+
Aa
-
like
comment

Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư

Tùng Lâm - 24/09/2021 11:03

Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (PPP), với tổng mức đầu tư 19.616 tỉ đồng vừa được Thủ tướng ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng. 

Mục tiêu dự án là đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm tải và đảm bảo an toàn giao thông trên quốc lộ 51; hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ các tuyến đường bộ cao tốc có năng lực lớn, an toàn giao thông và tốc độ cao trên hành lang vận tải TP.HCM – Vũng Tàu, phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép – Thị Vải, sân bay quốc tế Long Thành, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung.

Thi công các dự án đường cao tốc.

Dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu có chiều dài khoảng 53,7km. Trong đó: điểm đầu tại kết nối với tuyến tránh quốc lộ 1 qua thành phố Biên Hòa; điểm cuối tại km53+700 giao với quốc lộ 56 thuộc thành phố Bà Rịa.

Đường cao tốc này được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/h.

Giai đoạn 1 đầu tư với quy mô mặt cắt ngang từ 4 làn xe đến 6 làn xe theo từng đoạn tuyến: đoạn từ điểm đầu dự án đến nút giao Long Thành (giao với đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây) 4 làn xe; đoạn từ nút giao Long Thành đến nút giao Tân Hiệp (giao với đường cao tốc Bến Lức – Long Thành) 6 làn xe; đoạn từ nút giao Tân Hiệp đến điểm cuối dự án 4 làn xe.

Dự kiến dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu thực hiện theo hình thức đối tác công – tư (PPP), loại hợp đồng BOT. Thời gian chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án từ năm 2021 đến năm 2026.

Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu - Ảnh 1.
Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu có hướng tuyến cắt ngang đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây và đường cao tốc Bến Lức – Long Thành – Đồ họa: TTO

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án 19.616 tỉ đồng gồm phần vốn của nhà đầu tư khoảng 12.987 tỉ đồng, phần vốn nhà nước tham gia trong dự án khoảng 6.629 tỉ đồng cho bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư.

Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải là cơ quan có thẩm quyền với dự án đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.

Bộ này có nhiệm vụ thực hiện đăng tải thông báo mời khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư đối với dự án; chủ trì, phối hợp với các cơ quan tổ chức lập báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án, triển khai thủ tục thẩm định, phê duyệt dự án; tổ chức triển khai thực hiện dự án theo đúng quy hoạch được duyệt và các quy định pháp luật có liên quan.

Kiến nghị Chính phủ thông qua dự án làm tiếp 729km đường cao tốc Bắc – Nam

Hội đồng thẩm định nhà nước kiến nghị Chính phủ xem xét, thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu đầu tư tiếp 729km đường cao tốc.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng – chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước – cho biết: theo kết quả biểu quyết bằng văn bản, có 12 trong số 14 thành viên hội đồng (đạt trên 2/3 số thành viên) đồng ý thông qua báo cáo kết quả thẩm định nghiên cứu tiền khả thi dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Để kịp tiến độ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 trong kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sắp tới, Hội đồng thẩm định nhà nước thống nhất kiến nghị Chính phủ:

Xem xét, thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải. Giao Bộ Giao thông vận tải tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định và ý kiến của các thành viên Chính phủ hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu - Ảnh 2.
Thi công cấp phối đá dăm đoạn cao tốc Cam Lộ – La Sơn thuộc dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020

Trước đó, ngày 29-7, Bộ Giao thông vận tải đã trình Thủ tướng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Dự án được đề xuất thực hiện tại 12 tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Đinh, Phú Yên, Khánh Hòa; Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.

Dự án gồm 12 dự án thành phần dài 729km. Trong đó 9 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) loại hợp đồng BOT với chiều dài 552km, gồm các đoạn Bãi Vọt – Vũng Áng (Hà Tĩnh) dài 90km, Quảng Ngãi – Nha Trang (353 m) và Cần Thơ – Cà Mau (109km).

Với 3 dự án thành phần đoạn Vũng Áng – Bùng, Bùng – Vạn Ninh vả Vạn Ninh – Cam Lộ (dài 177km) qua Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, giai đoạn 2021-2025 thực hiện đầu tư công về giải phóng mặt bằng, tái định cư và chuyển tiếp đầu tư trong giai đoạn 2026-2030.

Các đoạn Bãi Vọt – Cam Lộ, Quảng Ngãi – Nha Trang được giải phóng mặt bằng theo quy mô 6 làn xe cao tốc, đoạn Cần Thơ – Cà Mau 4 làn xe cao tốc.

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự kiến là 124.619 tỉ đồng (kể cả lãi vay trong thời gian xây dựng), bao gồm: vốn ngân sách nhà nước 61.628 tỉ đồng, vốn BOT 62.991 tỉ đồng.

Theo Hội đồng thẩm định, Quốc hội đã chấp thuận chủ trương đầu tư 11 dự án thành phần đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 với chiều dài 654km, dự kiến hoàn thành vào năm 2023.

Do đó, việc tiếp tục đầu tư 12 đoạn tuyến với 729km còn lại của tuyến đường cao tốc Bắc -Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau trong giai đoạn 2021- 2025 nhằm khắc phục những hạn chế của các tuyến quốc lộ (đặc biệt quốc lộ 1), nâng cao năng lực vận tải trên tuyến Bắc – Nam là rất cần thiết.

Tùng Lâm

Bài mới
Đọc nhiều