+
Aa
-
like
comment

Đập Mã Pì Lèng Panorama là “xây” được cái ý thức toàn dân

Như Yên - 23/12/2020 18:06

Dạo gần đây, công trình Mã Pì Lèng Panorama (Hà Giang) quay trở lại hoạt động đã vấp phải nhiều phản đối của dư luận. Mặc dù xây dựng trái phép, không thân thiện với môi trường nhưng vẫn tồn tại đến hiện nay. Nhiều câu hỏi đặt ra về công tác quản lý và xử lý sai phạm của chính quyền Hà Giang liệu có thỏa đáng?

Có thể nói, ngay từ đầu chính quyền Hà Giang quyết định cải tạo Mã Pì Lèng Panorama đã sai hoàn toàn. Bởi chủ trương không cương quyết xử lý theo hướng phá bỏ triệt để công trình sai phạm “4 không” sẽ không mang lại hiệu quả. Bằng chứng là đến thời điểm hiện tại công trình này vẫn là một khối bê tông cắm vào núi rừng. Thiết kế và kích thước gần giống với hiện trạng ban đầu sau rất nhiều bức xúc và đấu tranh của dư luận xã hội. Hãy tưởng tượng lượng du khách ghé thăm, lưu trú sau 3 năm nơi đây sẽ không khác gì bãi rác. Còn gì gọi là cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa dân tộc? Việc đập bỏ đáng lẽ phải được quyết định ngay từ đầu, chính quyền Hà Giang đã sai khi cho phép Mã Pì Lèng Panorama cải tạo dù công trình đang vi phạm pháp luật. Ở đây, đập bỏ không phải để hả hê hay có ý trừng phạt chủ đầu tư mà đập để “xây dựng” lại ý thức của toàn thể người dân. Cần phải nghiêm minh để làm gương, nếu ai cũng tự ý xây dựng rồi “phù phép” thành cái đúng sẽ tạo tiền lệ xấu. Một người làm được sẽ có hàng chục hàng trăm người hùa theo, về sau cả hẻm núi toàn nhà xây dựng san sát nhau thì xử lý thế nào?

Một công trình xây dựng trái phép hơn một năm vẫn sừng sững ở yên đó, nay lại tiếp tục đi vào hoạt động thì đúng là xem thường pháp luật. Không cần biết, chủ đầu tư sẽ cải tạo theo đúng quy định hay không, cái chính là công trình này xây dựng trái phép thì phải đập bỏ. Đã sai phạm ngay từ đầu thì cần phải xử lý không thể tìm mọi cách luồn lách để biến cái sai thành đúng. Hơn nữa, đèo Mã Pì Lèng là danh thắng được xếp hạng của Việt Nam, cần được bảo vệ và phát huy giá trị theo đúng quy định của pháp luật và khuyến nghị của Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Công trình này được phản ánh ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, địa chất và tầm nhìn của khách du lịch. Vì vậy, khi nào công trình này được cấp giấy phép, thiết kế lại bản vẽ phù hợp với cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc mới được xây dựng lại. Ngoan cố giữ lại là vi phạm pháp luật và cổ súy cho nhiều người khác vi phạm pháp luật.

Việc một sai lầm mà mắc phải nhiều lần thì quả là cần phải xem xét lại. Chính quyền Hà Giang cần phải dứt khoát hơn nữa, ra quyết định đập bỏ Mã Pì Lèng Panorama để đảm bảo thượng tôn của pháp luật. Mặc dù, Ủy ban UNESCO, Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã đồng ý cải tạo nhưng phương án này liệu có mang lại hiệu quả? Hay đây chỉ là một hình thức “thay da đổi thịt” để tiếp tục hoạt động “chui”? Để cải tạo nơi này thành điểm dừng chân có qua đêm hay không cách nhau chỉ “câu chữ”. Ai sẽ thường trực giám sát việc đón khách để đảm bảo đơn vị chủ quản sẽ chỉ cho khách dừng chân ngắm cảnh mà không cho lưu trú? Khi mà cam kết sửa chữa theo đúng quy định còn không thực hiện theo thì việc kinh doanh lưu trú chỉ là một sớm một chiều.

Những quyết định sai lầm trước đó của chính quyền Hà Giang đã vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ của người dân cả nước. Một công trình xây dựng đúng quy hoạch có ý nghĩa cả về kinh tế lẫn văn hóa thì sợ gì thiếu nhà đầu tư? Cần phải thay đổi hoàn toàn, đừng vì tiếc công mà sửa chữa cái sai ngày càng sai hơn. Đặc biệt, chính quyền cần giám sát chặt chẽ hơn bản thiết kế các công trình tương tự để tránh tình trạng xây rồi không hợp lý phải đập bỏ. Tất nhiên, việc đập bỏ sẽ phải do chủ đầu tư hoàn toàn chịu trách nhiệm chứ đừng đem ngân sách của dân ra để sửa chữa cái sai của một vài cá nhân nữa.

Như Yên

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều