Dùng tiền ngân sách đột lốt trường công, lừa người dân để trục lợi
Nếu Nhà nước quy định, đại học muốn mở trường phổ thông công lập thì phải tuyển sinh và chỉ được thu học phí theo Luật Giáo dục, có lẽ sẽ không ai mở.
Ngày 28/6 Báo Thanh niên đưa tin, Trường Đại học Sài Gòn chính thức tuyển sinh lớp 1.
Còn theo Báo Sài Gòn Giải phóng, ngày 28/6, Trường Đại học Sài Gòn công bố quyết định thành lập Trường Tiểu học thực hành Đại học Sài Gòn.
Trường Tiểu học Thực hành Đại học Sài Gòn sau khi được đầu tư, xây dựng mới có quy mô là trường hạng 1 với 30 lớp học, số lượng học sinh là 1.050 học sinh.
Năm học 2019 – 2020, trường tuyển sinh khóa đầu tiên với số lượng là 175 học sinh khối lớp 1, sĩ số tối đa 35 học sinh/lớp.
Trường sẽ tuyển sinh tăng dần theo từng năm, nâng cao dần tần suất sử dụng phòng học cho đến lúc đạt công suất tối đa là sử dụng hết 30 phòng học.
Theo cổng thông tin điện tử công báo của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Trường Tiểu học thực hành Đại học Sài Gòn là cơ sở giáo dục và đào tạo công lập. [3]
Trước đó, ngày 16/1/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Quyết định số 39/QĐ-UBND về việc thành lập Trường Phổ thông Tuyên Quang trực thuộc Đại học Tân Trào.
Theo Quyết định này, Trường Phổ thông Tuyên Quang thuộc loại hình Trường công lập (tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư) với chức năng, nhiệm vụ:
Giáo dục phổ thông cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Xu hướng mở trường phổ thông trái Luật Giáo dục
Sau việc Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội mở trường Trung học cơ sở Ngoại ngữ, giờ đến lượt Đại học Sài Gòn mở trường Tiểu học.
Trường Tiểu học thực hành do Đại học Sài Gòn mở trong quyết định ghi là trường công lập, nhưng lại được thu học phí và các khoản phí khác như tư thục.
Hiện tượng này đang gióng lên một hồi chuông cảnh báo xu hướng các đại học / trường đại học / trường cao đẳng đua nhau mở trường và tuyển sinh bậc học phổ thông không đúng quy định của Luật Giáo dục.
Khoản 1, Điều 42, Luật Giáo dục hiện hành quy định rõ:
a) Trường cao đẳng đào tạo trình độ cao đẳng;
b) Trường đại học đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ đại học; đào tạo trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ khi được Thủ tướng Chính phủ giao.
Khoản 1, Điều 105, Luật Giáo dục hiện hành quy định:
Học phí, lệ phí tuyển sinh là khoản tiền của gia đình người học hoặc người học phải nộp để góp phần bảo đảm chi phí cho các hoạt động giáo dục. Học sinh tiểu học trường công lập không phải đóng học phí.
Ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, người học hoặc gia đình người học không phải đóng góp khoản tiền nào khác.
Như vậy theo Luật Giáo dục hiện hành, nếu Trường Tiểu học thực hành Đại học Sài Gòn là trường công lập thì không được phép thu học phí, hơn nữa người học hoặc gia đình người học tại trường này không phải đóng góp khoản tiền nào khác.
Tuy nhiên, học sinh Trường Tiểu học thực hành Đại học Sài Gòn phải đóng học phí 1,5 triệu đồng / học sinh / tháng, chưa kể các khoản thu khác (tiền bán trú, tiền học tiếng Anh tích hợp…).
Chưa hết, Khoản 1, Điều 51, Luật Giáo dục hiện hành quy định:
Thẩm quyền thành lập trường công lập và cho phép thành lập trường dân lập, trường tư thục được quy định như sau:
a) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định đối với trường mầm non, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường phổ thông dân tộc bán trú;
b) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với trường trung học phổ thông, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường trung cấp thuộc tỉnh;
Như vậy, việc Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 2144/QĐ-UBND về cho phép thành lập trường Tiểu học thực hành Đại học Sài Gòn thuộc Trường Đại học Sài Gòn là chưa đúng thẩm quyền và nội dung.
Một là về thẩm quyền, thẩm quyền thành lập / cho phép thành lập trường tiểu học là của chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, vì sao Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh lại làm thay?
Hai là về nội dung, với trường tiểu học công lập, ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định thành lập, còn với trường tiểu học tư thục thì ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định cho phép thành lập.
Nếu Quyết định số 2144/QĐ-UBND nói trên mà viết “cho phép” thành lập Trường Tiểu học Thực hành Đại học Sài Gòn như nội dung trang công báo [3], là không đúng quy định của Luật Giáo dục.
Bóng ma “đầu tư ngoài ngành” đang phủ lên giáo dục?
Theo VnExpress, trong giai đoạn bùng nổ 2006 – 2008, một loạt tập đoàn kinh tế Nhà nước đã đem hàng chục nghìn tỷ đồng đi đầu tư bên ngoài lĩnh vực cốt lõi, chủ yếu là ngân hàng, chứng khoán, bất động sản.
Khi kinh tế rơi vào suy thoái, các khoản đầu tư này bỗng chốc trở thành “trái đắng”, doanh nghiệp muốn cũng chưa thể thoát ngay, dẫn đến nhiều hệ lụy còn dai dẳng đến nay.
Chính vì vậy, ngày 13/10/2015, Chính Phủ đã ban hành Nghị định 91/2015NĐ -CP để chấn chỉnh hiện tượng này, theo đó từ 1/12/2015, doanh nghiệp Nhà nước không được đầu tư vào bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, trừ trường hợp đặc biệt được Chính phủ cho phép.
Hiện tượng các đại học / trường đại học đua nhau mở trường phổ thông, tuyển sinh từ lớp 1, lớp 6 đến lớp 10 phải chăng là một hình thức “đầu tư ngoài ngành” đang chuyển từ doanh nghiệp nhà nước sang khối trường đại học, cao đẳng công lập?
Bởi Luật Giáo dục đã quy định rất tường minh chức năng, nhiệm vụ của đại học, cao đẳng như chúng tôi đã trích dẫn phía trên, nhưng một số địa phương, đơn vị sự nghiệp công lập vẫn cứ làm trái luật.
Có điều, nếu như doanh nghiệp nhà nước đầu tư ngoài ngành lỗ nhiều hơn lãi, làm thất thoát tài sản nhà nước thì một số đại học, trường đại học, cao đẳng lại “ăn nên làm ra” nhờ các trường phổ thông không chuyên trái Luật Giáo dục mà họ lập ra.
Tuy nhiên, việc thành lập các trường phổ thông không chuyên trong hệ thống đại học, cao đẳng đã tạo ra kẽ hở để một nhóm người có thể khai thác tài sản nhà nước để làm dịch vụ có lợi nhuận.
Trong khi Điều 20, Luật Giáo dục hiện hành đã “cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục vì mục đích vụ lợi”.
Tài sản Nhà nước trong trường hợp này có thể bao gồm ngân sách đầu tư xây mới, có thể chỉ là cơ sở vật chất do Nhà nước đầu tư sẵn cho các cơ sở phục vụ việc đào tạo bậc đại học nay được “cấu” ra để mở trường phổ thông;
Tài sản Nhà nước ở đây còn là thương hiệu của các trường đại học công lập cũng như thương hiệu của các trường phổ thông chuyên trực thuộc đại học.
Đặc biệt là các trường phổ thông không chuyên trong đại học được ghi loại hình “công lập” trong quyết định thành lập, nhưng lại được phép tuyển sinh và thu học phí như tư thục, thậm chí thu học phí trái Luật Giáo dục.
Quan trọng hơn, hiện tượng này khiến cho các cơ sở đào tạo bậc đại học, cao đẳng có dấu hiệu chệch hướng sang làm kinh tế ở khối phổ thông.
Chính điều này sẽ phá vỡ chính sách xã hội hóa của Đảng và Nhà nước, cũng như kêu gọi của Chính phủ về việc xã hội đầu tư cho giáo dục.
Bởi lẽ các trường phổ thông tư thục, đặc biệt là các trường mới thành lập làm sao có thể cạnh tranh được với các trường công không ra công, tư không ra tư và được hưởng lợi thế rất lớn:
Cơ sở vật chất có sẵn; thương hiệu có sẵn của trường đại học, cao đẳng mẹ; cơ chế tuyển sinh như tư thục và được thu học phí (trái luật).
Chính điều này sẽ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, khối tư thục luôn luôn thua thiệt, nhà đầu tư nào còn muốn đầu tư vào giáo dục theo kêu gọi của Đảng, Nhà nước?
Nếu các trường đại học, cao đẳng xin thành lập trường phổ thông công lập mà các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu họ thu học phí và tuyển sinh đúng như các trường phổ thông công lập bình thường khác cùng cấp học trên địa bàn, có lẽ sẽ không có trường đại học nào xin mở nữa.
(Theo Giáo Dục Việt Nam)