EVFTA: Cơ hội vàng cho nông nghiệp Việt Nam
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Đây là cơ hội lớn để các mặt hàng chiến lược của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu (EU). Trong đó, nông sản, mặt hàng chủ lực và thế mạnh của đất nước sẽ có lợi hơn cả, khi được hưởng nhiều thuế suất ưu đãi ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Sơn La những năm gần đây nổi lên là một địa phương sản xuất chuyên canh nhiều trái cây chất lượng cao xuất khẩu sang những thị trường khó tính. Xoài, chanh leo, nhãn xuất khẩu đi Mỹ, Úc; thanh long gần đây có mặt tại thị trường Nga mở ra con đường làm ăn ổn định và hiệu quả cho những nông dân nơi núi cao này.
Vì sao một vùng đất khó khăn, địa hình không thuận lợi như Sơn La lại có thể trở thành một nơi chuyên canh nông sản chất lượng cao. Có nhiều nguyên nhân, nhưng có thể dễ dàng nhận ra đó là chính quyền và người dân ở đây đã chuyển đổi từ tư duy đến phương thức sản xuất, hướng tới sản xuất theo chất lượng an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường.
Bài học từ Sơn La tuy mới là kết quả bước đầu, nhưng đã khẳng định một điều là nếu biết tính toán khôn khéo, linh hoạt và bài bản thì mỗi địa phương hoàn toàn có thể biến những bất lợi thành lợi thế. Một vùng núi xa xôi, địa hình phức tạp nhưng lại tạo ra những trái cây ngon, sạch có giá trị cao và tất nhiên sẽ được thị trường đón nhận.
Thị trường Châu Âu đặt ra nhiều yêu cầu khắt khe, không những là tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, mà cao hơn là những tiêu chuẩn về vững bền, về môi trường như tiêu chuẩn về bảo vệ rừng, nguồn nước, đảm bảo độ phì của đất đai, thậm chí cả trách nhiệm với người nghèo, với phụ nữ và trẻ em.
Khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng nông sản như gạo, rau quả, thủy sản được hưởng thuế xuất bằng 0. Đây là cơ hội vàng cho nông sản Việt Nam để vươn xa. Nhưng cũng chính là cú hích để ngành nông nghiệp tái cơ cấu mạnh mẽ hơn nữa để nhận diện lại mình mà thay đổi, đáp ứng được những yêu cầu khắt khe từ thị trường khó tính nhất trên thế giới này.
Nông nghiệp nước ta còn rất nhiều dư địa và tiềm năng để phát triển. Một vùng đất đồi núi và khó khăn như Sơn La vẫn có thể trở thành mảnh đất trù phú của trái cây, huống chi là bát ngát châu thổ Cửu Long phù sa màu mỡ, hay bạt ngàn Tây Nguyên với đất đỏ bazan mà thế giới hiếm nơi nào có được. Rồi với gần 10 nghìn xã, mỗi xã một sản phẩm đặc trưng riêng có, đậm chất văn hóa, nếu biết tiếp thị và nâng cao chất lượng thì hoàn toàn có thể chinh phục những khách hàng Châu Âu.
Đã đến lúc phải biến những khó khăn thách thức thành cơ hội, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay khi các ngành du lịch, dịch vụ, giao thông bị đình trệ, thì nông nghiệp vẫn được coi là điểm sáng của nền kinh tế. Đã đến lúc cần coi nông nghiệp là thế mạnh của đất nước để rót nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này một cách xứng đáng. Hiện nay tổng mức đầu tư cho nông nghiệp mới chỉ chiếm 5%, một con số quá ít ỏi so với công nghiệp và dịch vụ. Trong khi đó, hàng năm, xuất khẩu nông sản luôn đem về con số vững bền hơn 40 tỷ USD.
Tương lai của thế giới là hướng đến cuộc sống xanh, tới nền nông nghiệp sạch, tới những vùng nông thôn sinh thái. Công nghiệp, dịch vụ có thể phát triển được ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng để có được những lợi thế về khí hậu, đất đai, văn hóa cho phát triển nông nghiệp như nước ta thì không phải nước nào cũng có được. Vì thế hội nhập sâu, tham gia vào những hiệp định thương mại tự do sẽ nhân thêm những cơ hội lớn, nếu chúng ta biết phát huy đúng lợi thế, tiềm năng của mình.
Hải Anh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả