+
Aa
-
like
comment

Đừng tự tạm giam với “ông hỏa”

Công Luân - 22/05/2023 14:33

Chỉ trong vòng hai tuần những vụ tai nạn thương tâm do hỏa hoạn ở Hà Nội đã gióng lên hồi chuông báo động về “chuồng cọp”. Thứ vốn được xem là một biện pháp rất hữu chống trộm nhưng cũng là nguyên nhân khiến rất nhiều người tử vong. Mà nỗi đau mới nhất là từ vụ cháy khiến 4 bà cháu tử vong ở Hà Đông, Hà Nội.

Những căn nhà lắp “chuồng cọp” gây khó khăn cho lực lượng cứu hộ

“Chuồng cọp” là từ lóng để chỉ những ngôi nhà có gắn lồng sắt bao quanh ban công. Nhiều năm qua, chuyện làm “chuồng cọp”, “lồng chim” đã trở thành một kiểu cơi nới phổ biến ở hầu hết các khu đô thị lớn. Nhiều gia đình khi mở rộng diện tích, lo ngại bị trộm đột nhập nên đã thiết kế không gian cơi nới thành những chiếc lồng sắt bịt kín theo kiểu “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Để rồi khi “bà hỏa viếng thăm” thì cảnh sát chữa cháy không thể tiếp cận còn gia chủ thì… khó có thể thoát. Tâm lý “rào chắc, buộc chặt” của người dân đã vô tình khóa mất lối thoát nạn của gia đình khi có sự cố xảy ra. Đến nay, “chuồng cọp” gần như đã trở thành một phần “tất yếu” của các khu nhà tập thể cũ. Theo đại diện lãnh đạo Cảnh sát PCCC thành phố, tại Hà Nội có hàng chục nghìn “chuồng cọp”, lồng sắt ban công đang tồn tại và phần lớn đều thiếu điều kiện bảo đảm an toàn PCCC.

Điểm lại những vụ hỏa hoạn gần đây thì đều thấy hầu như đều xảy ra ở nhà dân xây dựng theo dạng nhà hình ống, tập thể cũ, nhà mặt phố kết hợp kinh doanh có gia cố bằng lưới cùng lồng sắt bảo vệ. Khi có sự cố, ngọn lửa dễ lan ra toàn bộ ngôi nhà theo chiều hút khói lên tầng mái. Cầu thang bộ duy nhất gần như không thể sử dụng thoát nạn, thoát hiểm vì khói độc đen đặc. Lối thoát khu vực ban công, mặt tiền nhà cũng trở nên khó khăn do người dân quây kín “chuồng cọp, lồng sắt”. Tuy nhiên, điều đáng báo động là bất chấp mối nguy hiểm hiện hữu, những “chuồng cọp” vẫn đang tiếp tục mọc lên.

Mới sáng 17/5, một vụ cháy lớn vừa xảy ra tại căn nhà 4 tầng ở phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình, Hà Nội). Vụ việc xảy ra vào thời điểm sáng sớm, lúc này trong nhà có 2 vợ chồng, 2 bé trai và một cụ già. Đến 5h30 sáng cùng ngày, vụ hỏa hoạn được khống chế, nhiều tài sản bị thiêu rụi. Tuy nhiên rất may mắn, các thành viên trong gia đình đã kịp thoát thân thông qua lối ban công. Chứng kiến vụ việc, nhiều người cho rằng may mắn khi căn nhà có ban công thoáng. Nếu thay vào đó là “chuồng cọp” như thường thấy, mọi chuyện có thể đã diễn biến theo chiều hướng rất khác.

Dòng người nghẹn ngào đưa tiễn 4 bà cháu tử vong ở Hà Nội

Chính vì thế, đã đến lúc chính người dân phải tự có biện pháp bảo vệ mình khi sử dụng “chuồng cọp, lồng sắt”. Ngoài việc tạo một cánh cửa thoát hiểm ở lồng sắt thì gia chủ có thể thiết kế một chiếc nắp ở ngay nền phòng “chuồng cọp”, khi xảy ra hỏa hoạn, mọi người trong nhà có thể mở chiếc nắp này. Sau khi mở nắp, một chiếc móc đu dây sẽ là giải pháp tuyệt vời để thoát ra khỏi đám cháy. Đối với chuồng cọp tại những ngôi nhà cao tầng thì gia đình có thể tạo một đường ống hoặc một lối thoát hiểm đặc biệt được sử dụng để thay thế cầu thang thoát hiểm thông thường. Ống thoát hiểm đó được thiết kế gắn trên tầng thượng. Khi xảy ra hỏa hoạn, người dân sẽ thoát bằng cách leo lên sân thượng, theo ống dẫn đó để thoát ra ngoài. Ống dẫn bằng vải, đôi khi bằng kim loại được lắp gần lối thoát hiểm trên tầng thượng hoặc mái của tòa nhà. Đây là một phương pháp thoát hiểm đơn giản và hiệu quả dành cho các tòa nhà tương đối thấp hay như căn hộ cao tầng của các nhà dân hiện nay.

Tất nhiên những vụ tai nạn là điều không ai mong muốn nhưng đây là điều không thể tránh khỏi nhưng có thể giảm thiểu ở mức thấp nhất dưới nỗ lực và sự chú ý của mỗi người. Không ai có thể giúp đỡ mình khi chính bản thân bạn chưa cố gắng hết mình để làm điều đó.

Công Luân

Bài mới
Đọc nhiều