Đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Không thể để Tổng thầu Trung Quốc “làm vương, làm tướng” trên đầu người Việt Nam
Thông tin Tổng thầu Trung Quốc “đòi” 50 triệu USD tại dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Ts Lê Đăng Doanh cho rằng sự việc đã đi quá xa, không thể tiếp tục để phía đối tác làm “vương làm tướng”, “nhảy múa” trên đầu người Việt Nam như thế này.
Trong báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện các dự án trọng điểm ngành giao thông, Chính phủ nêu thực tế loạt dự án đang có nguy cơ chậm tiến độ, điển hình là tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Ngoài nguyên nhân khách quan từ Covid-19, Tổng thầu Trung Quốc đề nghị thanh toán toàn bộ số tiền 50 triệu USD để thực hiện công tác vận hành hệ thống và thanh toán toàn bộ trước khi bàn giao dự án cho Việt Nam.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, trong cuộc họp trực tuyến giữa Ban quản lý dự án đường sắt và Tổng thầu Trung Quốc vừa qua, phía Trung Quốc đề nghị được thanh toán 50 triệu USD để chạy thử tàu toàn tuyến phục vụ công tác nghiệm thu.
“Đây là ý kiến trao đổi trong cuộc họp, không có văn bản chính thức nên chúng tôi không xem xét đề nghị này”, ông Đông nói.
Thứ trưởng Đông cũng cho biết, các mốc thanh toán trong dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã được phía Việt Nam thực hiện theo quy định hợp đồng EPC. Do vậy, trường hợp tổng thầu Trung Quốc ra văn bản với yêu cầu nêu trên thì cũng không được xem xét do trái quy định hợp đồng.
“Nếu Tổng thầu Trung Quốc có khó khăn tài chính tại thời điểm này cũng phải chạy thử tàu, phía Việt Nam không có trách nhiệm phải quyết toán thêm khoản tiền đó”, ông Đông khẳng định.
Hơn nữa, Ban Quản lý dự án Đường sắt đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải và nêu rõ quan điểm, việc thanh toán phải tuân thủ theo quy định Hợp đồng EPC. Vì vậy, hai bên thống nhất sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát (trong vòng 15 ngày) các điều khoản hợp đồng và tổ chức buổi họp chuyên đề tiếp theo để trao đổi, thống nhất các công việc thực hiện.
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) sau nhiều lần “hứa hẹn” nhưng vẫn chưa thể đưa vào khai thác, sử dụng
Phải công khai nội dung hợp đồng đã ký kết
Trao đổi với Dân Việt, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương chia sẻ, tôi rất lấy làm ngạc nhiên về đòi hỏi vô độ của Tổng thầu Trung Quốc trong vấn đề vốn, trong khi Việt Nam luôn nằm thế bị động, như bị “bông”, bên đối tác đòi hỏi thế nào là đáp ứng theo.
“Tôi đề nghị cần làm rõ ai đã duyệt và ký hợp đồng dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, để cho phía Tổng thầu Trung Quốc có thể đòi hỏi hết lần này đến lần khác về những yêu sách của mình trong khi thời gian, tiến độ hoàn thiện không đảm bảo”, ông Doanh cho hay.
Theo ông Doanh, việc công khai chi tiết hợp đồng dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ giúp chúng ta biết được thời hạn hoàn thành dự án để Tổng thầu Trung Quốc đưa vào vận hành và chịu trách nhiệm như thế nào khi xảy ra các vấn đề về đội vốn, kiểm định chất lượng, bàn giao dự án không đúng hạn…
Đường sắt Cát Linh – Hà Đông: Tổng thầu Trung Quốc “đòi” 50 triệu USD, chưa hẹn ngày chạy tàuBị “truy” trách nhiệm đường sắt Cát Linh-Hà Đông: Bộ GTVT trả lời thế nào?
Ông Doanh nhận định, sự việc liên quan đến dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã đi quá xa, không thể tiếp tục để phía Tổng thầu Trung Quốc làm “vương làm tướng”, “nhảy múa” trên đầu người Việt Nam như thế này.
“Đây là một trong những việc hết sức kỳ quặc, đồng thời, là sự xúc phạm sâu sắc đến lòng tự trọng của người Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến thu ngân sách nhà nước bị giảm, người dân phải tiết kiệm từng xu”, ông Doanh bức xúc.
Cũng về câu chuyện Tổng thầu Trung Quốc “đòi” 50 triệu USD, Giáo sư Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Đại học GTVT, cho rằng dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông như bài học kinh nghiệm xương máu cho các dự án sau này. “Bởi đây là dự án đầu tiên về đường sắt trên cao được Việt Nam thực hiện, trong khi đối tác ký hợp đồng với chúng ta lại quá mưu mô và lật lọng, gây ra những hậu quả nghiêm trọng và kéo dài đến hôm nay”.
Tuy nhiên, ông Sùa cho rằng, mọi sự việc cần theo tình, theo lý. Ở đây, những việc liên quan đến pháp lý phải được ưu tiên xem xét trước. Cụ thể, cần xem lại bản hợp đồng gốc ký kết gồm những nội dung gì? Ai chịu trách nhiệm đến đâu?
Liên quan đến hợp đồng, cũng cần giải quyết nhiều vấn đề rất khó hiểu như: Bảo hành bao lâu, trong thời gian bảo hành cụ thể chủ dự án cần làm gì? Ai là người có trách nhiệm nghiệm thu, bên cạnh công tác đào tạo hay chất lượng cơ sở hạ tầng cũng cần phải xem xét kỹ lại.
“Tôi nghĩ mọi việc đều có sự chuyên sâu và điều khoản rõ ràng, cụ thể. Bất cứ điều gì cùng cần dựa vào hợp đồng, nếu mình ký hợp đồng sai thì mình phải chịu và ngược lại phải yêu cầu Tổng thầu Trung Quốc bồi thường cho những thiệt hại mình đang gánh. Trường hợp, xảy ra tranh chấp hợp đồng cứ đưa nhau ra tòa án quốc tế giải quyết. Không thể để tình trạng nâng vốn, đòi tiền xảy ra mãi được”, ông Sùa chia sẻ.
Đoàn tàu Cát Linh – Hà Đông đỗ tại nhà ga. Ảnh: Giang Huy.
Theo Giáo sư Từ Sỹ Sùa, sự việc kéo dài đến ngày hôm nay bởi sự không đồng bộ ngay từ đầu, từ khâu xét duyệt, ký kết hợp đồng, kiểm tra, theo dõi thi công dự án. Trong trường hợp bất khả kháng có thể điều chỉnh mức đầu tư, tuy nhiên, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông không đến mức được gọi là “bất khả kháng” nhưng phía đối tác vẫn lấy nhiều lí do để điều chỉnh.
Việc Tổng thầu Trung Quốc đòi hỏi 50 triệu USD, liệu chúng ta giải ngân xong số tiền này đã hoàn thiện chưa hay họ còn thêm nhiều lần 50 triệu USD nữa?
Ngày vận hành của đường sắt Cát Linh – Hà Đông còn “xa tít”Dự án Cát Linh-Hà Đông: Lập tổ công tác làm các nhiệm vụ cuối cùng
Trong khi đó, chính Bộ GTVT cũng cho biết, đối với khó khăn vướng mắc của gói thầu tư vấn giám sát, hiện nay do Tổng thầu Trung Quốc chưa xác định được mốc thời gian hoàn thành nên Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông chưa có cơ sở báo cáo cấp thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện, dẫn đến gói thầu tư vấn giám sát chưa có cơ sở để cho phép kéo dài trong thời gian tới.
“Lúc tính toán dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, chúng ta đã dự tính thời gian xây dựng trong bao nhiêu năm, đi vào khai thác trong thời gian nào thì trả nợ xong. Tuy nhiên, dự án này làm cho những người bình thường nhất cũng sẽ thấy đau xót, cảm tưởng mình bị lừa, lật lọng… trước những yêu sách mang tính chất vòi tiền của phía đối tác khi lấy mồ hôi, xương máu, đồng tiền đóng thuế của dân để trả nợ cho dự án chưa đi vào hoạt động”, ông Sùa nói.
Ông Sùa đánh giá, trong trường hợp này, Tổng thầu Trung Quốc lấy lí do dịch bệnh Covid-19 khiến chuyên gia chưa qua được Việt Nam; sang được rồi cần thời gian cách ly; cách ly xong rồi cần thời gian khởi động lại hệ thống; lại kiểm định an toàn, thiếu hồ sơ… chu kỳ cứ kéo dài, suy xét lại không ai có lỗi, cũng không biết bao giờ dự án sẽ xong.
“Ở đây, cốt lõi của vấn đề có lẽ là phía đối tác không thiện chí, lúc xây dựng dự án chưa chuyên sâu, hời hợt, hay có những lợi ích nhóm nào đó. Đây là thời điểm chúng ta cần tìm hướng giải quyết, cứng rắn chứ không thể cứ ngồi chờ được nữa”, ông Sùa nêu quan điểm.
PVKT/DV