EU ủng hộ giải quyết vấn đề Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế
Ngày 28/8, cơ quan ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) ra tuyên bố về những diễn biến gần đây trên biển Đông. Cùng ngày, Mỹ điều tàu chiến áp sát 2 đảo nhân tạo trên biển Đông mà Trung Quốc đang chiếm đóng để khẳng định tự do hàng hải.
Theo tuyên bố của EU, các hành động đơn phương trong những tuần qua tại biển Đông khiến gia tăng căng thẳng, suy thoái môi trường an ninh hàng hải, thể hiện mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế hòa bình của khu vực.
EU tuyên bố, điều tối quan trọng đối với tất cả các bên trong khu vực là phải tự kiềm chế, tiến hành các bước cụ thể hướng tới việc trở lại nguyên trạng, tránh quân sự hóa khu vực và giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Các bên, nếu thấy hữu ích, cũng có thể tìm kiếm sự trợ giúp của bên thứ ba dưới hình thức hòa giải hoặc phân xử nhằm tạo thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp chủ quyền.
Tuyên bố khẳng định, EU tiếp tục hỗ trợ đầy đủ cho các tiến trình do ASEAN dẫn dắt trong khu vực nhằm thúc đẩy hơn nữa một trật tự khu vực và quốc tế dựa trên các quy tắc, củng cố hợp tác đa phương cũng như sự hợp tác chặt chẽ hơn với các bên thứ ba. “Chúng tôi kỳ vọng vào một sự hoàn tất nhanh chóng, minh bạch của các cuộc đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử có hiệu lực, thực chất và ràng buộc về mặt pháp lý”, EU tuyên bố.
EU cũng cam kết đối với một trật tự pháp lý về biển và đại dương dựa trên luật pháp quốc tế, an ninh và hợp tác hàng hải, cũng như quyền tự do hàng hải và hàng không, vì lợi ích của tất cả các quốc gia.
Ngày 28/8, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer đi vào khu vực 12 hải lý quanh đá Chữ Thập và Vành Khăn, 2 đảo nhân tạo lớn nhất mà Trung Quốc chiếm đóng và quân sự hóa trái phép. Đây là lần đầu tiên một tàu chiến Mỹ thách thức 2 tiền đồn quân sự của Trung Quốc trên biển Đông cùng trong một chiến dịch tự do hàng hải.
Dù Trung Quốc liên tục có những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế và hành động chèn ép các nước trên biển Đông, hôm qua, đại tá Li Huamin, phát ngôn viên Chiến khu Nam bộ của quân đội Trung Quốc, lên tiếng cáo buộc Mỹ “hành động kiểu bá quyền, bất chấp các quy tắc và luật pháp quốc tế” và thúc giục Washington dừng “những hành động khiêu khích” để tránh “sự cố ngoài dự đoán”.
Ông Li nói Hải quân và Không quân Trung Quốc đã bám theo, nhận dạng, theo dõi, cảnh báo và xua đuổi tàu khu trục của Mỹ. “Lực lượng của chúng tôi sẽ làm mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, và bảo vệ vững chắc hòa bình và ổn định trên biển Đông”, ông Li nói.
Trước đó, bà Reann Mommsen, phát ngôn viên Hạm đội 7 của Mỹ khẳng định, lực lượng của họ hoạt động hợp pháp ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, bao gồm biển Đông. “Mọi hoạt động được thiết kế phù hợp với luật pháp quốc tế và thể hiện rằng Mỹ sẽ bay, đi tàu và hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”, bà Mommsen nói.
Không chấp nhận bá quyền
Gặp các phóng viên Việt Nam gần đây tại Hà Nội, ông Elbridge Colby, người đồng sáng lập và giám đốc của The Marathon Initiative (một sáng kiến mới tập trung vào việc thúc đẩy tư duy và chính sách về cạnh tranh đại cường cho Mỹ cùng các đồng minh và đối tác) nói rằng: Một điều rõ ràng với Mỹ là Trung Quốc đang tìm kiếm bá quyền, muốn chi phối khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Mỹ không thể chấp nhận điều này, vì muốn giao thương với các nước trong khu vực mà không phải nhìn trước ngó sau, không phải xin phép ai.
Lợi ích của Mỹ là một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do, các nước có quyền tự do đưa ra lựa chọn của mình về thương mại, về quan hệ chính trị, an ninh. Nhiều nước trong khu vực cùng chia sẻ lợi ích đó với Mỹ.
Ông cho rằng, vấn đề chính mà các nước cùng đối mặt là Trung Quốc thực hiện chiến lược chia rẽ, cô lập và gây sức ép để buộc các nước phải chấp nhận điều kiện, luật chơi của mình. Còn Mỹ có quan hệ ở mức độ khác nhau với các quốc gia khác nhau, nên phải thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để phù hợp với hoàn cảnh chính trị.
Trước câu hỏi Trung Quốc sử dụng các đảo nhân tạo trên biển Đông làm cơ sở để kiểm soát khu vực này, ông Colby nói rằng, Mỹ không chấp nhận điều đó, và Trung Quốc đã vi phạm cam kết của họ với chính quyền Barack Obama.
Chuyên gia Colby khẳng định, Mỹ không tìm kiếm Chiến tranh Lạnh mới, không có ý đồ tạo ra NATO mới ở châu Á, nhưng Trung Quốc ngày càng quyết liệt hơn, và Mỹ cần phải ngăn chặn. Ông cho rằng, Washington hiện nay tập trung vào Trung Quốc hơn bất kỳ chính quyền nào trước đây. Có thể thấy điều đó qua tuyên bố của Bộ Ngoại giao, hành động của Tổng thống Donald Trump, của Ngoại trưởng Mike Pompeo, các phiên điều trần trước quốc hội của các quan chức, chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương…
Ông Colby cho rằng, chính sách “tái cân bằng” dưới thời Tổng thống Barack Obama là ý tưởng tốt, nhưng chưa thay đổi được nhiều. Còn ông Trump đã tạo ra nhiều thay đổi, đặc biệt trong Bộ Quốc phòng Mỹ.
“Điều quan trọng không phải Mỹ có bao nhiều tàu ở đây mà là sự sẵn sàng kết nối với các đối tác”, ông Colby nói.
(Theo Bình Giang/Tiền Phong)