Đừng vì một hành động lơ là của một cá nhân mà khiến đất nước phải trả giá đắt
Từ ngày 15/7 dịch Covid-19 đã trở lại Việt Nam. Sau 99 ngày không có ca lây nhiễm cộng đồng là một sự thành công mỹ mãn nhờ sự đồng lòng từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Thế nhưng rồi dịch Covid bất ngờ trở lại với tốc độ lây lan nhanh hơn, khốc liệt hơn biến Đà Nẵng thành ổ dịch mới ở Việt Nam.
Chỉ có 17 ngày tính ngày 25/7 đến 12/8/2020 mà số người nhiễm ở Việt Nam đã chạm mốc 866 người nhiễm bệnh và 17 người tử vong. Toàn thành phố Đà Nẵng và một số nơi ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và một số địa phương khác đã phải thực hiện cách ly xã hội.
Trong tình hình diễn biến dịch căng thẳng như hiện nay thì bất kì sự chủ quan lơ là nào dù chỉ là của một vài cá nhân cũng sẽ khiến đất nước sẽ phải trả giá rất đắt bởi diễn biến dịch lần này diễn ra rất nhanh và hết sức phức tạp. Đặc biệt là trong đợt này hàng trăm ngàn người dân sau khi du lịch từ Đà Nẵng trở về các địa phương sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây lan rất cao. Các địa phương như Hà Nội và TP HCM nơi có rất hiều người di du lịch Đà Nẵng trở về. Bước vào giai đoạn 2 của đợt chống dịch mặc dù Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch, ngành y tế, Bộ TTTT đã liên tục có những khuyến cáo người dân các biện pháp phòng dịch và các biện pháp cảnh báo và phòng chống lây lan, như đề nghị người dân cài đặt chương trình Bluezone để hỗ trợ phát hiện tình trạng tiếp xúc với nguồn lây bệnh, nhưng vẫn rất có nhiều người chủ quan coi nhẹ khả năng lây bệnh.
Sau một thời gian dài không có các ca lây nhiễm trong cộng đồng, ở các thành phố lớn như Hà Nội đã có những chủ quán, những người dân vẫn có những thái độ chủ quan lơ là, coi nhẹ khả năng lây truyền mà không tuân thủ các quy định về chống dịch. Mặc dù UBND thành phố đã có những khuyến cáo thực hiện giãn cách nhưng các quán cà phê sáng ở xung quanh khu Timescity, các quán bia hơi ở ngõ 61 Lạc Trung và nhiều con phố khác trên khắp các ngõ ngách của Hà Nội vẫn đông nghịt người tập trung tụ tập, trò chuyện như chưa hề có dịch. Phần lớn khách đến các quán này đều không đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách theo quy định. Ở những nơi công cộng tại Hà Nội và TP HCM mặc dù UBND các thành phố này đã khuyến cáo sẽ xử phạt những người không đeo khẩu trang nhưng vẫn có rất nhiều người không những không đeo khảu trang mà còn rất thiếu ý thức trong vẫn đề giữ gìn vệ sinh chung, không giữ khoảng cách tối thiểu khi mua bán hay di chuyển trên đường phố, ở những nơi mua sắm, những công viên, nơi vui chơi, giải trí.
Đặc biệt có nhiều công dân Việt Nam lợi dụng những lỗ hổng trong các đường mòn lối mở dọc các tuyến biên giới, hám lợi nhuận nên chỉ vì vài trăm ngàn đồng sẵn sàng đưa đón chỉ dẫn cho những người ngoại quốc nhập cư trái phép vào Việt Nam. Nhiều người vì lợi nhuận trước mắt dùng ô tô chuyên chở những người nhập cư trái phép luồn sâu vào lãnh thổ Việt Nam. Đây được xem là hiểm họa, là nguồn lây bệnh không thể kiểm soát nổi. Điều đặc biệt là có nhiều chủ khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ ở các địa phương như Quảng Ninh, Bắc Ninh, Đà Nẵng, TP HCM v.v…vẫn chứa chấp những trường hợp người ngoại quốc đến cư trú bất hợp pháp mà không đã không trình báo chính quyền. Đây được xác định là nguồn lây rất lớn có nguy cơ cao trong cộng đồng. Một nguy cơ không thể không kể đến là những đối tượng nhập cảnh trái phép không bị phát hiện có lịch trình đi lại tự do và phức tạp trên khắp lãnh thổ Việt Nam.
Để sớm ngăn chặn những hiện tượng chủ quan, lơ là trước hết chính quyền địa phương, các cấp phải luôn nêu cao tinh thần chống dịch như chống giặc, tuyên truyền và vận động nhân dân thực hiện tốt các quy định của Chính phủ, của ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19. Khi phát hiện những người có nghi vấn cần báo ngay cho nhà chức trách nhằm sớm phát hiện những trường hợp nhập cư trái phép để đưa đi cách ly, hoặc trả về nơi cư trú. Kêu gọi người dân không tổ chức tụ tập đông người, tổ chức đám hiếu hỉ theo quy định của chính quyền, .
Hiện nay trong xã hội chúng ta còn đang tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm rất cao từ nhiều nguồn khác nhau: Nguồn lây từ bên ngoài, nguồn lây tiềm ẩn trong cộng đồng, nguồn tái phát từ những người đã khỏi bệnh. Vì vậy khi không lây nhiễm không có nghĩa là trong xã hội đã hết khả năng lây bệnh. Nên chúng ta phải hết sức nâng cao cảnh giác, mỗi nhà dân, mỗi thôn bản hãy là một pháo đài, mỗi người dân hãy là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch. Hãy tạo thói quen thường xuyên rửa tay xà phòng, giữ gìn vệ sinh thân thể, vệ sinh chung ở những nơi công cộng, tránh tụ tập đông người. Đặc biệt là thường xuyên cập nhật tình hình dịch tễ, qua báo đài, các phương tiện thông tin đại chúng khác để không có thái độ lơ là, chủ quan dẫn đến mất cảnh giác dẫn đến có những hành vi không chấp hành các quy định chung về phòng chống dịch.
Chỉ một hành động lơ là, thiếu trách nhiệm của một cá nhân cũng đủ làm cho dịch bùng phát. Khi dịch đã bừng phát thì cả xã hội lại phải vào cuộc và cuộc chiến đấu cam go không tiếng súng, tốn kém sẽ lại phải bắt đầu. Vì vậy nếu là người Việt Nam hãy thể hiện tinh thần yêu nước thông qua những hành động nhỏ nhất, khi mỗi người dân là một lá chắn, mỗi gia đình là một pháo đài thì cả dân tộc ta sẽ là một pháo đài vững chắc.
Vì vậy hãy mọi người dân không cần nói hay làm những điều to tát, chỉ cần sống có trách nhiệm với bản thân, với gia đình với đất nước đã là yêu nước, không lơ là chủ quan, bởi ở thời điểm này chỉ cần một chút lơ là chúng ta sẽ phải trả giá đắt.
Đỗ Mạnh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả