+
Aa
-
like
comment

Được hỗ trợ kinh phí thuê nhà, người lao động sẽ bớt gánh nặng

07/01/2022 15:41

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị tăng gói kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động, áp dụng với cả khu vực chính thức và phi chính thức.

Trong phiên thảo luận của Quốc hội về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, sáng 7/1, bà Nguyễn Thị Thủy – Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, cho rằng một trong những vấn đề quan trọng nhất hiện nay là khôi phục thị trường lao động.

Theo bà, dự thảo chính sách tài khoá thiết kế bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 khoảng 6.600 tỷ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động và chỉ dành cho khu vực chính thức là “chưa phù hợp”.

Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Bà Nguyễn Thị Thủy nêu số liệu, trong quý 3 vừa qua, cả nước có tới 28 triệu người lao động hứng chịu hệ quả tiêu cực của đại dịch, trong đó 4,7 triệu người mất việc làm, hơn 14 triệu người tạm dừng sản xuất kinh doanh; hơn 10 triệu người phải giãn, giảm giờ làm việc. Biến thể Delta đã “cuốn đi” khoảng 1/4 mức lương tháng của người lao động ở vùng Đông Nam Bộ.

Nữ đại biểu cho rằng, lực lượng lao động ngoài khối công chức đang đối mặt với những khó khăn về việc làm, đồng lương của họ vốn đã không dư giả, nay vì dịch bệnh càng teo tóp hơn.

Kết quả khảo sát của Ban nghiên cứu phát triển doanh nghiệp tư nhân với 43.000 lao động bị mất việc cho thấy, gần 50% trong số này có nguồn tích lũy chỉ đủ để duy trì cuộc sống trong một tháng, 37% chỉ đủ duy trì cuộc sống trong 3 tháng, chỉ hơn 4% đủ duy trì cuộc sống trên 4 tháng. Cho đến nay, một lượng lớn lao động đã về quê nhưng chưa có nhu cầu quay trở lại vì còn e dè với dịch bệnh, hoặc mệt mỏi sau thời gian dài giãn cách. Nhiều người chọn phương án lập nghiệp tại quê nhà, không ít lao động có tâm lý chờ qua Tết mới đi làm.

Thực tế trên dẫn đến nghịch lý về cung cầu lao động. Đó là nơi cần lao động thì không có, còn nơi có lao động lại rất khó tìm việc làm.

Theo bà Thủy, do mất việc, nhiều lao động ở khu vực chính thức có xu hướng chuyển dịch sang tìm việc ở khu vực phi chính thức. Điều này dẫn tới số lao động tự do tăng cao nhất trong vòng ba năm trở lại đây, chiếm tới 57% tổng số lao động có việc làm. Điều này đồng nghĩa với việc một lượng lớn lao động đang có việc làm nhưng không ổn định, thiếu tính bền vững. Trong khi đó, các chính sách an sinh, bảo hiểm, chế độ ốm đau, thai sản với khu vực phi chính thức rất hạn chế. Đây là vấn đề cần quan tâm khi thiết kế các gói hỗ trợ từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Ngoài ra, nữ đại biểu cũng đề nghị dành kinh phí thoả đáng hỗ trợ xây nhà ở cho công nhân; hỗ trợ tiền xét nghiệm, đi lại và tư vấn việc làm cho người lao động quay trở lại làm việc.

Đại biểu Tô Văn Tám. Ảnh: Media Quốc hội
Đại biểu Tô Văn Tám. Ảnh: Media Quốc hội

Chung ý kiến, đại biểu Tô Văn Tám (Thường trực Ủy ban Pháp luật) đề nghị chính sách tài khóa, tiền tệ của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế cần tính toán thêm gói hỗ trợ đối với lao động khu vực phi chính thức.

Ông Tám cho rằng, đây là lực lượng thu nhập thấp, ít có cơ hội tiếp cận với các chương trình phát triển kỹ năng nghề, nhưng lại chiếm phần lớn trong lực lượng lao động quốc gia và dễ bị tổn thương trước các tác động. “Trong đại dịch Covid-19, họ là những người bị tác động đầu tiên và nặng nề nhất. Do đó cần có cơ chế hỗ trợ lao động khu vực này để đảm bảo công bằng xã hội và hạn chế các tiêu cực”, ông Tám nói.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương – Phó hiệu trưởng Đại học Cần Thơ, đánh giá gói an sinh xã hội, lao động, việc làm có ý nghĩa quan trọng. Trong gói này, ông đồng ý tiếp tục chi đầu tư cho 21 trường cao đẳng nghề chất lượng cao của các Bộ và 14 trường ở địa phương.

Ông Phương đề nghị Bộ Lao động Thương binh Xã hội ưu tiên đầu tư cho các trường ở đồng bằng sông Cửu Long, như Cao đẳng Long An, Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi phục vụ nông nghiệp; hoặc đầu tư cho một trường cao đẳng chất lượng cao của Bộ tại vùng.

Đại biểu của tỉnh Cần Thơ nói, hiện tỷ lệ lao động qua đào tạo khu vực đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạt 14 đến 15%, trong khi tỷ lệ di cư lao động tăng so với tỷ lệ tăng dân số tự nhiên (khoảng 1,1 triệu người giai đoạn 2009-2019). Vì vậy, đào tạo nghề ở đồng bằng sông Cửu Long không chỉ phục vụ trong vùng mà còn các khu vực lân cận.

Quốc hội dành trọn ngày hôm nay để thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, và dự kiến biểu quyết thông qua vào chiều 11/1.

Ngọc Anh

Bài mới
Đọc nhiều