Ễnh ương…Cổng chào bạc tỉ, những con chữ đắt nhất hành tinh và bục phát biểu không hoa
Ai ở quê cũng biết con ễnh ương. Vào đầu mùa mưa, nhất là những cơn mưa đầu mùa trút xuống vào buổi chiều làm cho ao hồ, mương, rãnh ngập nước. Tối đến khắp vườn, quanh nhà, vang lên một âm điệu buồn thúi ruột của dàn đồng ca ễnh ương. Con ễnh ương cỡ nào mà tiếng kêu vang dội như thế? thưa, ễnh ương nhỏ lắm, nhỏ hơn con cóc, lớn hơn con nhái bầu, chỉ có cái bụng phình to và đây chính là cơ quan của ễnh ương ém hơi để phát ra tiếng kêu đặc biệt mà chỉ có loài ễnh ương bụng to mới được trời ban. Người ta ví ễnh ương là loài “thùng rỗng kêu to”, rồi cũng ví von tiếng kêu có một không hai của nó với một căn bệnh trầm kha, ngôn ngữ bây giờ gọi là bệnh hoành tráng.
Hoành tráng đã trở thành một chứng bệnh phô trương kiểu con ễnh ương. Dẫn chứng rõ nhất là nhiều tỉnh, thành đã mắc phải hội chứng này và lay lan như một chứng bệnh thời thượng khi đua nhau xây tượng đài và cổng chào. Tượng đài tỉnh A phải hoành tráng hơn tỉnh B, tất nhiên nếu tỉnh A, tỉnh B xây tượng đài chục tỉ thì tỉnh C phải xây tượng đài lớn hơn, giá trị hơn, phải trăm tỉ… Cứ thế thành phong trào thi đua ngốn ngân sách, ngồn tiền thuế của dân không thương tiếc.
Cổng chào thì từ tỉnh xuống huyện, rồi cả xã cũng thi đua xây cổng chào. Cổng chào cấp xã thì không quên gắn thêm bảng hiệu “Xã văn hóa mới”, “Xã nông thôn mới”. Cứ thế trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng. Đi đâu cũng thấy cổng chào. Một cái cổng chào nói lên điều gì? Chỉ cho biết là sắp vào tới trung tâm tỉnh, thành, huyện, xã… X,Y,Z và đính thêm câu “Kính chào quý khách” mà nếu không có câu này khách cũng biết mình sắp vào tỉnh A,B,C… Thế là ngốn tiền tỉ tỉ trong khi tỉnh, thành, huyện xã đó hầu hết đều nhờ vào nông nghiệp, dân thuần nông và rất nhiều hộ nghèo lẫn cận nghèo, đặc biệt có nhiều hộ nghèo bền vững mà hàng năm nhà nước trung ương phải cứu đói.
Nếu so sánh với nhiều nước trên thế giới, điển hình như nước Mỹ, có rất nhiều tiểu bang, một tiểu bang của họ rộng lớn gấp 2, 3 tỉnh thành của Việt Nam gộp lại. Nhưng cổng chào của họ nhỏ tí, chỉ là một tấm bảng ghi dòng chữ sơ sài, đơn giản, báo cho khách vãng lai biết hướng vào địa phận của tiểu bang. Nếu lấy tiền xây một cái cổng chào của một tỉnh, thành phố của Việt Nam, có thể làm được bảng báo đường vào địa phận của tất cả các tiểu bang của nước Mỹ, có khi còn thừa ra khối tiền.
Hết tượng đài, cổng chào nay lại có tỉnh như Hòa Bình chi hẳn 11 tỷ đồng lắp khẩu hiệu trên đồi cao, vị chi trung bình mỗi từ tốn gần một tỷ đồng. Đau lòng thay, tiền xây dựng như ông Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch tỉnh chẳng chút ngại miệng lên tiếng: “Gói thầu có tổng giá trị gói thầu là 10,39 tỷ đồng, được lấy từ nguồn chi sự nghiệp kinh tế”. Thế hỏi làm sao kinh tế của tỉnh cứ mãi èo ọt!
Bệnh thành tích, bệnh phô trương, bệnh “hoành tráng” của một bộ phận không ít các tỉnh thành cứ nhìn vào tượng đài, cổng chào từ tỉnh đến huyện, đến xã đã cho thấy một nền văn hóa vô cùng lệch lạc, sự kém văn minh mà đặc biệt là sự lãng phí, tự tiêu hao nội lực để phát triển đã gần như căn bệnh trầm kha nguy hiểm. Chúng ta đi vay nợ thay vì để phát triển đất nước, lại tiêu xài hoang phí vào những tượng đài, những cổng chào, những công trình hoang phế… cũng bởi cái bệnh hoành tráng. Thật đau lòng. Bảo sao đất nước không nghèo? Không nghèo mới lạ!
Đến đây, người viết bất giác nghĩ đến hình ảnh bục phát biểu không hoa ở Hội nghị Trung ương 11 khóa XII khai mạc hôm 07/10/2019. Những lẵng hoa được mua từ tiền ngân sách đã không còn xuất hiện ít nhất trong Hội nghị này ít nhiều cũng chuyển tải đi thông điệp cần có cuộc nó. Tiết kiệm thì từ lâu rồi đã trở thành một phong trào, thậm chí có cả những báo cáo rất hay. Nhưng “những việc cần làm ngay” hay những việc cụ thể thì có vẻ như cũng chỉ vang vọng trong một dịp nào đó hơn là trở thành một nếp hành xử từ đời sống đến công quyền. Bỏ đi những lẵng hoa ở bục phát biểu, chắc chắn điều đó sẽ có tác dụng thúc đẩy bớt đi bệnh hình thức mà bao nhiêu lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đã và đang kêu gọi dẹp bỏ!
Tiếc thay, những điều này còn quá ít quá hiếm hoi so với bệnh hoành tráng đã di căn vào não trạng bao người làm chính sách. Có lẽ, giờ đây không thể chỉ có thể nói suông về sự thấu hiểu và trách nhiệm của những người đã quyết việc tiêu tiền thuế của dân được nữa rồi, mà phải dùng thiết quân lệnh.
Nguồn FB Tư Nguyên