Đường lưỡi bò trong Everest: Khâu duyệt phim “có vấn đề“
Sau 10 ngày ra mắt, bộ phim hoạt hình “Everest – Người tuyết bé nhỏ” do hãng DreamWorks của Mỹ hợp tác sản xuất với Công ty Pearl của Trung Quốc đã chính thức bị rút khỏi các rạp chiếu phim tại Việt Nam tối ngày 13/10, đang gây xôn xao dư luận. Thêm một lần nữa khiến công chúng phải đặt dấu hỏi với nhà phát hành và Cục Điện ảnh.
Dư luận bức xúc với phim “Everest – Người tuyết bé nhỏ” vì nhiều khán giả đã phát hiện hình ảnh “đường lưỡi bò” xuất hiện trong 2 đoạn và 4 cảnh phim, 2 cảnh có trong trailer. Còn 2 cảnh trọn vẹn và hiện lên rõ ràng ở đoạn hình ảnh những chiếc trực thăng của ông trùm Burnish tìm thấy người tuyết trên sân thượng nhà Yi và đã thổi tung “căn cứ” bí mật của cô bé, khiến những bức ảnh đính trên bản đồ bay ra. Trên bản đồ hiện rõ “đường lưỡi bò”. Đó là sự vi phạm tới chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Năm 2018, bộ phim “Điệp vụ Biển Đỏ” của Trung Quốc khi chiếu ở Việt Nam đã bị dư luận lên tiếng phản ứng vì cho rằng phim này có cài cắm nội dung thông tin bất lợi cho chủ quyền biển đảo Việt Nam. Trong hai phút cuối phim có hình ảnh trên một vùng biển rộng lớn, những chiếc chiến hạm của hải quân Trung Quốc bao vây một tàu nước ngoài và liên tục phát loa yêu cầu chiếc tàu này phải rời khỏi vùng biển mà họ cho là “South China Sea”.
Như vậy, chỉ trong vòng 2 năm, đã liên tiếp có những bộ phim Trung Quốc hoặc có doanh nghiệp Trung Quốc tham gia sản xuất, có những hình ảnh vi phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam, đã lọt qua cửa thẩm định, để được trình chiếu công khai tại nước ta.
Rõ ràng, nếu như để “lọt lưới” một lần trước thì có thể nghĩ theo chiều tích cực là bị sót hay vô tình không để ý, bởi hình ảnh quá ngắn, quá nhanh, lại gần cuối phim, mà phim hành động nên gây ức chế thần kinh mệt mỏi, không kịp phát hiện… Nhưng lần này, hình ảnh cực kỳ rõ ràng, từ trailer, cảnh trong phim không hề “nhanh như chớp” đến mức không thể nhận ra. Phải chăng Hội đồng thẩm định phim quốc gia đã bỏ sót?. Phải chăng việc thẩm định phim đang có vấn đề ở chính các thành viên của Hội đồng đã không đủ nhạy cảm, không đủ tinh tường để phát hiện ra vài giây bị “cài cắm” tinh vi liên quan đến chủ quyền lãnh thổ biển đảo Việt Nam?
Khoản 1, Điều 37 Luật Điện ảnh năm 2006 quy định “Phim Việt Nam do cơ sở sản xuất phim sản xuất, phim nhập khẩu chỉ được phát hành, phổ biến khi đã có giấy phép phổ biến phim của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh”.
Khoản 2, Điều 39 Luật Điện ảnh năm 2006 quy định “Hội đồng thẩm định phim có trách nhiệm thẩm định phim để tư vấn cho người đứng đầu cơ quan quyết định thành lập hội đồng thẩm định phim về việc phổ biến phim và phân loại phim để phổ biến theo lứa tuổi”.
Như vậy, để được công chiếu, một bộ phim điện ảnh của nước ngoài hay của Việt Nam, đều phải trải qua sự thẩm định của Hội đồng thẩm định phim quốc gia. Từ ý kiến của Hội đồng thẩm định phim quốc gia, Cục Điện ảnh mới quyết định có cấp phép cho phim đó hay không.
Được biết, Hội đồng thẩm định phim quốc gia chỉ có 11 thành viên, thành viên gọi là trẻ cũng thuộc đầu 6X sang 7X, còn toàn những thành viên có tuổi 4X, trên 5X. Trong khi Hội đồng phải gánh một khối lượng công việc rất lớn, mỗi năm có khoảng 200 phim nước ngoài nhập về Việt Nam và khoảng 40 phim Việt được gửi tới thẩm định. Khi phim gửi đến thì trong khoảng thời gian quy định 15 ngày Hội đồng phải hoàn thành thủ tục thẩm định phim để Cục Điện ảnh đồng ý hoặc từ chối cấp giấy phép cho phim phổ biến.
Với số thành viên Hội đồng “hẻo” như thế, độ tuổi ở thang bậc “hưu trí” như thế, có thể thấy thẩm định phim trong thời 4.0 là bất cập, bởi sự phát triển của điện ảnh thế giới (chưa nói tới Việt Nam) là không giới hạn. Thẩm định với một liều lượng dày đặc và dồn dập lại với thành viên tuổi cao, việc bảo đảm không “lọt lưới” xem ra cũng bất khả thi. Tuy nhiên, với những nội dung, hình ảnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chủ quyền, an ninh quốc gia, thì không thể để lọt dù chỉ một lần. Vậy mà, như đã nói ở trên, đã có tới 2 lần các nhà thẩm định phim để lọt những hình ảnh, nội dung như thế. Chỉ đến khi dư luận lên tiếng, nhà phát hành phim mới vội vàng rút phim ra khỏi rạp, và các nhà quản lý mới vào cuộc kiểm tra tìm nguyên nhân để lộ ra sai sót.
Trong khi đó, theo PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, cho rằng: “Phim chiếu rạp Việt Nam mà lại có đường lưỡi bò là không thể chấp nhận được. Cho dù thoáng qua vài giây cũng không được, vì đó là vi phạm chủ quyền. Đi du lịch mặc áo đường lưỡi bò vào Việt Nam còn phải thay áo, đừng nói đến phim chiếu cho công chúng Việt Nam xem”. Ấy vậy mà, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, một thành viên của Hội đồng thẩm định phim quốc gia, lại hồn nhiên phát biểu rằng: Có mấy giây thôi, mọi người cứ làm quá lên. Câu nói tcủa bà Nguyễn Thị Hồng Ngát càng khiến dư luận bức xúc hơn, khi bà không chỉ là một lãnh đạo ở một cơ quan có nhiệm vụ “gác cổng” về điện ảnh, mà còn là một nhà biên kịch, một nhà thơ có tên tuổi. Không ai nghĩ với một người như thế mà lại có thể phát biểu một cách quá “hồn nhiên”, vô trách nhiệm về một vụ việc liên quan đến chủ quyền của đất nước.
Cục trưởng Nguyễn Thu Hà đã phát biểu: “Chúng tôi thẳng thắn nhận trách nhiệm. Về phía hội đồng cũng đã làm việc trách nhiệm, và cũng khó trách. Chúng tôi sẽ nhắc nhau cảnh giác hết sức, để công việc của hội đồng được thận trọng hơn. Nhưng người nhận trách nhiệm sẽ là tôi, chứ không thể bắt chủ tịch hội đồng nhận trách nhiệm được. Thường thì Cục trưởng Cục Điện ảnh không có trách nhiệm xem toàn bộ phim cần duyệt. Nhưng tôi sẵn sàng nhận trách nhiệm của đơn vị quản lý nhà nước”.
Rất hoan nghênh tinh thần của Cục Điện ảnh, điều đó cho thấy phía Cục Điện ảnh đã không né tránh trách nhiệm như lần Điệp vụ Biển Đỏ. Cách đây hai năm, kết luận cuối cùng từ cơ quan chủ quản Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là tác phẩm quân sự không liên quan tới vấn đề biển đảo trong sự chưng hửng của công chúng.
Hy vọng, Bộ này sẽ xử lý thực sự nghiêm túc sự cố phim Everest – người tuyết bé nhỏ. Bởi có như vậy mới khiến cho các thành viên của Hội đồng thẩm định phim quốc gia phải làm việc thật sự nghiêm túc, nâng cao trách nhiệm khi thẩm định phim, nhất là với những bộ phim có thể sẽ được người ta cố tình cài cắm trong ấy những nội dung, hình ảnh vi phạm chủ quyền đất nước Việt Nam để “lọt lưới” vi phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia thêm lần nào nữa.
Diệu Hương