+
Aa
-
like
comment

“Đường lưỡi bò” xâm lược Việt Nam bằng con đường văn hóa

Cao Phúc - 21/10/2019 15:55

Khi vụ phim chiếu ở rạp CGV có “đường lưỡi bò” chưa lắng,  thì Công ty TNHH MTV dịch vụ lữ hành Saigontourist (Saigontourist) lại hâm nóng dư luận bằng những ấn phẩm du lịch phát cho khách, có in hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp.

1
Công ty Saigontourist vô tình tuyên truyền cho “đường lưỡi bò”

Như truyền thông đưa tin, ngày 18/10 Tổng cục Du lịch ra văn bản yêu cầu giải trình đối với thông tin Công ty Saigontourist sử dụng ấn phẩm có in “đường lưỡi bò” phi pháp giới thiệu cho khách.

Tuyên truyền không ngừng cho đường lưỡi bò

Theo đó, ngày 18/10/2019, văn bản số 1518/TCDL-LH nêu rõ, theo thông tin từ các cơ quan báo chí, truyền thông đưa tin về việc phân tích của ông Trần Đức Hiếu (tại thành phố Hồ Chí Minh) khi tới trụ sở công ty Saigontourist để tìm hiểu chương trình du lịch tới Đài Loan đã được nhân viên của Công ty Saigontourist giới thiệu chương trình đi Trương Gia Giới – Phượng Hoàng Cổ Trấn (Trung Quốc) để tham khảo. Tuy nhiên khi giới thiệu, nhân viên của công ty đã sử dụng cẩm nang quảng bá tour du lịch Trung Quốc có in hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp để giới thiệu.

Nhận thấy sự việc nghiêm trọng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng cho hay, tối ngày 17/10, Bộ VH-TT-DL đã đề nghị Tổng cục Du lịch sớm có nhắc nhở, cảnh báo các công ty du lịch hết sức cảnh giác, cẩn thận trong vấn đề kiểm soát tài liệu khi làm việc với các đối tác, tránh những trường hợp tương tự có thể xảy ra.

Đây không phải là sự vụ đầu tiên mà trước đó, hoạt động tuyên truyền cho “đường lưỡi bò” nó cũng diễn ra ở nhiều họat động khác khi người ta phát hiện những nội dung tương tự bị lợi dụng lồng vào trong các tài liệu, ấn phẩm.

Chẳng hạn: Mới đây, bản đồ thời tiết trên kênh The Weather Channel (TWC) của Mỹ cũng bị cài cắm “đường lưỡi bò” 9 đoạn. Điều đáng chú ý là “đường lưỡi bò” này chỉ hiển thị trên phiên bản tiếng Việt, tiếng Indonesia, tiếng Nhật, tiếng Trung của bản đồ thời tiết, không hiển thị trên bản đồ tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng Hindi. Cá biệt, nếu chọn phiên bản tiếng Trung từ vùng lãnh thổ Đài Loan, bản đồ TWC cũng không hiển thị đường 9 đoạn bao phủ Biển Đông.

Hoặc, song hành cùng việc mở rộng mô hình học viện Khổng Tử để tuyên truyền văn hóa Trung Quốc ra khắp thế giới, Bắc Kinh đang tích cực tìm cách sử dụng văn hóa phục vụ cho mưu đồ bá quyền. Trung Quốc đã tung tiền đầu tư vào các hãng phim ở Hollywood (Mỹ) để tìm cách phục vụ chính trị, mưu đồ chủ quyền.

Điển hình như phim Everest – Người tuyết bé nhỏ (Abominable), có lồng ghép bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp, là một sản phẩm do Công ty Pearl của Trung Quốc hợp tác sản xuất cùng DreamWorks của Hollywood. Bên cạnh đó, những phim do Trung Quốc tự sản xuất cũng được thúc đẩy phổ biến rộng rãi và lẩn khuất trong đó là những mưu đồ truyền bá chính trị, ví dụ như Điệp vụ Biển Đỏ cũng tuyên truyền sai trái về chủ quyền Trung Quốc đối với Biển Đông

Những chiêu trò núp bóng văn hóa như thế không chỉ dừng lại trong phim ảnh, mà còn xuất hiện cả trong các ấn phẩm nghiên cứu khoa học, tài liệu khoa học…, thậm chí cả đồ chơi trẻ em. Tất cả đều đã được Bắc Kinh tìm cách lồng ghép bản đồ “đường lưỡi bò”.

Thực tế cho thấy, đó chỉ là quá trình cố gắng hợp thức hóa “đường lưỡi bò” phi pháp của mình (đã bị Tòa án Trọng tài Thường trực PCA phán quyết là vô giá trị từ năm 2016), Trung Quốc đã kiên trì thực hiện nhiều phương thức, thủ đoạn, bao gồm chỉnh sửa sách giáo khoa để nhồi nhét những sai lệch về lịch sử vào trường học; tuyên truyền về “đường lưỡi bò” qua phim ảnh, sách báo, các mặt hàng thời trang… ra khắp thế giới.

Sự điên cuồng của người Trung

“Đường lưỡi bò” được xem là một dã tâm bất tận của Trung Quốc ở Biển Đông. Tháng 5/2009, Trung Quốc tiếp tục lộ rõ tham vọng độc chiếm Biển Đông với việc đệ trình lên Liên Hiệp Quốc tấm bản đồ “đường 9 đoạn” (hay còn gọi là đường lưỡi bò). Theo đó, Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền đối với khoảng 2 triệu km2 diện tích biển và 13 km2 diện tích đất trên Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Thực tế cũng cho thấy, Trung Quốc còn đang sử dụng thương mại như một chính sách ngoại giao với các nước có liên quan tới Biển Đông – tăng cường quan hệ thương mại có thể bảo đảm khu vực này giữ “ổn định theo cách của Bắc Kinh”.
Và đây chính là vấn đề nan giải trong giải quyết tranh chấp Biển Đông. Bởi mặc dù một số nước phản đối “đường lưỡi bò”, nhưng về kinh tế, họ vẫn cần Trung Quốc hơn Trung Quốc cần tới họ. Và Trung Quốc đã, đang và sẽ sử dụng sức mạnh kinh tế để củng cố yêu sách “đường lưỡi bò”.

Dù cho, giới nghiên cứu khẳng định yêu sách “đường lưỡi bò” trên biển Đông của Trung Quốc rất mơ hồ và thiếu chứng cứ. Mặc cho, cộng đồng quốc tế có nhiều ý kiến phản đối mạnh mẽ, vạch ra những điểm vô lý của nó. Nhưng đó là một phần quan trọng trong chiến lược quyền lực mềm của Trung Quốc, nhằm kết hợp cùng sức mạnh quân sự để đạt được các ý đồ chính trị  mà nước này theo đuổi, điển hình như đối với các tranh chấp chủ quyền trên biển.

Tức là, những hành động của Trung Quốc luôn nhằm mục đích hợp thức hóa “đường lưỡi bò”, bỏ qua phản ứng của dư luận quốc tế và các nước bị xâm chiếm bởi cái điều phi lý mà nước này vẽ ra. Vì thế, không phải ngẫu nhiên  “đường lưỡi bò” khiến chúng ta rất căm phẫn, thế mà bây giờ lại xuất hiện tràn lan tại các địa điểm du lịch, văn hóa càng không thể chấp nhận được.

Nên liên quan đến ấn phẩm có hình “đường lưỡi bò” mà công ty Saigontourist phát hành, và trong bộ phim Everest – Người tuyết bé nhỏ do CGV chiếu/phát cho khách hàng, nhiều ý kiến gay gắt khi nói: “Sống tại Việt Nam là người con của đất nước Việt Nam mà làm việc như vậy có thấy cắn rứt lương tâm không? Cần phải xử lý thật nghiêm những người làm việc tắc trách làm ảnh hưởng đến chủ quyền dân tộc”.

Với một hệ thống chiêu trò ở nhiều khía cạnh, Trung Quốc đang thực thi một chiến lược toàn diện để hướng đến bá quyền văn hóa. Văn hóa cùng với quân sự và kinh tế trở thành 3 trụ cột cho Trung Quốc thực hiện mưu đồ chính trị. Họ đã chuẩn bị rất kỹ về giáo dục tư tưởng cho các thế hệ Trung Quốc, biến nó thành sức mạnh để quyết tâm tiến xuống, độc chiếm Biển Đông.

Vì cái gọi là “đường lưỡi bò”, cái  “con đường tơ lụa” ảo tưởng mà Trung Quốc đang tìm mọi cách để hợp thức hóa tham vọng của mình, nhằm mục đích hiện thực hóa mưu đồ bành trướng Đại Hán.

Và để đạt được âm mưu chiếm Biển Đông, từ việc dùng chiến thuật có vỏ bọc là những mỹ từ như “trỗi dậy hòa bình”, “giấu mình chờ thời”, nhưng giờ đây, Trung Quốc đang cảm thấy mình như hổ có móng vuốt, đủ sức để giẫm đạp lên tất cả một cách điên cuồng.

Có điều, cần phải nói, trong các con đường xâm lấn, xâm lấn về văn hóa thông qua sách báo, văn hóa phẩm, phim ảnh… là con đường nhanh lẹ, miễn phí mà người ta dễ chủ quan bỏ qua nhất. Đó cũng là con đường khá nguy hiểm.

Chính vì thế, bên cạnh việc kịp thời ngăn chặn những ấn phẩm, bản đồ, sách báo có hình “đường lưỡi bò” phi pháp vào Việt Nam, trong trường hợp đã để lọt cửa, phải phạt nặng hoặc đưa ra hình thức kỷ luật thích ứng mang tính răn đe để tình trạng này không tái diễn.
Song Trà

Bài mới
Đọc nhiều