Đường băng sân bay Nội Bài toang hoác, trồi bùn, không được sửa: Trách nhiệm thuộc về ai?
Theo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), việc sửa chữa, nâng cấp đường cất/hạ cánh, đường lăn của sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất xuống cấp thuộc Bộ GTVT.
Theo phản ánh của báo chí, việc hạ tầng khu bay, đường cất/hạ cánh, đường lăn của sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đều xuống cấp nghiêm trọng nhưng dù Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) có tiền song không thể ứng ra do vướng cơ chế đang nhận được sự quan tâm của dư luận.
Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với PV vào sáng 20/8, một lãnh đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cho biết, việc đường cất/hạ cánh, đường lăn của sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất xuất hiện các vết nứt, xuống cấp đã có từ lâu.
Tuy nhiên, do vướng mắc về cơ chế nên Tổng Công ty ACV không thể thực hiện việc nâng cấp sửa chữa được.
Theo vị này, hiện nay, ACV đã báo cáo về tình trạng trên với Bộ Giao thông vận tải và đang chờ hướng chỉ đạo giải quyết.
“Căn cứ quy định hiện nay, đường cất/hạ cánh, đường lăn của sân bay đều là tài sản của Nhà nước nên chúng tôi chỉ quản lý, khai thác khu nhà ga Cảng hàng không của Nội Bài, Tân Sơn Nhất.
Việc sửa chữa, nâng cấp đường cất/hạ cánh, đường lăn sân bay đều do Bộ GTVT quyết định, thực hiện”, vị này nêu rõ.
Đường băng sân bay Nội Bài toang hoác, trồi bùn: Có tiền không được sửa?
Báo cáo của ACV cho thấy, hiện tại, bề mặt đường cất hạ cánh 1A đã xuất hiện hiện tượng hằn vệt bánh tàu bay theo vệt càng.
Hai vệt bánh tàu bay mỗi vệt hằn rộng 1m, trên đường cất hạ cánh này còn có hiện tượng nứt dọc tim kiểu rạn chân chim…
Đường cất hạ cánh 1B thường xuyên xuất hiện hư hỏng như nứt vỡ, phùi bùn. Một số tấm bê tông xi măng có hiện tượng bị lún, cá biệt có những vị trí độ lệch giữa khe 2 tấm bê tông xi măng lên tới 3cm.
Những lý do dẫn tới hiện tượng trên được ACV nêu, khu vực đường lăn có kết cấu bê tông nhựa, trên bề mặt các đường lăn nối đoạn tiếp giáp đường cất hạ cánh 11L/29R cũng đã xuất hiện vệt hằn theo vệt càng sau tàu bay.
Tháng 8/2018 đã sửa chữa những khu vực bị xuống cấp, nhưng vẫn tiếp tục bị hư hỏng trở lại do nền yếu và phùi bùn lên trên bề mặt. Cùng đó, khu vực đường lăn có kết cấu bê tông xi măng thì thường xuyên bị nứt vỡ.
Còn theo Cảng hàng không quốc tế Nội Bài thông tin, hai đường cất, hạ cánh (11L/29R và 11R/29L) thuộc sân bay Nội Bài đang hư hỏng nặng.
Theo đại diện Cảng, trung bình hiện nay, mỗi giờ có 42 chuyến bay cất/hạ cánh tại Nội Bài, vượt 5 chuyến/giờ so với năng lực khai thác.
Hạ tầng khu bay ngày càng xuống cấp, mức độ hư hỏng cũng như mật độ và phạm vi hư hỏng ngày càng tăng.
Theo đại diện Cảng, với tình trạng hư hỏng nêu trên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho hoạt động bay, thậm chí đường băng đối mặt với nguy cơ phải dừng khai thác bất cứ lúc nào.
Trước đó, từ năm 2018, Bộ Giao thông vận tải từng có văn bản gửi Bộ Tài chính về kiến nghị bảo trì, sửa chữa tài sản kết cấu hạ tầng hàng không đường băng 1B của sân bay Nội Bài và đường băng 07L/25R của sân bay Tân Sơn Nhất.
Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản đề nghị Thủ tướng xem xét bổ sung danh mục và bố trí kế hoạch vốn trung hạn 2016-2020 từ nguồn dự phòng của Chính phủ với số tiền dự kiến gần 4.500 tỷ đồng.
Bộ GTVT khi đó cũng cho rằng, trước mắt, để đảm bảo hoạt động khai thác tại cảng hàng không được liên tục, Bộ kiến nghị Bộ Tài chính cho phép Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) sử dụng nguồn thu từ hoạt động khai thác kết cấu hạ tầng khu bay để sửa chữa ngay hệ thống sân đường khu bay.
Tại cuộc họp triển khai công tác an toàn an ninh hàng không những tháng cuối năm vừa được tổ chức, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu sớm xử lý vướng mắc liên quan đến hạ tầng khu bay.
Theo Phó thủ tướng, khu bay, cụ thể là đường cất, hạ cánh tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất xuống cấp, trong khi cơ chế lại không cho phép ACV triển khai.
“Tiền có mà cơ chế không cho làm là rất vô lý. Cơ chế vô lý, phải tập trung tháo gỡ nhanh”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
theo Trí Thức Trẻ