+
Aa
-
like
comment

Đừng vẽ kịch bản lãnh đạo “đúng quy trình” để nói về ông Vương Đình Huệ

Đặng Trường - 14/04/2021 21:27

Khi ông Vương Đình Huệ được bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội, một số tờ báo đã tìm hiểu xuất thân và đi sâu khai thác thông tin về thời thơ ấu của ông ấy. Từ một bài báo có tựa đề “cậu trò nghèo học giỏi Vương Đình Huệ trong ký ức thầy cô”, tài khoản FB mang tên Amy Truc Tran đã đăng đàn cho rằng đó là “kịch bản lãnh đạo đúng quy trình”. Rất nhanh chóng, hàng loạt cái tên Xuân Lý, Khải Minh, Việt Tân, Thân Hữu Việt Tân Úc Châu,… đã chia sẻ nội dung này kèm theo hình ảnh chế giễu, bỡn cợt.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Thực tế, ông Vương Đình Huệ sinh ra tại xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, đây là một trong những vùng đất nghèo khó, cũng là nơi từng diễn ra phong trào Xô Việt Nghệ Tĩnh quyết liệt đã đi vào lịch sử. Tuổi thơ ông ấy gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chính mảnh đất anh hùng này đã sản sinh ra rất nhiều người con yêu nước, tài giỏi. Khi xưa có vua An Dương Vương, Mai Hắc Đế, Quang Trung. Đến thời cận hiện đại có cụ Phan Bội Châu, Nguyễn Xí, Đặng Như Mai, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai. Đặc biệt, chúng ta không thể không nhắc đến vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, đó là Bác Hồ. Họ đều có xuất thân nghèo khó nhưng học vấn cao, mưu lược giỏi, tinh thần yêu nước, dũng cảm chiến đấu và hy sinh hết mực vì hòa bình đất nước. Ông Vương Đình Huệ thuộc lớp người kế cận, là “trò nghèo học giỏi” gần như đã trở thành truyền thống của xứ Nghệ. Khi ông ấy trở thành Chủ tịch Quốc hội, được báo chí tìm hiểu xuất thân, khai thác thông tin cũng là chuyện thường tình.

Có lẽ, một bộ phận người dân sẽ không thích chuyện báo chí, truyền thông đưa tin về lãnh đạo A, lãnh đạo B là “con nhà nghèo học giỏi”. Thậm chí, nhiều lúc chính người lãnh đạo cũng không thích kiểu đưa tin thế này. Như việc Tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Kim Sơn thường xuyên nói với học trò của mình rằng, ông ấy không phải là tiến sĩ danh dự của Harvard (như một số tờ báo đã đưa tin) mà chỉ là học giả được mời dạy và nghiên cứu ở Viện Harvard-Yenching, không thuộc Đại học Harvard. Còn chuyện báo chí đưa tin về Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là “cậu trò nghèo học giỏi” hoàn toàn không sai. Họ có quyền tự do ngôn luận, những người làm báo có quyền khai thác thông tin, phản ánh đúng sự vật, sự việc, con người. Tuy nhiên, như đã nói, những bài báo viết ra chưa hẳn đại diện cho lãnh đạo hay điều lãnh đạo muốn nói, muốn thể hiện mà đó chỉ là vấn đề, góc nhìn do một phóng viên, một biên tập hoặc một cơ quan tòa soạn nào đó muốn đưa ra cho công chúng thấy. Điều đáng lên án ở đây là một số đối tượng đã lợi dụng tít bài “cậu trò nghèo học giỏi” để công kích ông Vương Đình Huệ.

Ông Vương Đình Huệ thăm hỏi đời sống người dân xã đảo Nhơn Châu.

Có điều dù trăm kẻ muốn xuyên tạc cỡ nào thì cũng không thể nào lấp liếm đi sự thật công tác nhân sự đã được thực hiện một cách rất nghiêm túc, khắt khe, kỹ lưỡng và minh bạch từ dưới lên trên. Với đội ngũ lãnh đạo cấp chiến lược như Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước hay Thủ tướng thì càng phải tuân thủ nhiều quy định, đáp ứng trọn vẹn các tiêu chuẩn đức và tài. Bởi lẽ những người được chọn sẽ quyết định đến sự ổn định của cả bộ máy nhà nước, đường hướng phát triển của cả một đất nước, một dân tộc. Vậy thì ai dám coi nhẹ, lựa chọn, bổ nhiệm qua loa, đại khái đây?

Ông Vương Đình Huệ được bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội, là do bản thân ông ấy đáp ứng đủ tiêu chuẩn của một người cán bộ, lãnh đạo cấp chiến lược. Đó không đơn thuần chỉ là đức và tài, mà đó còn là kinh nghiệm, kỹ năng được tích lũy qua nhiều nhiều, qua nhiều vị trí công tác. Trên từng vị trí, ông đều bộc lộ rất rõ bản lĩnh, khả năng tư duy logic, đột phá, những sáng kiến có giá trị thực tiễn cao và các chính sách, phương án giải quyết vấn đề mang lại hiệu quả cao. Nhớ lại năm 2011, khi ông Vương Đình Huệ làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, kinh tế lúc đó đối mặt với không ít “sóng cả”, ngành tài chính cũng gặp muôn vàn thách thức nhưng ông Huệ cùng đồng nghiệp của mình đã nỗ lực giành được “thắng lợi kép”, vừa hoàn thành trách nhiệm thu, chi ngân sách nhà nước, vừa đảm bảo các mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế với giải pháp “giảm thuế để tăng thu”. Đồng thời, ông Vương Đình Huệ cũng rất quyết liệt trong tái cơ cấu doanh nghiệp. Năm 2012, nếu không có ông ấy họp bàn tính kế sách cùng Bộ Tài chính thì thị trường chứng khoán đã rơi xuống vực thẳm.

Ông Vương Đình Huệ trao đổi bên hành lang Quốc hội.

Khi chuyển sang vị trí Trưởng ban Kinh tế Trung ương, chỉ sau 3 năm tái lập, Ban Kinh tế Trung ương đã thực hiện 33 đề án lớn về kinh tế – xã hội, thẩm định 31 đề án, tiêu biểu như các đề án: Chủ trương giải quyết Tập đoàn Vinashin; Chủ trương đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Phương án kết thúc đàm phán các Hiệp định Thương mại tự do (FTA Việt Nam – EU; Việt Nam – Liên minh Á – Âu; Hiệp định TPP…). Biết lắng nghe những hiến kế chính là một trong những nguyên nhân khiến Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ luôn có những đề xuất mới rất thiết thực và sáng tạo trong việc xây dựng, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là về các lĩnh vực trọng tâm như đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, tài chính – ngân hàng.

Đặc biệt, cho đến khi giữ chức vụ Phó Thủ tướng, trước những thách thức mà Chính phủ gặp phải, ông Vương Đình Huệ đã nỗ lực cùng bộ máy Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp, đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nợ công. Không ai khác chính ông Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội ban hành Nghị quyết 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu – “cục máu đông” của nền kinh tế, sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng được coi là một trong những điểm sáng của công tác lập pháp khoá này. Từ đó tạo ra tăng trưởng liên tục ở mức cao (trên 7%), kinh tế phục hồi rõ nét hơn giai đoạn trước, lạm phát thấp, ổn định, đem lại niềm tin cho người dân, doanh nghiệp trong, ngoài nước trong quá trình phát triển.

Với kinh nghiệm và năng lực cứng cỏi của mình nên khi Hà Nội gặp “khủng hoảng”, ông Vương Đình Huệ đã được Bộ Chính trị tin tưởng bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy. Với phong cách nói ít, làm nhiều nhưng quyết liệt, hiệu quả, ông Huệ đã tạo ra một chuyển động mới trong bộ máy chính quyền địa phương, từ một “Hà Nội không vội được đâu” nay là “Hà Nội không vội không xong”. Chính ông đã giải xong bài toán quy hoạch, một giấc mơ kéo dài hơn 6 thập kỷ tại Hà Nội. Trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành và công tác chuẩn bị Đại hội XIII đang ở giai đoạn gấp rút nhưng dưới sự lãnh đạo của ông Vương Đình Huệ, Hà Nội đã hoàn thành tốt mọi công tác. Qua đó, càng chứng tỏ ông ấy là một nhà lãnh đạo nắm vững khoa học và có tư duy kỹ trị.

Ông Vương Đình Huệ tham quan văn phòng đại diện và chúc Tết VietjetAir.

Nay ông Vương Đình Huệ đảm nhận vị trí Chủ tịch Quốc hội, đó là điều hoàn toàn xứng đáng, nhận được sự đồng thuận của đông đảo đồng chí, đồng bào trên cả nước. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên đã nhận định rằng: “Quá trình công tác, tân Chủ tịch Quốc hội thể hiện là một chuyên gia am hiểu tài chính ngân sách, ngoài ra có kinh nghiệm hoạt động nghị trường, trả lời chất vấn, xây dựng pháp luật”. Chính vì vậy, ĐBQH Lê Thanh Vân cũng bày tỏ kỳ vọng: “Ông Vương Đình Huệ có lợi thế của một nhà sư phạm, nhà kinh tế và nhà chính trị từng đứng đầu Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội sẽ tạo chuyển biến phong thái làm việc của Quốc hội khóa mới”

Không chỉ đại biểu trong nước mà các chuyên gia nước ngoài cũng đánh giá rất cao năng lực của lãnh đạo Việt Nam. Thậm chí, các hãng thông tấn có uy tín như Nhân chứng và sự kiện, Độc Lập, TASS, Infox, Bigasia,… cũng thường xuyên đăng tải các tin, bài bình luận của giới học giả, chuyên gia Nga về thành công trong công tác nhân sự cấp cao của Việt Nam. Có lẽ cũng chính vì “ghen ăn ăn tức ở”, không chấp nhận việc lãnh đạo Việt Nam được khen ngợi và cũng không tìm được lý do nào để chống phá, xuyên tạc nên những kẻ như Amy Trúc Trần mới đi đào bới, soi mói từng tít báo để xuyên tạc sự thành công của Đại hội Đảng và của phiên họp Quốc hội bầu cử lãnh đạo cấp chiến lược, tạo nghi ngờ cho người dân về một cuộc bầu cử hình thức, không trong sáng.

Tuy nhiên, Giáo sư Vladimir Kolotov thuộc trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg đã khẳng định một cách rất đúng đắn rằng: “Cách bố trí nhân sự cấp cao hiện nay ở Việt Nam là tối ưu và hài hòa, một mặt vừa cho phép hiện đại hóa hệ thống chính trị, tạo tiền đề tiếp tục đổi mới và đưa đất nước tiến lên phía trước, mặt khác vẫn giữ được sự ổn định, giữ lại được những lãnh đạo đã có uy tín rộng rãi và giàu kinh nghiệm trong công tác điều hành nhà nước”. Ổn định và phát triển chính mục tiêu quan trọng nhất của mỗi quốc gia. Bầu chọn lãnh đạo cũng hướng đến mục tiêu này, vì vậy nhân dân ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, những người làm lãnh đạo trụ cột của đất nước chắc chắn là những người thực sự có đức, có tài để chèo lái cả một quốc gia, một dân tộc đi lên.

Đặng Trường 

Bài mới
Đọc nhiều