+
Aa
-
like
comment

Đừng xúc phạm người nghèo đến cây ATM nhận Gạo 

Thái Thanh - 20/04/2020 19:26

Hình ảnh một bạn trẻ mang áo đen đến xếp hàng để được chờ được lấy 1,5 kg gạo, nhưng khi tới lượt mình thì đã bị một người phụ nữ hỗ trợ tại cây ATM Gạo phát loa, đuổi ra khỏi khu vực phát gạo với lời giễu cợt cay đắng. Nhìn hình ảnh người bạn trẻ ấy ngậm ngùi trả túi nilon và ra về, biết bao người xót xa.

Ấm áp nghĩa tình cây “ATM gạo” tại Việt Nam- Thương hiệu có mặt đầu tiên trên thế giới

Clip lan tỏa, nhiều người “truy tìm” em để hỗ trợ, thì biết bạn trẻ ấy tên là Hà, quê ở An Giang, nhà có 4 chị em gái, và chỉ có mình bạn đi làm, từ Tết giờ công ty cho nghỉ, bạn cũng đi phụ hồ, nhưng kéo cát lên sàn không nổi, nên chủ không cho làm, phòng trọ ở chung 5 người, hết gạo, hết tiền. Anh hàng xóm thấy vậy chở đi xin gạo ở máy ATM Gạo và sau đó thì chuyện này xảy ra. Tối hôm đó má của Hà ở dưới quê gọi lên la bạn; bạn lại khóc, sợ sau này đi xin việc người ta không nhận.

Có lẽ người phát loa có lý do của mình nên mới hô to, đuổi bạn đi, có thể là chiếc quần sọc bạn mặc lành lặn, mà có sự phân biệt. Nếu chỉ nhìn bề ngoài đã “bắt hình dong” thì có lẽ người đối diện chưa thật sự thấu cảm, và tình thương chân thật chưa đủ lớn. Bởi, trong lúc những tiếng nói chua chát phát ra, thì người ta cũng “đánh mất” đi cái thiện tâm vốn dĩ rất quý giá của tình người. Mong mọi người nhìn nhận lại sự việc khi lên án một ai đó mà chưa hiểu rõ ngọn nghành, nhiều khi trông vậy mà không phải vậy!

Người sáng lập ra cây ATM Gạo mục đích là để chia sẻ với người khó khăn, người đang cần sự giúp đỡ. Chính vì ý nghĩa nhân văn đó mà biết bao ngày qua hình ảnh cây ATM Gạo của Việt Nam được lan truyền khắp thế giới, được nhiều bạn bè quốc tế biết đến, ngợi khen. Những ngày sắp tới, cây ATM Gạo tại Việt Nam sẽ tiếp tục tiếp sức cho người khó khăn, mong rằng ai đến nhận gạo cũng được nhận kèm theo đó là tấm lòng bao dung, ấm áp, dìu nhau bước qua những ngày tháng chống dịch bệnh khó khăn này.

Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta nhìn hay nghe thấy một câu chuyện, một sự việc, hiện tượng không đầy đủ có khi mình sẽ ngộ nhận, tưởng đâu đó đã là một-bức-tranh-đầy-đủ rồi vội vàng đánh giá, nhận xét, thậm chí lên án các kiểu.

Mà nào phải chỉ mình ta, ngay cả vị thầy lỗi lạc như Khổng Tử còn có khi nhầm. Đó là một bài học sâu sắc cho cả thầy và trò: trong một lần Khổng Tử thấy học trò mình bốc cơm ăn ngay trong nồi, bữa đó, trước khi ăn – ông quở đồ đệ sao ăn vụng trước thầy cùng huynh đệ. Người học trò nghe xong, nói rằng, “con xin thầy thứ lỗi, con không ăn vụng mà là trong lúc nấu, vô tình tro bếp bay vô góc nồi, con lấy cơm có dính tro ấy ăn vì không muốn thấy và huynh đệ bị ảnh hưởng”.

Bấy giờ, Khổng Tử mới than: “Đúng là ta trách oan trò, vì sự vội vàng nhận định của mình – bằng mắt thấy tai nghe”. Rồi Khổng Tử dạy, có những việc mắt thấy tai nghe chưa hẳn đã đúng, đừng vội phán xét mà oan cho người. Giai thoại ấy thật đáng gẫm!

Thái Thanh 

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều