+
Aa
-
like
comment

Dưới thời Joe Biden, thương chiến Mỹ – Trung sẽ ra sao?

09/11/2020 09:48

Chính sách đối phó với Trung Quốc của ông Biden sẽ vẫn cứng rắn như chính quyền ông Trump, song có kế hoạch và thận trọng hơn so với người tiền nhiệm.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Donald Trump liên tục cảnh báo chiến thắng của đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden cũng sẽ là chiến thắng của Trung Quốc, đồng thời khẳng định chính ông là người giúp nước Mỹ chiếm ưu thế trước Bắc Kinh. Trong khi đó, chiến dịch của ông Biden hiếm khi công bố chi tiết kế hoạch đối phó với nền kinh tế đang dần mạnh lên của Trung Quốc.

Vào trưa ngày 7/11 (giờ Mỹ), các hãng thông tấn lần lượt xướng tên ông Joe Biden là tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. Trước đó, các chuyên gia cho rằng nếu đắc cử, cựu phó tổng thống sẽ phải cân nhắc giữa việc hủy bỏ hay leo thang cuộc chiến thuế và công nghệ chống Trung Quốc.

Dưới nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Barack Obama, ông Biden – khi đó là phó tổng thống Mỹ, cũng đã có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc. Cho đến nay, tân tổng thống vẫn chưa đưa ra chính sách cụ thể với nước này, nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy ông vẫn sẽ tiếp tục giữ lập trường tương tự như tổng thống tiền nhiệm.

ong Biden doi pho Trung Quoc anh 1
Ông Biden phát biểu từ Delaware sau thông tin các trang báo tuyên bố ông là tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. Ảnh: The Star.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Biden cam kết sẽ tăng cường hợp tác với các đồng minh để đối phó Trung Quốc trong sân chơi thương mại. Nhiều chuyên gia cũng dự báo tổng thống tân cử sẽ không sớm xóa bỏ thuế nhập khẩu của người tiền nhiệm lên các mặt hàng như nhôm, thép nhập khẩu, cũng như hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc và châu Âu.

Bên cạnh đó, ưu tiên kinh tế hàng đầu đối với chính quyền ông Biden sẽ là hồi sinh nền kinh tế đang bị đại dịch tàn phá. Do đó, các thỏa thuận thương mại có khả năng xếp sau các nỗ lực kích thích và phát triển cơ sở hạ tầng.

Trong bài viết trên trang Foreign Affairs có tựa đề “Vì sao nước Mỹ phải dẫn đầu trở lại”, ông Joe Biden mô tả ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch củng cố vị thế cường quốc của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu là đầu tư vào đổi mới và tầng lớp trung lưu, đồng thời nâng cao sức mạnh đoàn kết kinh tế của các nền dân chủ trên thế giới. Qua đó góp phần chống lại các động thái cực đoan lạm dụng quyền lực kinh tế, thu hẹp bất bình đẳng xã hội.

Bên cạnh đó, ông cho rằng cách tốt nhất để đối phó với Trung Quốc trong vấn đề sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ là thành lập liên minh vững chắc với các đồng minh và đối tác, thay vì ban hành các sắc lệnh thuế quan đơn phương.

ong Biden doi pho Trung Quoc anh 2
Ông Joe Biden (thời còn là phó tổng thống Mỹ) cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm vào năm 2015. Ảnh: WSJ.

“Trung Quốc là một thách thức đặc biệt. Tôi đã có thời gian nghiên cứu và thảo luận với các nhà lãnh đạo của nước họ, và nhận thấy rõ những gì nước Mỹ phải đối mặt. Bắc Kinh thực chất đang đi đầu trong một trò chơi dài hơi bằng việc bành trướng ra toàn thế giới, mở rộng ảnh hưởng chính trị và đầu tư công nghệ. Các doanh nghiệp Mỹ sẽ bị tổn thương trên chính sân nhà, và tài sản trí tuệ của Mỹ có thể bị lấy cắp.

Riêng nước Mỹ đại diện cho khoảng một phần tư GDP toàn cầu. Khi chúng ta hợp tác cùng các nền dân chủ khác, chúng ta trở thành một liên minh với sức mạnh tăng gấp đôi. Tất nhiên Trung Quốc không thể làm ngơ với một nửa thế giới”, ông Joe Biden viết.

Cùng lúc đó, các nhà ngoại giao, chuyên gia phân tích và cựu quan chức cố vấn cho ông Biden cho rằng cựu phó tổng thống Mỹ có giọng điệu thận trọng và tập trung vào cạnh tranh chiến lược, so với thói quen đe dọa và đối đầu trực diện của ông Trump. Tuy vậy, các chính sách cụ thể với Trung Quốc trong thời gian tới còn phụ thuộc vào quyết định bổ nhiệm nội các của tân Tổng thống Biden.

Theo Financial Times, các cố vấn thân cận cho biết ông Biden sẽ tìm cách chấm dứt căng thẳng thương mại với châu Âu, đồng thời tham vấn từ các đồng minh của Mỹ để quyết định tương lai của các con số mà Mỹ đang áp lên hàng hóa Trung Quốc.

(Theo Financial Times)

Bài mới
Đọc nhiều