Đường lưỡi bò và kế hoạch “xâm lược mềm” của Trung Quốc cần phải ngăn chặn
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện xác định việc để lọt phim hoạt hình Everest-Người tuyết bé nhỏ có ‘đường lưỡi bò’ là sự việc nghiêm trọng. Trong sự việc này, hội đồng duyệt chính là những người gác cổng đã tắc trách, lơ là.
Đây không phải lần đầu tiên sự việc nghiêm trọng xảy ra xuất phát từ Hội đồng trung ương thẩm định phim truyện. Năm ngoái là bài học Điệp vụ biển đỏ. Hội đồng duyệt phim bỏ qua hơn hai phút cuối phim-nhà sản xuất Trung Quốc cố tình gài tinh thần dằn mặt vấn đề chủ quyền trên biển Đông, tuyên truyền sai lệch chủ quyền. Năm nay, cả 11/11 thành viên Hội đồng duyệt phim có mặt xem và đồng thuận cho Everest-Người tuyết bé nhỏ có đường lưỡi bò phi pháp ra rạp.
Việc để lọt phim có yếu tố xâm phạm chủ quyền Việt Nam ra rạp, Hội đồng không thể vô can? “Đứng trước bộ phim có xuất hiện đường lưỡi bò, cho dù là cơ quan quản lý hay người dân phải luôn nêu cao ngọn cờ chủ quyền dân tộc lên hàng đầu. Phim có xuất hiện đường lưỡi bò phi pháp không được phép phổ biến”, ông Nguyễn Thái Bình – người phát ngôn Bộ VHTTDL nhấn mạnh. Ông cũng khẳng định, Hội đồng phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra sai sót.
Trước sự việc lớn như thế, cần có trách nhiệm rà soát kỹ hơn nữa, tránh để trường hợp cuộc “xâm lấn mềm” của Trung Quốc diễn ra. Nhưng ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm về vụ việc này, để những việc “ bỏ lọt 4 giây” không tái diễn?
Qua sự việc này có thể thấy đây là một trong những vũ khí của cuộc “xâm lược mềm” mà kẻ xâm lược sử dụng là những biện pháp kinh tế, khoa học kỹ thuật, truyền thông, ngoại giao, pháp lý… Mặc dù không có tiếng súng, tiếng bom đạn, không thấy cảnh khói lửa binh đao nhưng cuộc “xâm lược mềm” vẫn là một cuộc chiến tranh kiểu mới hết sức nguy hiểm, đáng sợ.
Nhằm hợp thức hóa “đường lưỡi bò” phi pháp của mình (đã bị Tòa án Trọng tài Thường trực PCA phán quyết là vô giá trị từ năm 2016), Trung Quốc đã kiên trì thực hiện nhiều phương thức, thủ đoạn, bao gồm chỉnh sửa sách giáo khoa để nhồi nhét những sai lệch về lịch sử vào trường học; tuyên truyền về “đường lưỡi bò” qua phim ảnh, sách báo, các mặt hàng thời trang… ra khắp thế giới.
Cảnh báo về tình trạng “xâm lăng mềm” mang tên nhồi sọ này trên phương tiện truyền thông nhiều năm nay, TS Trần Công Trục – nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ nhận định, Trung Quốc luôn âm mưu độc chiếm Biển Đông, muốn biến Biển Đông thành “ao nhà” của họ và dùng Biển Đông làm bàn đạp để thực hiện “giấc mơ Trung Hoa”.
Trong cuộc cạnh tranh địa – chính trị, địa – chiến lược, địa – kinh tế, địa – kế hoạch, Trung Quốc áp dụng nhiều biện pháp và hình thức khác nhau. Một trong những biện pháp mà Trung Quốc đẩy mạnh nhất là giảng dạy cho thế hệ trẻ của họ rằng, Trung Quốc có chủ quyền lịch sử đối với quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam). Họ nói Biển Đông là biển Hoa Nam – biển phía Nam của Trung Hoa.
Họ đã chuẩn bị rất kỹ về giáo dục tư tưởng cho các thế hệ Trung Quốc, biến nó thành sức mạnh để quyết tâm tiến xuống, độc chiếm Biển Đông.
Trong các con đường xâm lấn, xâm lấn về văn hóa thông qua sách báo, văn hóa phẩm, phim ảnh… là con đường nhanh lẹ, miễn phí mà người ta dễ chủ quan bỏ qua nhất. Đó cũng là con đường khá nguy hiểm.
Bởi vì, kẻ “xâm lược” có thể đạt được mục tiêu buộc đối phương phải khuất phục, phải lệ thuộc hoàn toàn về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng; phải mặc nhiên thừa nhận những yêu sách phi lý về lãnh thổ, biển, đảo. Điều đó đồng nghĩa với việc đã để mất chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia vào tay kẻ “xâm lược”… mà nhiều trường hợp bên bị xâm lược lại khó có thể nhận ra những thứ “vũ khí mềm” nguy hiểm đó.
Sự cố vô tình tuyên truyền cho Trung Quốc trong rạp phim cũng rơi vào đúng khoảng thời gian tình hình Biển Đông căng thẳng.
Trung Quốc đến nay tiếp tục cho nhóm tàu khảo sát Hải Dương địa chất 8 vi phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa Việt Nam, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và dư luận quốc tế.
Và gần đây, Trung Quốc tiếp tục điều động các phương tiện, cùng với lực lượng tàu quân sự làm nhiệm vụ bảo vệ, tiến hành thăm dò địa chấn tại khu vực bãi cạn Tư Chính, Vũng Mây, Quế Đường, Huyền Trân… ở cách bờ biển Việt Nam dưới 200 hải lý, hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Như vậy, có thể thấy rằng, sau khi gây chiến tranh xâm lược bằng vũ lực các thực thể địa lý thuộc quần đảo Hoàng Sa năm 1956, 1974 và quần đảo Trường Sa năm 1988, Trung Quốc đang tận dụng mọi lợi thế về tài chính, quân sự, kĩ thuật, kinh tế để triển khai cuộc “xâm lược mềm”, bằng chiến thuật “gặm nhấm”, “cháo nóng húp quanh” đối với các bãi cạn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông, như những gì đã xảy ra ở Đá Vành Khăn năm 1995, bãi cạn Scarborough 2012 , Bãi Cỏ Mây,… với nhiều thủ đoạn khác nhau để tăng cường sự hiện diện trên thực tế trong phạm vi yêu sách “đường lưỡi bò”.
Có thể nói Trung Quốc đang triển khai “mũi tấn công chủ lực” để tiến vào “tử huyệt” của những quốc gia mà họ coi là những “đối thủ đáng gờm” có khả năng cản trở bước tiến của họ ra Biển Đông. Bởi vì, suy cho cùng, trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, nguồn tài nguyên sinh vật và không sinh vật, chứa đựng trong đó mới là “miếng bánh” ngon lành, hấp dẫn cần phải tranh giành, chứ không phải phạm vi là không gian của chúng.
Nhưng theo TS Tạ Đình Thi – tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo, vấn đề lớn nhất nằm ở công tác tuyên truyền. “Hiện nay, tư duy và nhận thức về biển đảo ở nhiều cấp, ngành và trong nhân dân còn hạn chế. Để phát huy được sức mạnh toàn dân, công tác tuyên truyền, truyền thông cần sự đổi mới, cập nhật sát tình hình.
Cần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, xây dựng một tổ chức có khả năng kiểm soát và giám sát các tình hình trên Biển Đông cũng như đưa ra các phương thức để đấu tranh trên mặt trận tư tưởng” – ông nói.
Người Việt Nam luôn luôn yêu nước, thương nòi, luôn luôn tin vào truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc Việt Nam trải qua biết bao giai đoạn thăng trầm của lịch sử.
Vì vậy, người dân Việt Nam tin rằng các cơ quan và cá nhân lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam, đều là người Việt Nam, đang sống trên đất nước Việt Nam, mảnh đất đã thấm biết bao máu và nước mắt của Tổ tiên, ông cha mình, họ biết sẽ phải phải làm gì, nhất là trong sự nghiệp bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, thiêng liêng của tổ tiên để lại.
Bài học lịch sử được rút ra từ sự kiện để cho quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa rơi vào tay Trung Quốc vào các năm 1956, 1974 và 1988, điều cốt tử là không tạo cơ hội cho Trung Quốc tiếp tục áp dụng kế sách tạo ra tình huống buộc chúng ta phải chấp nhận “chuyện đã rồi”, tiến tới mục tiêu ngắn hạn là “giữ nguyên hiện trạng”, vì “đại cục”.
Nếu điều đó xảy ra, đồng nghĩa với việc chấp nhận trên thực tế những hành vi xâm phạm của Trung Quốc; chí ít là chấp nhận chủ trương “gác tranh chấp cùng khai thác” tại các vùng biển, đảo không thuộc về Trung Quôc.
Vì vậy, sau khi chúng ta đã công khai yêu cầu Trung Quốc rút các tàu vi phạm tại vùng biển Nam Biển Đông, nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục vi phạm, tiếp tục quấy phá, gây tổn thất đến sinh mạng và hoạt động kinh tế thì Việt Nam nên sử dụng hình thức đấu tranh cao hơn về mặt ngoại giao.
Biểu tình để bảo vệ chân lý, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của Tổ quốc, dân tộc trước sự đe dọa và xâm phạm của các thế lực thù địch, ngoại bang không phải là hành động bị cấm đoán và không ai có quyền ngăn cấm, trừ khi những cuộc biểu tình đó vi phạm pháp luật, do các thế lực chính trị đối lập lợi dụng để gây bạo loạn, lật đổ chính quyền, gây mất trật tự, gây bất ổn chính trị trong nước, làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân…
Vì vậy, vấn đề liệu có nên biểu tình hay không là tùy thuộc tính chất và mức độ vi phạm, không phải bất kỳ vi phạm nào cũng nhất thiết phải xuống đường.
Trong bối cảnh hiện nay, căn cứ vào tính chất và mức độ vi phạm và đặc biệt không để mắc mưu của đối phương, thay vì biểu tình chúng ta nên thể hiện lòng yêu nước bằng những hành động thiết thực như phải cảnh giác, không tạo cớ cho các thế lực thù địch lợi dụng.
Phải chia sẻ ủng hộ lập trường của Đảng và Nhà nước Việt Nam đã công khai tuyên bố trước những vi phạm của nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 08 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam đã và đang xẩy ra tại khu vực bãi Tư Chính.
Là công dân yêu nước, trước hết mỗi người Việt Nam phải tập trung hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm của mình tùy theo cương vị của mỗi một người và khi cần, chúng ta sẽ đáp lời sông núi, sẵn sàng cầm vũ khí lên đường giết giặc, dù chúng là ai, để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của chúng ta
Hồng Đinh