+
Aa
-
like
comment

Duy trì sự quyết liệt, tuyệt nhiên không có ‘tư duy nhiệm kỳ’

13/01/2021 08:29

Cuối năm 2020, đầu năm 2021, những ngày cuối của nhiệm kỳ khóa XIV, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vẫn duy trì cường độ làm việc cao, vẫn quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tuyệt nhiên không có dấu hiệu của cái gọi là “tư duy nhiệm kỳ” mà dư luận từng nhắc tới ở đâu đó trong các nhiệm kỳ trước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng tại Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021. – Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Những ngày cuối cùng của năm 2020, sau trọn một năm kiên cường cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước chèo lái con thuyền đất nước vượt qua những sóng gió chưa từng có, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương nhằm triển khai nhiệm vụ năm 2021 theo Nghị quyết của Quốc hội.

Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ, đất nước ta sẽ tiếp tục đối diện với nhiều cơ hội mới đan xen thách thức mới. Và Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta cần tiếp tục hun đúc, gìn giữ ngọn lửa khát vọng, tinh thần lạc quan, bền bỉ cho 5 năm tiếp theo và xa hơn, với niềm tin và sự kiên định lý tưởng và con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.

Quyết tâm và khát vọng đó của Chính phủ được thể hiện qua những con số cụ thể. Nghị quyết của Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 khoảng 6%, lạm phát khoảng 4%, cùng 10 chỉ tiêu khác. Những chỉ tiêu này được xây dựng trên cơ sở đã tính toán, cân đối các nguồn lực gắn với bối cảnh dự báo cho năm 2021, nhất là tình hình COVID-19 trong nước và thế giới. Mặc dù để đạt được mục tiêu này là đối mặt với thách thức rất lớn, nhưng với quyết tâm chính trị cao, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu trong điều hành GDP 2021 thêm ít nhất 0,5 điểm phần trăm, lên mức 6,5% và đặt quyết tâm cao hơn cho các chỉ tiêu khác.

Một vị khách tham quan gian hàng tại Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021, diễn ra trong hai ngày 9-10/1 tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. – Ảnh: MPI

Ngay ngày đầu tiên của năm mới, 1/1/2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành 2 Nghị quyết mang tính “xương sống”, “kim chỉ nam” cho năm 2021: Nghị quyết 01/NQ-CP đề cập đến các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; Nghị quyết 02/NQ-CP tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.

Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương phải tập trung triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả 2 Nghị quyết này ngay từ những ngày đầu tiên của năm 2021, góp phần khơi dậy ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết, nỗ lực, cố gắng và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, phấn đấu thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, kế hoạch 05 năm và Chiến lược 10 năm theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

Thực tế, Chính phủ, Người đứng đầu Chính phủ đã không chỉ gương mẫu trong thực hiện phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển” ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm mới, mà còn duy trì tinh thần làm việc tận tụy ngay cả trong những ngày cuối cùng của năm cũ.

Nhìn danh sách hàng chục văn bản chỉ đạo, điều hành được ban hành ngày 31/12/2020, trong đó có khoảng 20 Quyết định và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, chúng ta có thể thấy phần nào được sự tận tụy đó.

Có thể kể đến một số văn bản như 2 quyết định hỗ trợ các địa phương miền Trung và Tây Nguyên khắc phục hậu quả do thiên tai năm 2020; quyết định ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021; quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai theo hình thức BOT; Chỉ thị về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021…

Bước sang năm mới 2021, ngoài các Nghị quyết 01, 02, văn bản chỉ đạo điều hành đầu tiên được Văn phòng Chính phủ phát đi ngày 1/1 là Thông báo số 01/TB-VPCP về ý kiến của Thủ tướng kết luận Hội nghị trực tuyến đánh giá việc thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và vấn đề việc làm, mức sống, điều kiện làm việc của công nhân lao động.

Tiếp đó, trong tuần làm việc đầu tiên, Văn phòng Chính phủ tiếp tục phát đi hàng chục văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng với các bộ, cơ quan về việc xử lý kiến nghị của các địa phương tại Hội nghị trực tuyến với Chính phủ cuối năm 2020.

Về công tác xây dựng thể chế, Nghị định đầu tiên của năm 2021 được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành ngày 4/1 – Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp hướng dẫn Luật Doanh nghiệp năm 2020. Cùng với Nghị quyết 01 và 02, việc Chính phủ dành Nghị định đầu tiên trong năm cho việc hoàn thiện thể chế, quy định liên quan tới hoạt động kinh doanh một lần nữa cho thấy quyết tâm  mạnh mẽ của Chính phủ trong thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khơi dậy và phát huy mọi nguồn lực cho phát triển đất nước.

Cũng trong những ngày đầu tiên của năm mới, hàng loạt dự án hạ tầng lớn được khởi công với sự động viên, khích lệ của Thủ tướng Chính phủ, như Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 – Dự án thành phần 3, công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình Mở rộng, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia…

Cùng với nhiều công trình hạ tầng giao thông lớn được khánh thành hoặc thông tuyến kỹ thuật trong những ngày gần đây như cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, hầm Hải Vân 2, tuyến Lộ Tẻ- Rạch Sỏi, dự án cải tạo, nâng cấp sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất…, đây là những công trình lớn có ý nghĩa lan tỏa, được lãnh đạo Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ, rốt ráo trong suốt thời gian qua.

Không khó để nhận thấy trong sự quan tâm rộng khắp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các vấn đề quốc kế dân sinh ngay từ đầu năm, một số trọng tâm chỉ đạo, điều hành vẫn được tiếp tục nhấn mạnh.

Đó là ưu tiên thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; thúc đẩy mạnh mẽ việc hoàn thiện hạ tầng, huy động các nguồn lực; xử lý các nút thắt phát triển; truyền cảm hứng và thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; lo cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng thiên tai, công nhân lao động…

Về mặt lãnh thổ, nhiều dự án lớn được khởi công hoặc hoàn thành tại ĐBSCL trong những ngày đầu năm, góp phần hiện thực hóa lời hứa của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với 20 triệu người dân vùng đất còn nhiều khó khăn này. Phía Bắc, tỉnh Hòa Bình ở Tây Bắc là địa phương đầu tiên trên cả nước được Thủ tướng tới làm việc trong năm mới với những gợi ý mới cho phát triển.

Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt, bắt đầu một giai đoạn phát triển mới của đất nước để hướng tới các mục tiêu năm 2030 và năm 2045. Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng phát biểu, nền kinh tế chúng ta, đất nước chúng ta đang tiến nhanh về phía trước với tốc độ mà một số đánh giá cách đây ít năm cho rằng khó có thể xảy ra. Dù nnhiệm kỳ này hay những nhiệm kỳ sau, chúng ta rất cần tận dụng từng giây phút, chắt chiu từng cơ hội để đất nước tiếp tục tiến nhanh hơn nữa về phía trước như tinh thần dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng sắp khai mạc.

Hà Chính/VGP

Bài mới
Đọc nhiều