+
Aa
-
like
comment

Ép nhau đến say xỉn và sự ngộ nhận về ‘bản lĩnh’ đàn ông

26/01/2020 16:16

Người xưa rất coi trọng mức độ, uống như thế nào là đủ, chứ không phải cứ uống là phải say mềm. Ép bia, ép rượu chỉ nảy sinh ở xã hội hiện đại.

Trời đã tối hẳn, Bình (29 tuổi) phi xe từ cơ quan đến thẳng một nhà hàng để ăn tất niên với hội đồng hương Bắc Ninh ở TP.HCM. Khi Bình vừa tới nơi, nhân viên nhà hàng nhanh nhẹn dắt xe, nở nụ cười tươi với “thượng đế”.

Bình nhanh chân lên tầng 3, nơi có hai dãy bàn dài đã được đặt trước, một bên cho “cánh mày râu”, bên kia là phụ nữ và trẻ nhỏ. Vừa dứt lời chào hỏi, Bình đã được một người anh vỗ vai nhắn nhủ: “Cả năm anh em mới gặp nhau, không say không về nhé”.

Nhớ lời vợ dặn hồi sáng: “Tối nay anh không được uống đâu đấy, mới có quy định mới, cẩn thận không mất tiền triệu”, Bình toan từ chối. Nhưng vừa mới cất lời đã bị người anh đồng hương nửa đùa nửa thật: “Nếu vậy, chú sang mâm kia”. Nhìn hướng tay chỉ về bàn cho phụ nữ, Bình ngồi xuống, gác lại lời vợ dặn. 1…2…3… “zô” chén rượu đầu tiên.

Việt Nam, Ấn Độ và Nhật Bản là ba quốc gia có lượng rượu bia tiêu thụ tăng nhanh nhất trong giai đoạn 2010-2017.

‘Bi kịch khi cứ nghĩ uống rượu là thể hiện nam tính’

Không nhiều người Việt hiện nay nói câu “Nam vô tửu như kỳ vô phong”, nghĩa là đàn ông mà không uống rượu như cờ không có gió. Nhưng tư tưởng này vẫn ăn sâu, bám rễ, thậm chí vẫn trở thành một “thước đo” nam tính trong suy nghĩ của không ít người.

“Không bia rượu gọi gì là đàn ông”. Nhiều người tin rằng chất đàn ông nằm ở mùi men bia rượu. Những cuộc nhậu nếu thiếu những gương mặt đỏ bừng, ngà ngà, rồi đến say xỉn, “chân nam đá chân xiêu”, nôn thốc nôn tháo thì không còn đúng nghĩa cuộc vui.

Những quán nhậu mọc lên như nấm sau mưa, ở mọi ngóc ngách, mọi ngả đường, từ thành thị đến nông thôn. Và những “thượng đế” cũng có thể nhậu nhẹt vì mọi lý do: từ ma chay, hiếu hỉ đến thăng quan tiến chức, sinh nhật, nâng ly vì có con trai, vì sinh con gái, vì mừng dự án thành công đến không thành công, vì cuối tuần, vì đầu tháng. Đến cả những lý do như “ngẫu hứng”, “thích thì uống thôi” cũng đều được cho là “chính đáng” cả.

Một vạn lý do vì sao phải nhậu đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nước “nhậu khủng” nhất thế giới.

Nghiên cứu được công bố trên The Lancet năm 2019 cho biết Việt Nam, Ấn Độ và Nhật Bản là ba quốc gia có lượng rượu bia tiêu thụ tăng nhanh nhất trong giai đoạn 2010-2017.

So với năm 2010, vào năm 2017, mức tiêu thụ rượu bia của Việt Nam đã tăng tới gần 90%. Mức tăng này của Việt Nam đứng đầu thế giới, gấp đôi quốc gia xếp thứ 2 – Ấn Độ, và gấp Mỹ 16 lần.

Trong một báo cáo công bố năm 2018, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đánh giá mức tiêu thụ rượu bia của người Việt ở bậc cao so với các quốc gia khác trong khu vực. Ước tính, trung bình mỗi người Việt trên 15 tuổi tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất trong một năm, nhiều hơn người Trung Quốc và gấp 4 lần người Singapore.

Và trong bối cảnh đó, theo nhiều chuyên gia, quan niệm uống rượu thể hiện sự nam tính đã lạc hậu từ lâu. “Cứ giữ suy nghĩ như vậy thì đúng là bi kịch”, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nói với PV.

Ep nhau den say xin va su ngo nhan ve 'ban linh' dan ong hinh anh 2 8.jpg
Nghi lễ cắt tiết “kim kê” và uống rượu để thề là một nét rất riêng của lễ hội Minh Thề.  

Đàn ông đích thực uống rượu phải trầm tính

Từ góc nhìn văn hóa, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng rượu là một phần của văn hóa ẩm thực. “Người xưa uống rượu không chỉ là uống rượu mà ẩn sau đó còn có cốt cách, tâm hồn, thể hiện những quan hệ xã hội như vua tôi, cha con, vợ chồng, anh em và đặc biệt là bạn bè, tri kỷ: Rượu ngon phải có bạn hiền. Không mua không phải không tiền không mua”, vị chuyên gia văn hoá nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo tiến sĩ Thái, rượu có ý nghĩa đặc biệt trong sinh hoạt cộng đồng, tâm linh, lễ hội, trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa của người Việt.

Trong những ngày giỗ chạp, lễ tết của người Việt, mâm cao cỗ đầy có thể thiếu nhưng không bao giờ được thiếu đèn dầu và chén rượu. Trong văn hóa dân gian, sau khi đốt vàng mã, người Việt thường đổ chén rượu đã cúng xung quanh vàng mã với hàm ý “của ai người ấy nhận”, tránh đốt tiền vàng cho người này, người khác lại nhận.

Lễ hội Minh Thề lấy con gà trống, cắt tiết bỏ vào hũ rượu, quan chức địa phương lấy rượu đó mà uống. Những dẫn chứng cho thấy rượu là ngọn nguồn gắn kết của nhiều truyền thống, giá trị văn hóa, lịch sử Việt.

“Văn hóa rượu trong văn hóa ẩm thực của người Việt là không thể phủ nhận. Song, trong nội hàm văn hóa uống rượu còn có mức độ của việc uống rượu. Người xưa rất coi trọng mức độ, uống như thế nào là đủ, chứ không phải cứ uống là phải say mềm”, bà Minh Thái nhận định.

Cách đây vài năm, người viết từng có dịp đến thăm một cơ sở nấu rượu ở một ngôi làng cổ Kinh Bắc, xứ nức tiếng với rượu làng Vân được xếp vào hàng “mỹ tửu trời Nam”. Trong ngôi nhà tương đối đơn sơ của gia chủ, đập vào mặt khách là dòng chữ Hán: “Ẩm tửu dung hòa đích quân tử”. Nôm na là người quân tử uống rượu phải trầm tính, không vội vàng, hấp tấp.

Trước câu hỏi: “Tại sao một nơi bán rượu lại đề cao văn hóa thưởng rượu hơn là năng suất bán rượu?”, gia chủ nói: “Tửu (rượu) là tinh hoa, không bao giờ có lỗi, chỉ có nhân tửu (người uống rượu) nếu không biết kiểm soát mình mới có lỗi”.

Ở Bắc Ninh từng có một cụ bà thọ đến trăm tuổi. Khi được hỏi về bí quyết tuổi thọ, cụ cười vì chẳng biết mình có bí quyết gì. Nhưng con cháu cụ tiết lộ, ngày nào cụ cũng uống hai chén rượu trắng. Hai chén một ngày, không hơn không kém.

Người Việt xưa không phủ nhận những tác dụng của rượu trong đời sống. Nhưng giới hạn thường chỉ dừng ở mức dưới 3 chén.

“Trong văn hóa của người Việt Nam, số 3 rất quan trọng. Người xưa nói cơm 3 bát, áo 3 manh, và ai giỏi lắm thì uống 3 chén rượu. Ép bia, ép rượu chỉ nảy sinh ở xã hội hiện đại”, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Hữu Sơn, phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, bày tỏ quan điểm.

 

Trong mâm cúng của người Việt bao giờ cũng có chén rượu.

Sự nam tính không thể hiện trên bàn nhậu

“Văn hóa mời rượu được sử dụng để thể hiện sự tôn trọng, yêu quý giữa người với người. Còn ép nhau uống là thói quen phản văn hóa. Nếu nói ở khía cạnh đạo đức, nó là một tập tục lạc hậu, lạm dụng rượu bia cần lên án”, PGS – TS Lê Quý Đức, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, nhận định.

Đồng tình với quan điểm này, bà Minh Thái nhấn mạnh: “Người ta ép nhau đến say xỉn, bất chấp nguy hiểm, đó là một thực tế. Thực tế có phần dã man trong ứng xử. Và đã đến lúc thực tế này cần được điều chỉnh”.

Những biểu trưng, ý nghĩa của văn hóa uống rượu ngày nay đã có nhiều thay đổi, từ nông thôn lên thành phố. Sự thư thả, chậm rãi, bình tĩnh đã được thay thế bằng những hình thái mới, vội vã, ồn ào và xô bồ.

Không khó đã bất gặp những âm thanh “1…2…3… zô” vang trời, ầm ĩ từ nhà riêng đến quán nhậu. Quan niệm chỉ uống 3 chén và mời nhau 3 chén đã bỏ lại từ lâu. Trên những bàn nhậu hiện nay, người ta có thể mời nhau đến hàng chục chén, thậm chí hơn với đủ mọi lý do, mọi hình phạt.

Mời riêng nhau vì đồng hương, vì có vợ đồng hương, vì có con bằng tuổi… Phạt nhau vì đến muộn, về sớm, xưng hô sai, thậm chí là… không like trên Facebook. Mà phải là “vào 3, ra 7” chứ không chỉ một chén đơn thuần. Ép nhau, chuốc nhau say đã trở thành một thực tế.

Tất yếu, sau những cuộc nhậu như thế, niềm vui cũng có nhưng hệ quả cũng nhiều. Không ít án mạng, đâm chém, cãi vã đã xảy ra trên bàn nhậu. Và cũng vô vàn những vụ va chạm, tai nạn giao thông cũng từ men rượu mà ra.

“Uống rượu bia và ép nhau đến say xỉn có phải là cách thức thể hiện sự nam tính và hết mình hay không?”, PV đặt câu hỏi cho Hoàng Anh Duy (21 tuổi) – sinh viên trường đại học Công nghệ TP.HCM.

Duy cho biết anh thường xuyên uống rượu với bạn bè nhưng không cho rằng sự nam tính thể hiện ở mùi men bia rượu. “Sự nam tính thể hiện ở cách ứng xử với gia đình, bạn bè, người yêu, xã hội, chắc chắn không phải trên bàn nhậu”, anh nói.

Với câu hỏi tương tự, Sỹ Hiền (24 tuổi) đang là đầu bếp ở TP.HCM cho biết anh không có thói quen uống rượu nhưng chưa bao giờ bị chê là không nam tính. “Nếu ai vẫn còn giữ quan điểm đàn ông phải say sưa rượu bia thì quá sai lầm. Người đàn ông bản lĩnh và nam tính phải là người biết từ chối một chén rượu mà mình không thích uống”.

Khi thấy đã ngà ngà say, Bình (nhân vật đầu bài) cương quyết về. Người anh đồng hương kéo tay Bình lại, yêu cầu phải uống 7 chén vì quy tắc “vào 3, ra 7” mới được về. Bình nhất quyết từ chối.

Anh gửi xe tại nhà hàng và bắt xe ôm ra về, trong đầu bỗng nhớ đến câu ca dao mà bà nội vẫn đọc ngày xưa mỗi khi bố anh say rượu: “Anh say chi say hủy say hoài/ Đã say quá chén còn nài uống thêm/ Say sưa đôi mắt lim dim/ Đường đi trơn trượt còn tìm thấy ai”.

Quang Đức/ ZFN

Bài mới
Đọc nhiều