+
Aa
-
like
comment

Duterte thách Mỹ điều Hạm đội 7 đến Biển Đông

09/07/2019 09:21

Tổng thống Philippines cho rằng Mỹ nên đi đầu trong việc ngăn chặn Trung Quốc ở Biển Đông, thay vì dồn trách nhiệm cho đồng minh.

“Tôi có một đề xuất. Nếu Mỹ thực sự muốn Trung Quốc rời đi, điều mà tôi không thể, tôi muốn toàn bộ Hạm đội 7 hải quân Mỹ hiện diện tại Biển Đông”, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố trong một sự kiện tối 8/7. “Khi họ tiến vào Biển Đông, tôi cũng sẽ vào và đi cùng những người Mỹ đầu tiên đến đó”.

Tổng thống Philippines tiếp tục chỉ trích những người thường xuyên phê phán về chính sách với Trung Quốc của ông, trong đó có Phó chánh án Tòa án Tối cao Antonio Carpio, cựu ngoại trưởng Albert del Rosario và cựu chánh thanh tra Conchita Carpio Morales.

Tàu sân bay USS John C. Stennis thuộc Hạm đội 7 của Mỹ. Ảnh: Navydads.
Tàu sân bay USS John C. Stennis thuộc Hạm đội 7 của Mỹ. Ảnh: Navydads.

“Tôi sẽ mời Carpio, del Rosario, Morales cùng đi. Sau đó tôi sẽ nói với người Mỹ: ‘Được rồi, hãy đánh bom mọi thứ nào'”, Duterte nói.

Tổng thống Duterter dường như muốn ám chỉ rằng nếu Mỹ muốn một cuộc đối đầu trên Biển Đông, Mỹ cần phải đi trước thay vì trút gánh nặng trách nhiệm lên các đồng minh và đối tác trong khu vực.

Trong bài phát biểu tại tỉnh Leyte ngày 5/7, Duterte cũng đề xuất Mỹ nên tuyên chiến và khai hỏa trước để ngăn chặn việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và đe dọa các nước láng giềng. Ông cảnh báo “chúng ta sẽ không bao giờ thắng nếu gây chiến với Trung Quốc” và cáo buộc Mỹ “luôn đẩy Philippines về phía trước làm mồi nhử”.

“Hãy nổ phát súng đầu tiên, chúng tôi sẽ làm việc tiếp theo. Chúng ta có hiệp ước phòng thủ chung và hãy tôn trọng nó. Các bạn muốn chuốc lấy rắc rối thì cứ làm đi”, Duterte nhấn mạnh.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thách Mỹ đem toàn lực đến "chiến" trên Biển Đông - Ảnh: REUTERs
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thách Mỹ đem toàn lực đến “chiến” trên Biển Đông – Ảnh: REUTERs

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông bằng “đường 9 đoạn” do nước này đơn phương vẽ ra, bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực và quy định của luật pháp quốc tế. Bắc Kinh cũng hứng chỉ trích mạnh mẽ của dư luận quốc tế khi tiến hành các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo trái phép và quân sự hóa vùng biển này.

Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Duterte thường xuyên thể hiện lập trường xa rời đồng minh Mỹ và xích lại gần Trung Quốc để đổi lấy các lợi ích kinh tế, đầu tư.

Mỹ và Philippines ký hiệp ước bảo vệ lẫn nhau trong trường hợp một nước bị tấn công, nhưng Duterte luôn tỏ ra hoài nghi về thỏa thuận này. Hồi tháng 3, ông cho rằng Mỹ sẽ khó can thiệp trong trường hợp Philippines bị tấn công, bởi mọi quyết định khai chiến của Washington đều phải được quốc hội nước này thông qua theo quy trình rất phức tạp.

(Theo VnExpress)

Bài mới
Đọc nhiều