Đường sắt cao tốc Bắc – Nam: ‘Xu thế thế giới làm đường sắt cao tốc 200 km/giờ’
Các chuyên gia cho rằng, cần thận trọng với phương án làm đường sắt cao tốc Bắc – Nam 350 km/giờ.
Chỉ chủ động được xi măng, cát, đá sỏi, con người…
Tại hội thảo về giải pháp công nghệ cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sáng nay, 19.7, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư (KH-ĐT) Vũ Đại Thắng cho rằng, dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam phải làm rõ hơn kịch bản lựa chọn, để tạo căn cứ xem xét.
Quan điểm của Bộ KH-ĐT là phương án thấp hơn (tốc độ chạy tàu trên trục Bắc – Nam khoảng 200 km/giờ, tổng mức đầu tư dự án khoảng 26 tỉ USD) là khả thi về nguồn vốn, phù hợp với trần nợ công, đáp ứng nhu cầu và thực trạng của Việt Nam.
Về mặt kinh tế, theo ông Thắng, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam chiếm tỷ trọng lớn về GDP, khi vào năm 2010, vốn đầu tư cho dự án trình lên Quốc hội là 56 tỉ USD, gần bằng một nửa tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Theo phương án mới nhất, tổng mức đầu tư của dự án được Bộ GTVT báo cáo Chính phủ đã lên tới 58,7 tỉ USD , chiếm 1/4 GDP nước ta.
Bộ KH-ĐT đã kiến nghị phương án đầu tư và Thủ tướng quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. “Bộ KH-ĐT cho rằng, các bộ đưa các kịch bản, phương án đầu tư công nghệ khác nhau sẽ vênh về tổng mức đầu tư,” ông Thắng khẳng định.
Đáng chú ý, theo lãnh đạo Bộ KH-ĐT, tư vấn vẫn “tua lại” những nội dung về công nghệ đường sắt tốc độ cao đã được báo cáo cách đây 10 năm, trong khi khả năng tiếp cận công nghệ nước ta vẫn nhập khẩu tất cả các trang thiết bị, chưa chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực về công nghệ.
“Các doanh nghiệp cơ khí đường sắt chưa thể đóng các toa xe đầu máy 200 – 300 km/giờ. Hà Nội và TP.HCM mong muốn phát triển đường sắt đô thị nhưng khả năng làm chủ công nghệ cực yếu, lệ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài như tuyến Cát Linh – Hà Đông công nghệ Trung Quốc, Nhổn – Ga Hà Nội của Pháp,… nên chi phí đắt đỏ.
Phản bác lại báo cáo của liên danh tư vấn cho rằng Việt Nam có thể chủ động 50% về công nghệ, theo ông Thắng, thực tế nước ta chỉ chủ động về xi măng, cát, đá sỏi, con người, còn liên quan đến đầu máy toa xe thì không thể tiếp cận, ít nhất phải có nền tảng.
Cân nhắc nền kinh tế’chịu được bao nhiêu’
Giáo sư Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, cho rằng xu thế thế giới như các nước Đức, Thụy Điển, Hà Lan, Thụy Sĩ, Mỹ, Đan Mạch, Thái Lan, Nga… chỉ làm 200 km/giờ. Do vậy, dự án cần làm rõ phương án, mới tính toán đến công nghệ.
Theo phân tích của ông Khuê, tư vấn tính toán chi phí đầu tư gần 60 tỉ USD, nếu làm trong 30 năm thì số vốn mỗi năm bỏ ra 2 tỉ USD, trong khi hiện tại, ngân sách trung ương mỗi năm bố trí 1 tỉ USD cho ngành giao thông. Như vậy, nếu triển khai đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam và các dự án giao thông khác, cần phải thỏa mãn 3 tỉ USD/năm sẽ là vấn đề khó khả thi về tài chính.
Chuyên gia này cũng cho rằng, việc dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ tập trung chở cả hàng hóa, hành khách là bắt buộc và đề xuất như Bộ KH-ĐT là phù hợp.
Phản bác lại luận cứ của liên danh tư vấn cho rằng, tốc độ cao thì có khách, tốc độ thấp sẽ khó có khách và đầu tư lỗ vốn, ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam phân tích, tốc độ 200 hay 300 km/giờ không rút ngắn đáng kể về thời gian đi lại, nếu so với hàng không và chỉ cạnh tranh được các chặng ngắn. Do đó, cần xem lại về tốc độ có cần thiết phải cao hay không, vì phụ thuộc vào tổng mức đầu tư.
“Đường sắt tốc độ cao chỉ nên 200 km/giờ sẽ hiệu quả, giá thành đầu tư ít, thu hồi vốn nhanh, vận chuyển được cả hàng hóa và hành khách đồng thời chỉ nên trong vòng 10 năm là xây xong tuyến đường sắt này,” ông Sáng nói.
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng những tham luận, ý kiến đóng góp, hay phản biện sẽ được tổng hợp và báo cáo lên Quốc hội.
“Có 2 phương án đường sắt tốc độ cao đang được nghiên cứu là trên 300 km/giờ và dưới 200 km/giờ. Chính phủ cần cân nhắc nền kinh tế chịu được bao nhiêu trong số vốn đầu tư, nhưng cũng có giải pháp triển khai nhanh trong 10 – 15 năm tới, không thể lâu hơn nữa,” ông Dũng nói.
Đại diện liên danh tư vấn dự án (TEDI-Tricc-TEDI Shouth) trình bày báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, trong đó đề xuất xây dựng mới tuyến đường sắt dài khoảng 1.559 km, đi qua 20 địa phương, nối Hà Nội và TP.HCM.
Thời gian thực hiện dự kiến năm 2020 – 2032 nghiên cứu, đầu tư xây dựng đoạn Hà Nội – Vinh và Nha Trang – TP.HCM. Giai đoạn 2 dự kiến từ năm 2032 – 2050 đầu tư xây dựng đoạn Vinh – Nha Trang, trong đó đoạn Vinh – Đà Nẵng hoàn thành năm 2040, đoạn Đà Nẵng – Nha Trang hoàn thành năm 2050.
Tốc độ thiết kế đoàn tàu 350 km/giờ, tốc độ khai thác 320 km/giờ, được xây dựng để khai thác riêng tàu chở khách…
(Theo Thanh Niên)