+
Aa
-
like
comment

East Asia Forum: Nền kinh tế Việt Nam xuất sắc vượt qua cơn bão Covid-19 – may mắn hay do thực lực?

Bảo Trâm - 07/10/2020 10:00

Ngày 6/10, trang East Asia Forum đã có bài viết với tiêu đề: “Vietnam’s economy weathers the COVID-19 storm – good policy or luck?” (Nền kinh tế Việt Nam xuất sắc vượt qua cơn bão Covid-19 – may mắn hay do thực lực?”, với nội dung phân tích những nỗ lực vừa chống dịch vừa vực dậy nền kinh tế một cách thần kỳ.

Đầu bài viết, ông Suiwah Leung, Phó Giáo sư Kinh tế Danh dự tại Trường Chính sách Công Crawford, Đại học Quốc gia Úc, đã miêu tả nền kinh tế và con người Việt Nam với 2 từ “kiên cường” mà không nơi nào trên thế giới có thể sánh bằng. Điều này thể hiện rõ hơn bao giờ hết qua cơn đại dịch Covid-19 vừa xảy ra.

Trong khi hầu hết các nơi trên thế giới đều ghi nhận mức tăng trưởng âm thì Việt Nam lại bức phá, đẩy mức tăng trưởng GDP lên 1.8% chỉ trong nửa đầu năm 2020. Đây rõ ràng là một con số vô cùng ấn tượng, Phó Giáo sư Suiwah Leung nói đến trong bài viết.

Trang East Asia Forum dẫn theo báo cáo Chứng khoán tháng 7/2020 của Ngân hàng Thế giới, ghi nhận kết quả hoạt động kinh tế xuất sắc gần đây của Việt Nam đến từ: nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng nội địa – đã tăng liên tục trong hai quý đầu năm 2020.

Từ tháng 1 đến giữa tháng Tư, xuất khẩu của Việt Nam ghi nhận mức tăng 13% mỗi tháng trước khi các đối tác thương mại của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc.. bắt đầu ký kết hàng loạt các hợp đồng sản xuất.

Nhờ đó, Ngân hàng Thế giới đã đưa ra dự báo vô cùng khả quan về tốc độ tăng trưởng hàng năm của Việt Nam là 2,8–3% vào năm 2020 và mức tăng trưởng trở lại trước khủng hoảng là 6,8%-7% vào năm 2021. Đây là con số mà các quốc gia phát triển cũng mong mỏi thực hiện được.

Dự báo này phụ thuộc vào việc Chính phủ tích cực sử dụng chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ tăng trưởng trong ngắn hạn và nền kinh tế tiếp tục hưởng lợi từ chuyển hướng thương mại và đầu tư trong trung hạn thông qua việc tham gia các hiệp định thương mại tự do khu vực như EVFTA được ký kết vào tháng 6 vừa rồi.

Hơn nữa, theo Phó Giáo sư Suiwah Leung chỉ ra thì Việt Nam có những điểm chính trong việc hoạch định nền kinh tế lâu dài đã giúp Việt Nam có thể phục hồi nền kinh tế một cách thần kỳ.

Lễ ký kết Hiệp định EVFTA vào cuối tháng 6/2019

Thứ nhất, về vị thế đối ngoại của Việt Nam, tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ, đầu tư trực tiếp nước ngoài và dòng vốn kiều hối trong năm năm qua đã tạo ra một vùng đệm dự trữ quốc tế khá thoải mái. Việc tăng cường xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, cộng thêm các mặt hàng thiết yếu như khẩu trang cũng đã giúp con số xuất khẩu trong những tháng vừa qua tăng vượt trội.

Thứ hai, việc củng cố tài khóa trong ba năm qua tạo ra một số không gian để thúc đẩy tài khóa trong ngắn hạn mà không làm tăng đáng kể gánh nặng nợ công, vốn đã giảm xuống khoảng 55% GDP. Thật vậy, dự kiến nợ công tăng cao có thể tạo thêm áp lực thúc đẩy quá trình tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước (SOEs) khiến Việt Nam sẽ có lợi ích lâu dài đáng kể.

Hơn nữa, việc tái cơ cấu nền kinh tế trong suốt những năm vừa qua của Việt Nam, luôn chủ động hòa nhập với thời thế đã giúp Việt Nam có thể linh hoạt thay đổi hướng đi, tránh những rủi ro không đáng có như đại dịch, thiên tai… đã giúp Việt Nam làm chủ được tình hình có những bước đi phù hợp vực dậy nền kinh tế một cách vô cùng mạnh mẽ.

Kết bài, Phó Giáo sư Suiwah Leung cho rằng, mặc dù có thể có yếu tố may mắn trong việc chuyển hướng thương mại và đầu tư ngắn hạn cũng như thời điểm xử lý đại dịch, nhưng việc bộ máy nhà nước Việt Nam từ lâu đã có một chính sách kinh tế tốt đã đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tăng trưởng kinh tế dài hạn của Việt Nam trong thời gian sắp tới.

Bảo Trâm (Lược dịch theo East Asia Forum)

Bài mới
Đọc nhiều