+
Aa
-
like
comment

‘EVFTA là cơ hội, nhưng doanh nghiệp Việt Nam phải chạy đua giành lấy’

08/06/2020 14:35

Đại sứ EU tại Việt Nam nói hiệp định EVFTA sẽ có lợi nhiều mặt cho Việt Nam, nhưng thách thức nằm ở việc thực thi hiệp định và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Từ ngày đầu tiên Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực (dự kiến từ 1/8), 71% hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ không còn thuế, và sau 7 năm, gần như toàn bộ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ không còn thuế, Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti nói trong buổi họp báo sáng 8/6.

Trước đó, trong cùng buổi sáng, Quốc hội Việt Nam đã bỏ phiếu thông qua EVFTA cùng Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA).

Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti trong buổi họp báo sáng 8/6. Ảnh: Trọng Thuấn.

Tiềm năng thương mại Việt Nam – EU “còn rất lớn”

Ông nói người tiêu dùng Việt Nam có thể mua nhiều hàng tiêu chuẩn cao của châu Âu với giá rẻ hơn. Nhà sản xuất có thể tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường châu Âu vốn có sức mua lớn.

Ngân sách Việt Nam có thể hưởng lợi từ tăng trưởng GDP cao hơn và thu thuế cao hơn. Ngoài ra, hiệp định cũng sẽ có lợi cho người lao động, khi đóng góp vào tiêu chuẩn lao động, và cho môi trường, cũng theo đại sứ.

Ông dẫn một nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới về tác động của EVFTA, theo tính đến năm 2030, EVFTA sẽ tăng GDP của Việt Nam khoảng 2,4, tăng xuất khẩu khoảng 12%, trong khi đưa thêm 100.000-800.000 người ra khỏi đói nghèo.

“Lợi ích sẽ biến động khá lớn… có thể nhiều hơn (dự đoán) khá nhiều, tùy vào cách mà hiệp định được thực thi, tùy vào chính phủ Việt Nam cải cách như thế nào”, đại sứ EU tỏ ra lạc quan.

Lượng hàng Việt Nam xuất sang EU đã tăng 13-15% mỗi năm trong thập kỷ qua, có năm mức tăng trưởng lên tới 25%, theo một tài liệu của phái đoàn EU tại Việt Nam về các hiệp định. Nhưng Đại sứ Aliberti cho biết trong giai đoạn 2001-2018, “tỷ lệ thương mại hai bên tính trên tổng thương mại toàn cầu lại giảm đi, vì vậy tiềm năng vẫn còn rất lớn”.

Đại sứ Aliberti chỉ ra rằng ngành nông nghiệp hai bên sẽ hưởng lợi từ các điều khoản về chỉ dẫn địa lý, tức sản phẩm từ một số vùng sẽ được công nhận. “Điều đó sẽ cho phép một số sản phẩm chất lượng cao từ EU đến Việt Nam, và một số sản phẩm từ Việt Nam được bán dễ dàng hơn trong EU”, ông bình luận.

Nhà sản xuất Việt Nam có thể tiếp cận dễ hơn với thị trường châu Âu vốn có sức mua lớn. Ảnh minh họa

Tận dụng EVFTA cần môi trường kinh doanh thuận lợi

Tuy nhiên, để tận dụng được các hiệp định, thách thức cho Việt Nam là chính phủ phải tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cải thiện các quy định, áp dụng công nghệ số để tinh giản các thủ tục, trong khi doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải nâng cao chất lượng sản phẩm.

“Các doanh nghiệp phải đạt tiêu chuẩn cao của EU mới có thể vào được thị trường. Hiệp định EVFTA như một công cụ, một cơ hội, nhưng không phải cơ hội cho tất cả, mà là cơ hội họ phải giành lấy”, ông nói. “Họ sẽ phải đầu tư nhiều vào chất lượng, nắm chắc các thông tin và quy định của thị trường, không phải ai cũng có thể vào được”.

Các rào cản phi thuế cũng là một thách thức cần chú ý, vì chúng “có thể khó khăn ngang với các rào cản thuế quan”, theo đại sứ. Ông nói trong hiệp định đã có những điều khoản hướng tới gỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan, và thách thức nằm sẽ ở việc thực thi cụ thể.

“Kỳ vọng ở đây là sẽ không có thêm rào cản phi thuế nhằm thay thế cho việc giảm thuế”, ông nói. “Nếu nhìn vào các hiệp định trước đây, đã không có hiện tượng đó… đây không phải vấn đề lớn, nhưng vẫn cần hai bên chú ý, không để điều đó xảy ra”.

Trong khi đó, để tận dụng EVFTA và thu hút đầu tư, Việt Nam cần có chính sách nhiều mặt, vì “đầu tư sẽ không tới nếu chỉ giảm thuế”.

“Đầu tư chất lượng cao sẽ tới nếu có môi trường kinh doanh tốt, thủ tục minh bạch, nhất quán, dễ dự đoán, và các cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả”, đại sứ EU nói thêm.

Trong xu thế các tập đoàn có thể chuyển sản xuất để không phụ thuộc chỉ một nước, Việt Nam đang có lợi thế khi là một trong hai nước ASEAN có hiệp định thương mại với EU. Hơn nữa, nước còn lại là Singapore không sản xuất các mặt hàng như Việt Nam, mà là một nền kinh tế dịch vụ.

Lễ ký Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) chiều 30/6 tại Hà Nội. Ảnh: Việt Linh.

EVIPA sẽ không tác động quá lớn

Hiệp định EVIPA sau khi được Quốc hội Việt Nam thông qua vẫn cần được phê chuẩn ở quốc hội của các nước thành viên EU thì mới có hiệu lực.

“Tôi nghĩ việc phê chuẩn ở cả 27 nước sẽ khó hoàn thành nhanh”, đại sứ trả lời câu hỏi của Zing về thời gian dự kiến cho EVIPA. “Nhưng (EVIPA) sẽ không có tác động quá lớn. Hiệp định EVFTA là quan trọng nhất và đã có các điều khoản về đầu tư”.

Trước câu hỏi về khả năng hiệp định EVIPA sau này có thể dẫn đến các vụ kiện giữa nhà đầu tư và chính phủ, đại sứ EU bình luận rằng giải quyết tranh chấp là yếu tố quan trọng trong mọi thỏa thuận thương mại. Việt Nam vốn cũng có các thỏa thuận song phương với các thành viên EU về điều này, nhưng EVIPA là hiệp định rộng hơn và bao trùm các thỏa thuận trước đây.

“Đầu tư từ nước ngoài chỉ đến nếu có hệ thống giải quyết tranh chấp rõ ràng, và đây là phần bình thường của thương mại quốc tế. Khi có các hệ thống luật pháp khác nhau, sẽ có trường hợp nhà đầu tư và chính phủ bất đồng”.

Về phần mình, Đại sứ Giorgio Aliberti cho biết ông cảm thấy vui và hài lòng khi hiệp định được thông qua, đồng thời nhắc đến 10 năm nỗ lực của những người tiền nhiệm.

“Tôi đã làm việc ở nhiều bộ phận, và có thể mất nhiều năm để các nỗ lực thành công. Nhiều khi tôi không thấy được thành quả của mình”, ông nói. “Lần này, tôi may mắn vì đang ở Việt Nam đúng thời điểm, nhưng đây là nỗ lực chung, và tôi là một phần của nỗ lực đó”.

Trọng Thuấn/ZN

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều