+
Aa
-
like
comment

Đừng sa vào “Hiệu ứng đám đông” trên không gian mạng

25/09/2019 17:14

Internet phát triển, tác động đến mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, giúp người dùng tiếp cận thông tin nhanh chóng, đa chiều, tương tác với nhau. Đây cũng là môi trường để mỗi người phản biện, đánh giá những vấn đề được dư luận quan tâm. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ những người lên mạng đang chạy theo “hiệu ứng đám đông” khi đánh giá về một vấn đề có tính thời sự diễn ra.

Khi đọc một bài viết hay tiếp cận một nguồn tin, dù chưa biết đúng hay sai, thật giả đến đâu, bản chất vấn đề là gì nhưng họ sẵn sàng chỉ trích, phê phán thậm chí lăng mạ, xúc phạm người khác chỉ vì trước đó có nhiều người đã làm vậy. Vô hình chung, tạo thành “hiệu ứng domino”, người sau theo người trước phê phán, chỉ trích người khác mà không tìm hiểu thông tin đầy đủ, toàn diện.

c91a58we

Từ một cuốn sách đã được dùng tại nhiều trường tiểu học trong suốt 40 năm qua, nó bỗng trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận khi đầu tháng 9/2018, nhiều phụ huynh chia sẻ clip con họ tập đọc với phương pháp mới – đọc thơ qua các hình tam giác, hình vuông, hình tròn mà không đánh vần chữ. Người cho rằng: “Cuốn sách là thảm họa với nền giáo dục Việt Nam”; người thì mỉa mai: “Có lẽ mình phải học lại lớp 1”; thậm tệ hơn có kẻ không mảy may chửi rủa giáo sư Hồ Ngọc Đại – cha đẻ cuốn sách.

Hãy khoan bàn về hiệu quả giáo dục của cuốn sách, khoan bàn về cuốn sách không được Hội đồng thẩm định sách giáo khoa thông qua, thử hỏi trong số những người chỉ trích, mỉa mai có mấy người đã đọc cuốn sách. Người ta chỉ thấy rằng, từ những hình tam giác, hình tròn, hình vuông mà trẻ có thể đọc ra cả một bài thơ thì thật kỳ lạ. Thực chất, đây chỉ là bài học đầu tiên về tiếng của Tiếng Việt 1 theo chương trình công nghệ giáo dục, các bài học tiếp theo mới dạy đến cách đánh vần. Ở bài học đầu tiên, trẻ chưa được học đánh vần mà phát âm các tiếng theo người dạy, mỗi tiếng này được ký hiệu bởi 1 trong các hình vuông, tròn, tam giác. Như vậy, mỗi hình ở đây tượng trưng cho một tiếng. Dù không được học theo chương trình công nghệ giáo dục nhưng tôi còn nhớ khi học lớp 1, mỗi lần đọc thuộc lòng mấy câu thơ tôi thường bấm các đầu ngón tay để không bị sót từ, mỗi đầu ngón tay của tôi ở đây cũng tượng trưng cho một tiếng. Lướt qua các bình luận về cuốn sách Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục, tôi nhận ra số ít những người lên tiếng ủng hộ cuốn sách lại là những người trong cuộc, có con, em sử dụng sách của giáo sư Đại.

Gần đây, trong Lễ khai giảng tại Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu “Hiện nay nhà trường chỉ có các khoa thì chỉ được gọi là Trường Đại học Y dược TP.HCM, chưa thể gọi là Đại học được… Tôi đề nghị nhà trường nhanh chóng làm đề án thành lập ĐH Sức khỏe TP.HCM”.

Phát biểu này lập tức bị cộng đồng mạng hùa vào mỉa mai chỉ vì họ không nắm được luật. Họ cho rằng: “Đại học và trường đại học thì khác gì nhau”, “đề xuất vô bổ, cái tên không làm lên chất lượng”…

Điều 15 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật giáo dục Đại học 2018 quy định cơ cấu tổ chức của đại học gồm: “Trường đại học, viện nghiên cứu thành viên (nếu có); trường, ban chức năng, tổ chức khoa học và công nghệ, thư viện và tổ chức phục vụ đào tạo khác; khoa, phân hiệu, viện nghiên cứu, trung tâm, cơ sở dịch vụ, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và đơn vị khác (nếu có) theo nhu cầu phát triển của đại học”.

Như vậy, đại học và trường đại học là hai khái niệm khác nhau trong luật. Đại học có thể bao gồm nhiều trường đại học, các viện nghiên cứu, trung tâm, khoa, cơ sở kinh doanh… Đại học là một khái niệm rộng hơn trường đại học. Ví dụ Đại học Quốc gia Hà Nội gồm nhiều trường đại học trực thuộc như: Trường Đại học KHTN, Trường Đại học KHXH và Nhân văn, Trường Đại học Ngoại ngữ… Đại học Thái Nguyên gồm: Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Nông lâm, Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp…

Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh chỉ có các khoa Y, Dược, Điều dưỡng… nên gọi là Đại học là chưa hợp lý, Bộ trưởng Bộ Y tế muốn thành lập các trường đại học trực thuộc như Trường ĐH Y, Trường ĐH Dược, Trường ĐH Điều dưỡng, Trường ĐH Y tế công cộng… cho đúng với quy định của luật. Khi đó, cơ cấu tổ chức, cơ chế chính sách mới rõ ràng, thuận tiện áp dụng, phát huy được vai trò tự chủ trong quản lý điều hành, giao nhiệm vụ cho các trường thành viên. Vấn đề ở đây, Bộ trưởng Bộ Y tế muốn nâng cấp các khoa thành trường ĐH trực thuộc, còn sau khi nâng cấp có thể giữ tên là Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh hay đổi tên là Đại học Sức Khỏe TP. Hồ Chí Minh như Bộ trưởng Tiến đề xuất. Tuy nhiên, quan điểm cá nhân người viết, đặt tên Đại học Sức Khỏe TP. Hồ Chí Minh cũng rất hợp lý. Bởi lẽ, khái niệm “sức khỏe” mang tính bao quát hơn, còn với tên Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, nhà trường không chỉ có Trường ĐH Y, Trường ĐH Dược mà còn có các Trường ĐH Điều Dưỡng, Trường ĐH Y tế công cộng…

Cần thông minh khi tham gia internet, mạng xã hội

Hiện nay, trên không gian mạng thông tin đa chiều, nhiều người do nhận thức, hiểu biết còn hạn chế nên nhìn nhận, đánh giá vấn đề chưa khách quan, toàn diện, cũng có không ít phần tử xấu lợi dụng các tiện ích của internet để hướng lái cư dân mạng theo chiều hướng sai lệch, nhằm phục vụ cho những động cơ không trong sáng. Nhiệm vụ của mỗi người chúng ta khi tham gia internet, mạng xã hội là thật sự tỉnh táo, khi muốn “lên tiếng” trước một vấn đề cần tìm hiểu thông tin kỹ càng, đầy đủ.

Hùng TK

Bài mới
Đọc nhiều