+
Aa
-
like
comment

Đường ‘Nhuệ’ ép doanh nghiệp ‘tán gia bại sản’, ‘bảo kê’ hỏa táng như thế nào?

15/04/2020 18:15

Không chỉ đe dọa giết một chủ doanh nghiệp, biến công ty này thành một đống đổ nát, Đường ‘Nhuệ’ còn bị tố cưỡng đoạt tài sản khi thu tiền bảo kê các hoạt động hỏa táng của người dân tại Thái Bình.

Ép doanh nghiệp “tán gia bại sản”

Công ty TNHH Lâm Quyết chỉ còn là một đống đổ nát.

Ông Nhàn, em trai ông Nguyễn Văn Lẫm (chủ doanh nghiệp Lâm Quyết, xã Vũ Chính, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) cho biết, năm 2017, anh trai ông vay của vợ chồng Nguyễn Xuân Đường số tiền 1,7 tỷ đồng không xác định thời hạn để phục vụ việc làm ăn. Thế nhưng đến cuối năm, vợ chồng Đường yêu cầu phải trả tiền.

Thời điểm đó, việc làm ăn của công ty đang bế tắc. Doanh nghiệp cũng thu hồi công nợ nhưng không đủ để trả cho Nguyễn Xuân Đường nên xin khất nợ nhưng không được Đường đồng ý.

“Ngày 3/10/2017, khi tôi đi làm về tới công ty, rất đông người xăm trổ, cởi trần, cầm dao kiếm đứng kín công ty, đến khoảng gần 20h cùng ngày, Đường dẫn theo 7-8 đàn em quay lại để khóa các cửa, chiếm giữ công ty”. Ông Nhàn cho biết.

Cũng theo ông Nhàn, sáng 4/10/2017, công nhân vẫn tới công ty làm việc nhưng đàn em của Đường nằm tại công ty, đuổi không cho thợ vào. Bản thân ông Nhàn đi lấy vật liệu về tới nơi cũng bị chặn và bị những kẻ kia chửi bới, đuổi ra ngoài. Từ đó, Công ty TNHH Lâm Quyết cũng dừng hoạt động.

Chiều 4/10, đại diện Công an TP Thái Bình, Công an xã Vũ Chính có mặt tại Công ty TNHH Lâm Quyết lập biên bản trục xuất những người lạ mặt và yêu cầu bàn giao toàn bộ tài sản công ty cho tôi và Ngọc (em trai ông Lẫm-PV) trông coi. Tuy nhiên, Đường không đồng ý và vẫn chiếm giữ doanh nghiệp.

Tài sản theo ước tính gần chục tỷ đồng của Công ty Lâm Quyết “không cánh đã bay”, thợ thuyền tản mát, công ty giải thể.

Tiếp tục tới chiều 6/10, Đường cùng rất đông người người xăm trổ đi ô tô xuống nhà xưởng để đuổi ông Lẫm ra khỏi công ty. Vì quá sợ hãi trước sự thị uy, đe dọa của nhóm người này nên 2 anh em ông Nhàn phải rời đi. Trong suốt gần nửa tháng sau đó, đàn em của Đường “Nhuệ” vẫn chiếm giữ công ty.

Ông Nhàn cho biết, ngày 19/10/2017, sau khi nghe tin đàn em của Đường “Nhuệ” rút khỏi công ty, khi đi ngang qua đó và ông thực sự ngỡ ngàng trước cảnh tượng tan hoang, máy móc và toàn bộ tài sản đã bị mất hết.

Theo lời kể của ông Nhàn, suốt những ngày sau đó vợ chồng ông Lẫm, bà Quyết gửi nhiều đơn tố cáo vợ chồng Đường “Nhuệ” tới các cơ quan chức năng. Bản thân ông Nhàn cũng được gọi lên cơ quan công an nhiều lần để lấy lời khai. “Những tưởng sau nhiều lần gửi đơn và lấy lời khai, mọi việc sẽ sáng tỏ, Đường “Nhuệ” sẽ phải trả giá trước pháp luật nhưng không ngờ Nguyễn Xuân Đường không bị bắt, vẫn nhởn nhơ như chưa có chuyện gì xảy ra”, ông Nhàn bức xúc chia sẻ.

Đáng nói, cũng ngay sau đó, vợ chồng ông Lẫm lại bị bắt giữ để điều tra vì tội Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử hồi tháng 6/2019, ông Lẫm nhận án 14 năm tù, bà Quyết 13 năm tù, đều vì tội danh trên.

Đến nay, Công ty TNHH Lâm Quyết chỉ còn là một đống đổ nát, tài sản theo ước tính gần chục tỷ đồng “không cánh đã bay”, thợ thuyền tản mát, công ty giải thể.

Doanh nghiệp “báo cáo” tên tuổi, thời gian hỏa táng cho băng nhóm Đường “Nhuệ”

 

Bảo kê hỏa táng tại Thái Bình

Theo một diễn biến khác, liên quan đến vụ bắt giữ vợ chồng Nguyễn Xuân Đường và 4 đồng phạm để điều tra hành vi cố ý gây thương tích xảy ra tại Công ty TNHH Đường Dương (do Đường làm chủ), lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình cho biết đang mở rộng điều tra hành vi cưỡng đoạt tài sản của Đường do có thông tin về việc bị can này thu tiền bảo kê liên quan hoạt động hỏa táng của người dân tại Thái Bình.

Chiều 14/4, bà N.L (chủ một doanh nghiệp mai táng ở TP.Thái Bình) phản ánh, cuối năm 2017, hoạt động của doanh nghiệp đặt dưới sự điều phối của băng nhóm Đường “Nhuệ”. Theo đó, các doanh nghiệp ở tỉnh Thái Bình được “chia” các địa bàn để hoạt động, trong đó, mỗi doanh nghiệp chỉ được thực hiện dịch vụ tại khoảng 10 xã và không được xâm phạm vào địa bàn của nhau.

Khi đưa một người chết đi thiêu, doanh nghiệp phải “báo cáo” tên tuổi, thời gian, địa điểm cho nhóm của Đường “Nhuệ”, gọi là “báo ca”, rồi định kỳ mỗi tháng 2 lần đóng tiền cho băng nhóm này. Mức thu được ấn định là 500.000 đồng/lần hỏa thiêu.

Theo bà N.L, ban đầu, Đường “Nhuệ” trực tiếp cùng đàn em đến gặp gỡ doanh nghiệp đe dọa. Sau khi các doanh nghiệp đã bị “quy phục” thì đàn em của Đường sẽ đứng ra quản lý, phụ trách.

Thông tin trên báo chí, ông Trần Đình Giao, Chủ tịch Công ty Hoàng Long – đơn vị sở hữu Đài hóa thân tại Nam Định cho hay, Công ty Hoàng Long từng ủy quyền cho Công ty Thành Phát làm đại lý cấp 1, phụ trách khu vực Thái Bình với nhiệm vụ giới thiệu dịch vụ, báo ca cần hỏa táng (báo ca) về Hoàng Long. Tuy nhiên, từ cuối tháng 12/2017, Nguyễn Xuân Đường bắt đầu chèn ép, đánh đập anh Nguyễn Thế Việt (nhân viên Công ty Thành Phát) nhằm buộc doanh nghiệp dừng hoạt động để Công ty TNHH Đường Dương độc quyền dịch vụ hỏa táng tại Thái Bình.

Theo ông Trần Đình Giao, Công ty TNHH Đường Dương sau đó đề nghị phía Công ty Hoàng Long cho mình độc quyền nhận các ca hỏa thiêu ở Thái Bình nhưng không được đồng ý. Vì vậy, trong 2 tháng liền, Đường “Nhuệ” buộc các cơ sở tang lễ tại Thái Bình phải đưa thi thể đi hỏa táng tại Hải Phòng dù việc này khiến giá dịch vụ tăng lên bởi đường xa hơn. Nếu ai cố tình sang Nam Định hỏa táng, Đường sẽ “xử lý” nghiêm.

Ông Giao tiết lộ thêm, người dân tại Thái Bình phản đối, nói nếu bắt sang Hải Phòng họ sẽ chôn cất, không hỏa táng nữa nên Đường cho họp các dịch vụ tang lễ, nói cho quay lại Nam Định nhưng thu 500.000 đồng/ca hỏa táng.

Nói rõ hơn về sự việc, anh C. (nhân viên một công ty tang lễ) cho biết cuối 2017, tất cả 23 cơ sở dịch vụ tang lễ tại Thái Bình được Nguyễn Xuân Đường gọi đến, yêu cầu ký vào văn bản nội dung muốn hỏa táng phải thông qua hiệp hội tang lễ Thái Bình, đứng đầu là Công ty TNHH Đường Dương. Nếu các dịch vụ không báo sẽ phải “bỏ kèn đi” tức là không kinh doanh nữa.

Hoàng Nguyên/DĐDN

Bài mới
Đọc nhiều