+
Aa
-
like
comment

East Asia Forum: Triển vọng phát triển vô hạn dành cho kinh tế Việt Nam 2022

Bảo Trâm - 18/02/2022 11:02

Trang East Asia Forum vừa qua đã có bài viết do Giáo sư kinh tế David Dapice, thuộc trường đại học Harvard, với nhận định triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm 2022 là vô cùng lớn. Đặc biệt là nội dung dự báo, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng GDP thực tế khoảng 6-7%.

Theo đó, khi nhiều doanh nghiệp mở cửa trở lại, sản xuất của Việt Nam sẽ có bước nhảy vọt với tăng trưởng GDP ở mức 6-7%.

Ông David Dapice cho biết, 2021 là một năm đầy thách thức khi việc đóng cửa khiến tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm còn 2,58%. Và việc tăng nguồn cung cấp vaccine ngừa Covid-19 chính là động lực tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất quay trở lại bình thường trong vài tháng cuối năm 2021.

Tuy nhiên, bất chấp việc đóng cửa các nhà máy bởi giãn cách xã hội, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt thành tích vô cùng ngoạn mục: tăng 19% vào năm 2021 lên mức là 336 tỷ USD. Ngay cả mức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không giảm nhiều, mặc cho những thách thức đến từ biến thể Delta.

Bài viết cho rằng sản lượng năm nay sẽ còn tăng vọt hơn nữa khi các nhà máy và dịch vụ trở lại hoạt động bình thường. Điều đó được minh chứng thông qua hầu hết các dự báo của các tổ chức kinh tế uy tín lớn trên thế giới, cho rằng Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng GDP thực tế khoảng 6-7% trong năm 2022.

Ngoài ra, ông David Dapice cũng dự đoán ngành du lịch Việt Nam sẽ bắt đầu phục hồi, dần dần quay về vị thế như năm 2019, sau khi các hạn chế đi lại được gỡ bỏ. Xuất khẩu sẽ tăng khoảng 15% và cán cân thương mại sẽ vẫn ở mức dương. Lạm phát sẽ vẫn ở mức thấp và tiền VND sẽ tiếp tục tăng giá nhẹ so với USD.

Đây rõ ràng là những tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế Việt Nam sau hơn 2 năm chịu khủng hoảng.

Tuy nhiên, bài viết cũng chỉ ra rằng Việt Nam cần chú trọng về chất lượng của nguồn vốn FDI và nỗ lực hơn trong việc nâng cấp giáo dục và đào tạo. Tình trạng thiếu lao động có thể là một vấn đề đáng quan ngại hơn. Áp lực toàn cầu nhằm giảm thiểu rủi ro và tăng khả năng phục hồi trong chuỗi cung ứng cũng là một thách thức nữa.

Giáo sư kinh tế David Dapice, thuộc trường đại học Harvard

Bên cạnh đó, hiệu ứng phụ của tăng trưởng xuất khẩu nhanh chóng của Việt Nam là sự tụt hậu về giá trị gia tăng trong nước về xuất khẩu.

Hơn nữa, phần lớn công việc chỉ là lắp ráp đơn giản thay vì phát triển một mạng lưới dày đặc của các lĩnh vực công nghiệp sẽ khiến việc thu hút FDI trở nên “khó khăn hơn”, khi lương tăng và nguồn cung lao động được thắt chặt.

Theo ông David, đại dịch Covid-19 đã làm chậm lại tiến triển trong lĩnh vực này vì ngày càng ít doanh nghiệp mới mở, trong khi nhiều doanh nghiệp tạm thời đóng cửa. Nhiều công ty vẫn đang hoạt động kinh doanh yếu kém hơn và sẽ cần thời gian tích lũy nguồn lực để cải tiến máy móc, đào tạo và tiếp thị.

Bảo Trâm (Theo East Asia Forum)

Bài mới
Đọc nhiều