+
Aa
-
like
comment

‘Được tham gia phòng chống dịch Covid-19, em cả đêm không ngủ’

06/07/2021 06:39

“Em vui mừng khi nhận được thông tin trường thông báo tổ chức Đội tình nguyện tham gia phòng chống dịch Covid-19, em và các bạn đã đăng ký ngay. Đây là cơ hội để chúng em có thể góp một chút sức nhỏ của mình vào nhiệm vụ đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm”.

Sinh viên hào hứng xung kích chống dịch Covid-19

“Cả đêm không ngủ”

Nữ sinh viên Huỳnh Nguyễn Ngọc Hân, lớp Cao đẳng Kỹ thuật Xét nghiệm Y học (Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn) đã chia sẻ như thế trong buổi lễ ra quân xung kích chống dịch Covid-19, theo lời kêu gọi của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Trong bộ đồ bảo hộ kín mít, mướt mồ hôi, Hân tự hào cho biết, cả đêm qua em không ngủ vì biết hôm nay được đi xung kích chống dịch.

“Cả đêm em không ngủ vì biết nay được đi xung kích chống dịch Covid-19” - Ảnh 1.
Các sinh viên tình nguyện xung kích chống dịch được tặng hoa động viên. Ảnh: Q.H

“Có thể có một chút lo lắng và hồi hộp, nhưng em vui mừng vì có thể cùng chung tay với lực lượng tuyến đầu, góp một chút sức nhỏ để đẩy lùi dịch bệnh…”, Hân nói.

Tâm trạng của Ngọc Hân cũng là tâm trạng của gần 50 sinh viên cùng trường trong đợt xung kích này. Trong đợt ra quân trước đó vào ngày 21/6, 25 sinh viên của trường được chia thành các nhóm tham gia công tác hỗ trợ tại các điểm ở khu vực Quận 12, Quận Bình Tân, TP.Thủ Đức, Huyện Hóc Môn, BV Ung Bướu Cơ sở 2,… thực hiện công việc lấy mẫu xét nghiệm, sắp xếp mẫu xét nghiệm, nhập dữ liệu xét nghiệm, hỗ trợ công tác tiêm vắc-xin Covid-19 và các công tác hậu cần khác.

TS Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, xúc động: “Ở cương vị lãnh đạo nhà trường, chúng tôi lo lắng khi cử các em đến những tuyến đầu bởi nguy cơ lây nhiễm của chủng virus SARS-CoV-2 đợt này rất cao. Nhưng, đây không chỉ là sự hy sinh của các em, mà đó còn là trách nhiệm của những chiến sĩ áo trắng tương lai. Vì vậy, các thầy cô chỉ biết chúc các em may mắn, giữ gìn sức khỏe”.

Những ngày qua, khi làn sóng dịch bệnh thứ 4 dịch diễn ra phức tạp ở TP.HCM thì sinh viên khối ngành sức khỏe của nhiều trường ĐH như Y dược TP.HCM, Y khoa Phạm Ngọc Thạch, khoa Y (ĐHQG TP.HCM), trường ĐH Nguyễn Tất Thành… đều đã có mặt trên khắp các địa bàn có dịch.

Tình hình dịch bệnh TP.HCM khẩn cấp, dù 30 ngày qua Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch đã có hơn 1.000 sinh viên tham gia chống dịch nhưng PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạc vẫn có thư kêu gọi sinh viên trường mình tham gia các hoạt động của đội sinh viên chống dịch Covid-19.

“Đó là trách nhiệm của trường y, cũng là trách nhiệm của các thầy thuốc tương lai”, thầy Hiệp viết ngắn gọn.

Hàng nghìn sinh viên Đại học Y Dược TP.HCM cũng đã tình nguyện tham gia phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ tại hầu hết các điểm sàng lọc, cách ly, phong tỏa và tiêm vaccine trên địa bàn thành phố.

Thạc sĩ Trương Văn Đạt, Trưởng phòng Công tác sinh viên – Bí thư Đoàn Trường Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, ngay trong ngày đầu tiên Đoàn trường phát động, đã có hơn 500 sinh viên năm cuối của tất cả các khoa đăng ký tham gia chống dịch. Đến nay, toàn trường có hơn 1.000 sinh viên được điều động đến các “điểm nóng” về dịch Covid-19 để tham gia hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch…

Hàng nghìn sinh viên y khoa lan tỏa khắp các mặt trận

“Cả đêm em không ngủ vì biết nay được đi xung kích chống dịch Covid-19” - Ảnh 3.

Sinh viên hỗ trợ người dân lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh: Đại Việt Sài Gòn

Theo ông Ngô Minh Hải – Phó Bí thư thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM, hiện nay trung bình 1 ngày Thành đoàn đưa khoảng 6.000 tình nguyện viên đến các điểm lấy mẫu, các chốt cách ly, phong tỏa… Trong đó có đông đảo sinh viên của ngành y TP.HCM. Đó là số lượng nhân lực rất lớn đang hỗ trợ các hoạt động chống dịch ở TP, từ lực lượng sinh viên y khoa tham gia lấy mẫu, nhập liệu, đến đội xe bán tải chuyên chở vật dụng đồ ăn, chuyên chở y bác sĩ đến khu lấy mẫu, lực lượng tài xế chạy xe cấp cứu, đội hình nấu ăn, ATM gạo, tủ lạnh cộng đồng, phiên chợ 0 đồng…, tất cả đều có mặt của họ.

“Sự chủ động, tích cực của các lực lượng tình nguyện tại chỗ tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch dù được thể hiện công khai hay thầm lặng đều hướng đến mục tiêu lớn nhất là TP.HCM sớm kiểm soát được dịch bệnh, đưa cuộc sống người dân trở về bình thường”, ông Hải đánh giá.

TP.HCM đang bước vào đợt cao điểm kiểm soát dịch Covid-19 đến ngày 10/7, một trong những giải pháp trọng tâm là lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng toàn TP với mục tiêu 1 triệu mẫu/ngày. Trước mắt, TP.Thủ Đức và một số quận, huyện có nguy cơ cao sẽ được lấy mẫu toàn dân. Để công tác xét nghiệm tầm soát tìm F0 “lang thang” đạt hiệu quả cao, rất cần thêm sự có mặt của những “chiến sĩ” sinh viên tình nguyện như thế…

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, toàn thành phố đã thành lập 1.000 đội lấy mẫu gồm 3.000 nhân viên y tế và 6.000 sinh viên y khoa tình nguyện, trong đó 600 đội phân về các quận, huyện, 400 đội còn lại sẵn sàng điều phối ở các ổ dịch mới phát sinh.

Ngoài ra, Thành phố cũng huy động thêm 4.000 thanh niên tình nguyện đã được tiêm vaccine để hỗ trợ việc nhập liệu thông tin các trường hợp xét nghiệm, các chuỗi lây nhiễm tại địa phương…

Quốc Hải

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều