+
Aa
-
like
comment

Đường sắt tốc độ cao: Cần hiệu quả nhất chứ không cần nhanh nhất?

10/07/2019 20:22

Đường sắt tốc độ cao Việt Nam ở tốc độ nào hợp lý, hiệu quả nhất chứ không cần nhanh nhất.

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng, tổng vốn đầu tư dự án này chỉ khoảng 26 tỷ USD áp dụng cho đường sắt tốc độ 200 km/h; trong khi trước đó Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất phương án tàu tốc độ 350 km/h, với tổng vốn 58,7 tỷ USD.

duong sat toc do cao: can hieu qua nhat chu khong can nhanh nhat? hinh 1
Bộ KH&ĐT đề xuất vốn đầu tư đường sắt cao tốc Bắc Nam khoảng 26 tỷ USD. (Ảnh minh hoạ)

Không thể từ xe đạp nhảy lên tàu vũ trụ được?

Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, đường sắt tốc độ cao Việt Nam ở tốc độ nào hợp lý, hiệu quả nhất chứ không cần nhanh nhất, các nước hiện đại mà còn thấy tàu chạy hơn 350km/giờ không hiệu quả phải chuyển xuống loại tàu 200km/giờ thì huống chi Việt Nam, chưa vận hành tuyến đường sắt cao tốc nào mà đã bảo lạc hậu!

 

“Không thể từ anh đi xe đạp, nhảy lên đi tàu vũ trụ được. Nếu các nước châu Âu họ đi được thì người Việt Nam cũng đi được, nếu tốc độ cao, chúng ta có vận hành nổi hay không?”, bà Lan nêu ý kiến.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan dẫn chứng: Cần tìm hiểu Nhật Bản khi bắt đầu xây dựng đường sắt cao tốc, họ cử chuyên gia sang Đức, sau đó mua công nghệ, kỹ thuật của họ về. Đường sắt cao tốc của Nhật Bản mới ban đầu cải tạo hệ thống đường sắt cũ, tốc độ 200km/giờ nhưng chủ yếu chạy từ 80 km/giờ – dưới 150km/giờ để đảm bảo an toàn.

Sau này, các tuyến mới xây theo thiết kế nâng lên 350km/giờ nhưng cũng chỉ chạy dưới tiêu chuẩn thiết kế để đảm bảo an toàn, đường sắt cao tốc Shinkansen Linear được nước Nhật chạy thử nghiệm từ năm 1977 nhưng mãi đến hiện nay mới thương mại hóa, xây dựng đường riêng với tốc độ hơn 500km/giờ.

“Với thời đại cách mạng công nghệ thay đổi, với đặc trưng của đường sắt tốc độ cao là khổ đường tiêu chuẩn đồng nhất, hệ thống thông tin, điện khí hóa đồng nhất… Nếu sau 30 năm, thực hiện các đoạn khác giống như thời điểm cách đó vài chục năm, chúng ta sẽ lạc hậu và đi sau người khác mà không có cách nào sửa chữa được. Hoặc chúng ta sẽ phải buộc các đoạn làm mới sẽ phải làm lạc hậu như các đoạn đường cũ trước đó”, bà Lan phân tích.

Theo bà Phạm Chi Lan, nếu cải tạo tuyến đường sắt Bắc – Nam theo chi phí 26 tỷ USD của tư vấn Đức và Hà Lan, cần lên phương án chỉ thực hiện trong 10 năm là phải hoàn thành, không để chậm hơn được.

“Khi cải tạo xong đường sắt cũ bằng cách mở rộng khổ đường, nâng thời gian chạy tàu thấy hiệu quả, sau đó chúng ta hẵng làm đường sắt cao tốc Bắc Nam mới với công nghệ mới như cách người Nhật, Đức họ làm”, bà Lan gợi ý.

Tổng vốn khoảng 26 tỷ USD mới là nghiên cứu sơ bộ?

Ở góc độ khác, ông Trần Minh Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, báo cáo của Bộ KH&ĐT về tổng vốn đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam 26 tỷ USD mới là nghiên cứu sơ bộ, có tham khảo ý kiến của một số chuyên gia.

Về phía Bộ GTVT, ông Phương khẳng định, dự toán hơn 58 tỷ USD đã được nghiên cứu kỹ lưỡng trong nhiều năm, có sự tham gia tư vấn của cả trong nước và quốc tế, và đề xuất lựa chọn nhiều phương án đầu tư khác nhau để đưa ra phương án lựa chọn tối ưu, so sánh cả chênh lệch chi phí xây dựng và chi phí khai thác ở các cấp tốc độ khác nhau. Tổng mức đầu tư đó đã được tính toán kỹ lưỡng kể cả suất đầu tư cũng như khối lượng đầu tư thực hiện trên phương án thiết kế đề xuất.

(Theo VOV)

Bài mới
Đọc nhiều