Đường sắt cao tốc chênh 32 tỷ USD: Nhiều băn khoăn
Nguyên ĐBQH Nguyễn Anh Sơn chia sẻ những nỗi băn khoăn trước hai phương án thực hiện dự án ĐSCT Bắc-Nam có mức đầu tư chênh tới 32 tỷ USD.
Thông tin về phương án thực hiện dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam chênh tới 32 tỷ USD đang tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận.
Chia sẻ với Đất Việt, ông Nguyễn Anh Sơn, nguyên Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định khóa XIII, nguyên Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, cá nhân ông và nhiều người dân cảm thấy hoang mang khi đọc những thông tin mà báo chí đăng tải về việc vốn làm đường sắt cao tốc Bắc-Nam chỉ 26 tỷ USD, rẻ hơn 32 tỷ USD so với phương án Bộ GTVT trình Chính phủ.
Điều ông và nhiều người dân không có chuyên môn sâu cảm thấy băn khoăn là tại sao hai cơ quan chuyên môn – một phụ trách đầu tư, sử dụng đồng tiền của Nhà nước vào các công trình trọng điểm quốc gia, một phụ trách lĩnh vực giao thông vận tải lại đưa ra hai phương án khác biệt nhau quá lớn như vậy?
“Dĩ nhiên tốc độ 200km/h hay 350km/h đều chỉ là tốc độ lý thuyết, còn tốc độ khai thác thực tế có thể thấp hơn, không được như tàu của các quốc gia khác trên thế giới như châu Âu, Nhật Bản… do đặc điểm địa hình Việt Nam cắt khúc, đặc biệt là đoạn miền Trung.
Nhưng dù có như vậy thì tại sao hai phương án ấy lại chênh nhau tới hơn 2 lần như vậy?
Điều này cho thấy tư duy của hai ngành rất khác biệt nhau. Một bên muốn đầu tư hiện đại ngay, phù hợp với xu thế chung của thế giới để tránh đập đi xây lại hạ tầng như lãnh đạo Bộ GTVT chia sẻ với báo chí. Một bên lại muốn đi từng bước, phù hợp với kinh tế Việt Nam, giảm chi phí đầu tư xã hội.
Tư duy hai bộ khác nhau nhưng người dân lại không được giải thích rõ ràng để hiểu.
Tại sao dự án cùng trên một cơ sở hạ tầng tương tự nhau dù tốc độ khác nhau, trang thiết bị cũng có thể khác nhau, có những thứ chi phí sẽ gấp nhiều lần nhưng cũng có nhiều chi phí tăng không đáng kể lại chênh nhau về vốn đến như vậy?”, ông Nguyễn Anh Sơn băn khoăn.
Từ đây, nguyên Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho rằng, Bộ KH-ĐT và Bộ GTVT cần ngồi lại với nhau để xem các phương án khác biệt ở đâu, tại sao lại chênh vốn lớn như vậy, nếu cần thiết thì phải có tư vấn độc lập vào cuộc, đánh giá.
Đối với phương án của Bộ GTVT, ông Nguyễn Anh Sơn một lần nữa lại đặt câu hỏi: đường sắt tốc độ 350km/h chở gì? Như thông tin đã công bố thì đường sắt cao tốc chỉ chở hành khách, không chở hàng hóa.
Ông Sơn cũng biết tàu cao tốc ở nước ngoài cũng ít chở hàng hóa nhưng với thực tế của Việt Nam, ông tự hỏi đường sắt cao tốc lấy đâu ra khách để chở khi phải cạnh tranh gay gắt với hàng không?
“Các hãng hàng không cùng các đội tàu bay ở Việt Nam đang phát triển quá nhanh, đặc biệt là hàng không giá rẻ. Trong khi đó giá tàu đường sắt cao tốc chắc chắn không hề rẻ.
Người dân có thói quen lựa chọn máy bay để đi chặng đường dài cho tiết kiệm thời gian, chặng ngắn người ta mới đi đường sắt, Bộ muốn làm đường sắt cao tốc chặng dài như vậy có phù hợp hay không?
Bộ GTVT đã tính toán chiến lược vận tải hành khách trong tương lai như thế nào trong khi vẫn đang tiếp tục mở rộng làm thêm sân bay, thêm các hãng hàng không mới? Mà sân bay, hãng hàng không có tốc độ đầu tư rất nhanh, như sân bay Vân Đồn chỉ mất 3 năm là xong, thu hồi nhanh, còn đầu tư đường sắt cao tốc mất 30 năm trời, bao giờ mới hoàn vốn được?
Bộ GTVT cũng đã xác định dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam khó thu hồi được vốn, Nhà nước bỏ tiền ra đầu tư chủ yếu. Một dự án đắt đỏ, chỉ thu hồi được một phần vốn và chỉ để chở khách trong khi điều quan trọng hơn là phải nâng cao khả năng vận tải hàng hóa, giảm chi phí logistics, vậy có cần phải cân nhắc kỹ?”, ông Nguyễn Anh Sơn phân tích.
Một điểm nữa, đó là dự án liệu có thu hút được tư nhân? Về điều này, ông Sơn thừa nhận là khó có tư nhân nào mặn mà bởi là doanh nghiệp, đã bỏ tiền ra thì phải kinh doanh có hiệu quả, thu hồi được vốn.
Đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Bộ GTVT phải cân nhắc kỹ lưỡng về dự án này, ông Nguyễn Anh Sơn nhấn mạnh một dự án quan trọng, lượng vốn khổng lồ như đường sắt cao tốc Bắc-Nam không thể làm lấy được. Phải tính đến hiệu quả thực sự và nghĩ đến tương lai lâu dài của đất nước.
(Theo Đất Việt)