh tranh gay gắt khi EVFTA có hiệu lực.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã tiến hành nghiên cứu đánh giá tác động của Hiệp định EVFTA đối với Việt Nam.

Tốc độ tăng xuất khẩu của ngành da giày vào EU dự báo sẽ gấp đôi vào 2025 (Ảnh: Internet)
Tốc độ tăng xuất khẩu của ngành da giày vào EU dự báo sẽ gấp đôi vào 2025 (Ảnh: Internet)

Có thể bạn quan tâm

Phân tích về tác động ngành, Bộ KH&ĐT cho biết với ngành thủy sản: Hiệp định EVFTA sẽ đem lại tiềm năng thị trường lớn cho xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều khó khăn cả ngắn và dài hạn (chủ động được nguồn nguyên liệu, con giống, chống đánh bắt cá bất hợp pháp, giải quyết vấn đề hóa chất kháng sinh trong sản phẩm thủy sản) và hàng rào phi thuế quan khá cao từ EU là những thách thức rất lớn. Dự kiến xuất khẩu mặt hàng này vào EU sẽ tăng với tốc độ trung bình 2%/năm trong giai đoạn 2020-2030, trong khi nhập khẩu từ EU có thể tăng cao hơn (trong khoảng 2,8-5%).

Ngành dệt may: Dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025 so với kịch bản không có Hiệp định. Về sản lượng, nhìn chung Hiệp định EVFTA có tác động tích cực tới sản lượng với tốc độ tăng 6% (với ngành dệt) và 14% (với ngành may) vào năm 2030.

Ngành da giầy: Hiệp định khi có hiệu lực sẽ góp phần làm gia tăng đáng kể xuất khẩu giày da vào EU. Tốc độ tăng xuất khẩu vào EU dự báo sẽ gấp đôi vào năm 2025, và tổng xuất khẩu giày da cũng sẽ tăng khoảng 34%, sản lượng của toàn ngành tăng ở mức 31,8%.

Ngành điện tử, máy vi tính: Theo biểu thuế hiện hành của EU thì thuế nhập khẩu đối với mặt hàng máy tính điện tử (máy vi tính), sản phẩm điện tử (hàng tiêu dùng cuối cùng) hầu hết có thuế suất bằng 0%, hoặc thuế suất dưới 10% nên khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ tác động không đáng kể tới xuất khẩu từ Việt Nam. Tuy vậy, Hiệp định EVFTA cũng là động lực để thu hút FDI từ EU và các nước khác vào Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp phụ trợ trong nước chưa phát triển và chiến lược thu hút FDI của Việt Nam tập trung vào phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao.

Ngành máy móc, phụ tùng: Việt Nam là nước nhập khẩu lớn đối với mặt hàng máy móc thiết bị, trong khi EU có thế mạnh về mặt hàng máy móc thiết bị và là thị trường nhập khẩu lớn thứ tư của Việt Nam đối với mặt hàng này. Do vậy, việc Việt Nam dỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với mặt hàng máy móc thiết bị từ EU sẽ thúc đẩy tăng nhập khẩu, và có thể giảm ở các thị trường khác do tác động chuyển hướng thương mại. Do máy móc thiết bị của EU có công nghệ cao hơn một số thị trường truyền thống khác nên điều này có thể tạo cơ hội để Việt Nam cải thiện công nghệ sản xuất trong nước.

Ngành dược phẩm: Cam kết của Hiệp định EVFTA về thuế quan đối với dược phẩm có thể không tạo ra thay đổi gì lớn trong tương lai gần đối với việc xuất, nhập khẩu dược phẩm giữa Việt Nam và EU. Tuy nhiên, các cam kết liên quan tới dược phẩm ở các khía cạnh khác sẽ có tác động đáng kể tới thị trường và doanh nghiệp dược Việt Nam khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, theo hướng: Dược phẩm từ EU sẽ vào Việt Nam thuận lợi, dễ dàng và trực tiếp hơn; Mức độ bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với dược phẩm sẽ được tăng cường, khiến một số loại dược phẩm có thể chậm được giảm giá hơn; Cạnh tranh gay gắt hơn trong các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện Việt Nam (trong nhóm đã cam kết mở cửa cho nhà thầu EU). Tác động này rõ rệt hơn với các loại biệt dược, thuốc chuyên dụng (nhóm thuốc có bảo hộ độc quyền, Việt Nam chưa sản xuất được). Đối với các sản phẩm thuốc thông thường, thuốc generic mà Việt Nam đã sản xuất được, các tác động không quá lớn.

Ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm: Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội cho việc thúc đẩy tự do hóa ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm của Việt Nam. Tác động của mở cửa dịch vụ với nhóm ngành này là tích cực trên các góc độ cầu về dịch vụ, cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp từ EU. Đến năm 2025, xuất khẩu dịch vụ tài chính, bảo hiểm của Việt Nam sẽ tăng khoảng 21%, nhập khẩu sẽ tăng 9,65%. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh là rất lớn, đồng thời áp lực ổn định vĩ mô cũng lớn hơn do mở cửa dịch vụ này làm cho Việt Nam dễ nhạy cảm hơn với các cú sốc từ bên ngoài.

Ngành logistics: Hiệp định EVFTA có thể ảnh hưởng đến triển vọng phát triển ngành logistics ở 2 góc độ: Cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam và EU trong lĩnh vực vận tải và phục vụ vận tải; Cam kết trong các lĩnh vực ảnh hưởng đến dung lượng thị trường dịch vụ logistics trên các góc độ quy mô, chất lượng dịch vụ, nhu cầu mở rộng công suất, thực hiện dịch vụ.

Điều này cho thấy để tận dụng được tối đa những cơ hội cũng như giảm thiểu những thách thức gặp phải trong quá trình thực thi Hiệp định, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tìm hiểu rõ về các quy định, cam kết của EVFTA.

Mới đây, để phục vụ cho phiên họp lần thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến khai mạc vào ngày 20/4/2020, Bộ Công Thương cho biết đã chủ động và tích cực phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Chủ tịch nước hoàn thiện Tờ trình của Chủ tịch nước trình Quốc hội cũng như chuẩn bị các nội dung có liên quan để đưa vào bộ hồ sơ chính thức trình Quốc hội về việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA.

Hiện, Bộ Công Thương cũng đã hoàn thiện về cơ bản Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA của Bộ cho giai đoạn 2020 và 2021-2025 trên cơ sở cụ thể hóa các hoạt động thuộc phạm vi phụ trách trong dự thảo Kế hoạch thực thi của Chính phủ. Dự kiến ngay sau khi Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện của Chính phủ (khi Hiệp định EVFTA được Quốc hội phê chuẩn và chính thức có hiệu lực) thì Bộ cũng sẽ ban hành Kế hoạch thực hiện của Bộ.

Lê Thúy/Thời báo Kinh doanh

Bài mới
Đọc nhiều