+
Aa
-
like
comment

“Ép người khác uống rượu bia” được hiểu như thế nào ?

04/01/2020 07:11

Theo các chuyên gia pháp lý, luật quy định cấm nhưng lại chưa có giải thích, mô tả cụ thể như thế nào được xem là hành vi “xúi giục, kích động, lôi kéo”.

Liên quan đến Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia 2019 vừa có hiệu lực, nhiều người băn khoăn trước quy định cấm “xúi giục, lôi kéo, ép buộc” người khác uống rượu, bia.

Trên mạng xã hội cũng xuất hiện một tờ giấy với tiêu đề “Đơn tự nguyện ăn nhậu”, xuất phát từ lo lắng việc rủ rê nhậu nhẹt có thể sẽ bị khép vào hành vi lôi kéo, xúi giục.

Vậy quy định này nên được hiểu thế nào?

Thế nào là ép, xúi giục?

Trao đổi với PV, luật sư Trần Thu Nam (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng hiện luật chỉ mới quy định các hành vi bị cấm nhưng không rõ chế tài đi kèm ra sao.

Luật sư Nam lấy dẫn chứng một người bạn đang buồn, mình rủ đi uống rượu rồi đặt câu hỏi hành vi này có bị xem là xúi giục hay không?

Theo luật sư, cần quy định cụ thể các hành vi bị cấm đi kèm hậu quả, ví dụ xúi giục, ép buộc người khác đi nhậu dẫn tới tai nạn giao thông thì người xúi giục phải bị truy cứu trách nhiệm. Còn người bị xúi giục nếu có đầy đủ năng lực trách nhiệm hành vi dân sự thì phải tự chịu trách nhiệm.

Xui giuc uong ruou, bia la pham luat duoc hieu the nao? hinh anh 1 beer.jpg
Theo quy định mới, việc xúi giục, ép buộc người khác uống rượu bia bị xem là hành vi vi phạm pháp luật. Ảnh: NBCNews.

Về hành vi cưỡng ép, lôi kéo… chuyên gia pháp lý cũng lập luận tương tự. Hiện, luật chưa có hướng dẫn nên dễ dẫn đến việc hiểu sai.

Cùng bày tỏ quan điểm về vấn đề này, luật sư Huỳnh Văn Nông (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng luật dùng từ chưa rõ ràng làm cho nhiều người ngộ nhận việc rủ người khác uống rượu có thể bị xử lý.

Các từ “xúi giục, kích động, lôi kéo” hiểu trong khuôn khổ khoa học pháp lý thường mang ý nghĩa tiêu cực là hành vi bằng lời nói, cử chỉ, vật chất hoặc bằng bất cứ thủ đoạn nào nhằm làm cho người khác thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Nếu hiểu từ “xúi giục, kích động, lôi kéo” theo nghĩa thông thường là hành vi bằng lời nói, cử chỉ, vật chất hoặc bằng bất cứ thủ đoạn nào nhằm làm cho người khác thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định, thì “xúi giục, kích động, lôi kéo” đồng nghĩa với từ “rủ, mời”.

“Ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung thì việc mời rượu là nét văn hóa đã tồn tại từ lâu và chưa bao giờ lạc hậu. Một đạo luật tiến bộ thì không bao giờ chống lại nét đẹp văn hóa nhân loại”, luật sư Nông nói.

Luật sư Cồ Lê Huy (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng tán thành quan điểm này. Sử dụng bia rượu nhiều là xấu, nhưng sử dụng có mức độ thì có tác dụng tốt ở mặt nào đó.

Do vậy, luật sư cho rằng cần quy định cụ thể như nghiêm cấm việc xúi giục người khác uống bia, rượu quá nhiều rồi gây ra hậu quả nghiêm trọng (bệnh, tai nạn giao thông, ngộ độc…) thì sẽ dễ hình dung hơn.

Cần hướng dẫn chi tiết

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng luật đang quy định như vậy nhưng lại chưa có giải thích, mô tả cụ thể như thế nào được xem là hành vi “xúi giục, kích động, lôi kéo”.

Theo văn hoá “nhậu” của người Việt thì việc “mời mọc, rủ rê” là rất bình thường và ai cũng hiểu, nếu đồng ý là do mình tự nguyện. Song, đối chiếu theo quy định trên thì ranh giới giữa “mời mọc, rủ rê” và “xúi giục, kích động, lôi kéo” là khá mong manh, rất dễ dẫn đến sự tuỳ tiện trong việc áp dụng pháp luật.

“Vì lẽ đó, các nhà lập pháp cần sớm cho văn bản dưới luật hướng dẫn về vấn đề này, và khi chưa có hướng dẫn thì quy định trên chưa thể áp dụng một cách khách quan”, luật sư Hưng bày tỏ.

“Một văn bản luật muốn đi vào cuộc sống thì câu chữ phải cụ thể, dễ hiểu, ngữ nghĩa rõ ràng. Tôi nghĩ câu chữ như trong luật là chưa rõ ràng, chung chung sẽ dẫn đến việc phát hiện, xử lý hành vi khó khăn”, luật sư Huy nêu ý kiến.

Luật sư Nông nói thêm nhằm tránh việc tùy tiện áp dụng luật, nhà làm luật nên giải thích cho rõ thế nào là hành vi “xúi giục, kích động, lôi kéo” người khác uống rượu, bia. Việc rủ, mời nhau uống rượu, bia chắc chắn là hành vi mà pháp luật không thể cấm.

Hoài Thanh/ZNS

Bài mới
Đọc nhiều