Ép người dân không nhận tiền hỗ trợ Covid-19: Hành động nhẫn tâm!
“Đây là chính sách nhân đạo, nhân văn của Chính phủ và Nhà nước, tại sao lại ép dân không nhận? Để lấy thành tích à?…’, cựu đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến nói về chuyện có cán bộ cơ sở vận động, ép người dân ký đơn không nhận hỗ trợ.
Trước thực trạng rất đông người dân ở Thanh Hóa gửi đơn xin tự nguyện không nhận hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng của Chính phủ, nhiều người nghi ngờ cán bộ cơ sở đã vận động, ép dân ký đơn.
Tỉnh Thanh Hóa sau đó có công điện hỏa tốc yêu cầu Sở, ban, ngành và lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố thực hiện chi trả hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định. Tỉnh cũng chỉ đạo xử lý nghiêm nếu cán bộ cơ sở vận động người dân từ chối nhận hỗ trợ.
Liên quan đến vụ việc, sáng 15/5, lãnh đạo xã Hải Ninh (huyện Tĩnh Gia) đã cùng trưởng thôn Lê Công Ngân đến một số gia đình ở thôn Hạnh Phúc để xin lỗi về sự việc liên quan đến chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19.
Tại các hộ gia đình, trưởng thôn thừa nhận đã thông báo trên loa truyền thanh của thôn trước đó và đến từng hộ trên địa bàn (chủ yếu là hộ cận nghèo) vận động ký đơn không nhận hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.
Trao đổi với PV, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ĐBQH khoá XII, XIII Lê Như Tiến cho biết, ông nhận được thông tin của một số địa phương, trong đó có Thanh Hoá, đã vận động người dân không nhận hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng của Chính phủ dành cho những trường hợp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
“Đây là việc làm không đúng. Chủ trương của chúng ta là những hộ nào khó khăn trong đại dịch Covid-19 thì được hưởng hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ”, ông Lê Như Tiến khẳng định.
Nêu căn nguyên của vấn đề, theo ông Tiến, là do trước đó những hộ này không thuộc diện khó khăn.
“Có nghĩa rằng là trước đó chính quyền địa phương đã bắt người dân ấy dù có khó khăn cũng không phải hộ nghèo. Người ta nghèo nhưng không cho người ta vào hộ nghèo, mà đã không phải hộ nghèo, không phải hộ khó khăn thì không thể được hưởng chính sách sau dịch Covid-19 này. Vì thế, họ lại vận động người dân không nhận”, cựu đại biểu Quốc hội lý giải.
“Trong khi trên thực tế, họ xứng đáng được hưởng chính sách đó. Tại sao lại không cho họ nhận? Chính quyền địa phương vì dân hay vì thành tích cán bộ? Do “địa phương chúng tôi rất ít hộ nghèo thì ảnh hưởng của Covid-19 cũng rất ít”. Đấy là việc làm hết sức thiếu nhân văn, chúng ta cần lên án”, ông Lê Như Tiến bày tỏ.
Ông Tiến khẳng định “điều này không thể chấp nhận”. Vì thế, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá – Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội kiến nghị: “Cần phải làm rõ hành vi, trách nhiệm của chính quyền cấp xã, phường; đặc biệt là tổ dân phố, cụm dân cư – họ là những người sát dân, gần dân nhất nhưng ép dân như thế là không thể chấp nhận được”.
“Đây là chính sách nhân đạo, nhân văn của Chính phủ và Nhà nước, tại sao lại ép dân không nhận? Để lấy thành tích à? Tôi cho rằng cần phải làm nghiêm. Nếu như ở chỗ nào, nơi nào có hiện tượng ấy phải đưa ra ánh sáng. Chính quyền cấp trên, thanh tra, kiểm tra phải vào cuộc để làm rõ và xử lý kịp thời.
Vì quyền lợi của người dân luôn là tối thượng, chứ không phải vì thành tích của lãnh đạo để mà ép dân. Đây là hành động rất nhẫn tâm. Cần làm rõ, nếu xác định chính xác cán bộ nào ép dân thì không còn xứng đáng làm cán bộ của phường, xã, khu dân cư và tổ dân phố”, ông Lê Như Tiến bày tỏ bức xúc.
PV/IFN