+
Aa
-
like
comment

Đường sắt cao tốc Bắc – Nam: ‘Liệu cơm gắp mắm’

11/07/2019 09:24

Hiện chưa đủ thông tin để đánh giá phương án 26 tỉ USD của Bộ Kế hoạch – đầu tư có khả thi hay không, nhưng trước hết nó cho chúng ta gợi ý rằng Việt Nam có thể hiện thực hóa ước mơ đường sắt cao tốc với cái giá chấp nhận được.

Chúng ta nên tiếp nhận thông tin việc Bộ Kế hoạch – đầu tư báo cáo Chính phủ về phương án xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, với sự chênh lệch rất lớn về tổng mức đầu tư dự tính so với phương án trước đó của Bộ Giao thông vận tải, là một tín hiệu tích cực.

Các phương án khác nhau sẽ đem đến những thông tin “đầu vào” hữu ích để Chính phủ, Quốc hội so sánh, đối chiếu, từ đó đưa ra quyết định lựa chọn phù hợp.

Có lẽ đến thời điểm này, nhu cầu đầu tư tuyến đường sắt cao tốc (hoặc tốc độ cao) Bắc – Nam đã trở nên bức thiết. Hệ thống đường bộ, cầu cống đã được đầu tư đáng kể nhưng hệ thống hạ tầng đường sắt Bắc – Nam chưa được cải thiện, đường sắt đô thị tuy đã đầu tư nhiều tuyến nhưng chưa thể khai thác. Cơ sở hạ tầng giao thông vì vậy trở thành “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế và hội nhập.

Nhưng nhu cầu là một chuyện, có hiện thực hóa được nhu cầu đó không lại là chuyện khác. Bài học cũ về việc Quốc hội không chấp thuận chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc khi đó (năm 2010) với tổng số vốn dự tính lên đến 56 tỉ USD cần được rút ra.

Rõ ràng việc đầu tư đường sắt cao tốc cần được đặt trong “bài toán” tổng thể phát triển kinh tế – xã hội. Chúng ta hoàn toàn chia sẻ với quyết định khó khăn tại thời điểm đó của các đại biểu Quốc hội khi mà tổng thu nhập quốc dân chưa đến 200 tỉ USD, nợ công ở mức cao thì việc đưa ra quyết định cho một siêu dự án 56 tỉ USD quả là “đau đầu”.

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Liệu cơm gắp mắm - Ảnh 1.
Bộ KH-ĐT và GTVT đang có phương án khác nhau về dự án đường sắt tốc độ cao. Trong ảnh: Tàu hỏa chạy trong nội thành TP.HCM – Ảnh: MINH ANH

Chính vì vậy, việc Bộ Kế hoạch – đầu tư đưa ra phương án 26 tỉ USD vào thời điểm này đã khiến nhiều người hào hứng bởi nó có tính gợi mở cao. Chúng ta chưa đủ thông tin để đánh giá phương án này có khả thi hay không, nhưng trước hết nó cho chúng ta gợi ý rằng Việt Nam có thể hiện thực hóa ước mơ đường sắt cao tốc với cái giá chấp nhận được.

Nhu cầu thì khỏi phải bàn, bởi nó đã rõ. Bây giờ là lúc chúng ta phải tìm ra phương án khả thi và hiệu quả nhất, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam, đồng thời có tầm nhìn xa. Đất nước còn nghèo, nợ công vẫn ở mức cao, nên phải “liệu cơm gắp mắm”.

Thiết nghĩ Chính phủ nên thuê cơ quan tư vấn độc lập có uy tín của nước ngoài để đánh giá về các phương án, đưa ra cho chúng ta những đề xuất cần thiết, sau đó Chính phủ và Quốc hội sẽ cân nhắc.

Đương nhiên những nguyên nhân gây ra sự chậm trễ trong việc thực hiện các dự án đường sắt đô thị ở TP.HCM, đặc biệt là việc lựa chọn nhà thầu, sự chậm trễ và đội vốn của dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) phải được coi là bài học xương máu. Siêu dự án mấy chục tỉ USD mà để đội vốn như chuyện xảy ra với Cát Linh – Hà Đông thì hậu quả khôn lường.

TS NGUYỄN VĂN THÂN (ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội)

(Theo Tuổi Trẻ)

Bài mới
Đọc nhiều