+
Aa
-
like
comment

Đừng quên cảm ơn những chiến binh thầm lặng nơi tuyến đầu chống dịch!

Quỳnh Quỳnh - 23/04/2020 18:11

Trực tiếp, tiếp xúc với những người trở về từ vùng có dịch Covid-19, nguy cơ lây nhiễm cao, áp lực công việc rất lớn. Đó là những điều mà chiến binh thầm lặng nơi tuyến đầu chống dịch của chúng ta phải đối mặt.

Trải qua hơn 3 tháng căng mình chống dịch, ít ai biết rằng, đằng sau vẻ mặt rạng rỡ khi được xuất viện của hơn 200 bệnh nhân nhiễm Covid-19 là cả một quá trình nỗ lực chữa trị, là mồ hôi và là những khuôn mặt phờ phạc sau nhiều đêm thức trắng của đội ngũ y, bác sĩ trên cả nước.

Để có được thành công đó là cả một quá trình nỗ lực không biết mệt mỏi, sự thầm lặng hy sinh của những “chiến binh áo trắng”, sẵn sàng lao mình vào các điểm nóng để giành giật sự sống cho bệnh nhân thoát khỏi lưỡi hái tử thần mà không phải ai cũng biết.

Những hy sinh lặng thầm

Trong cuộc chạy đua với thời gian để chống lại chủng mới Sars-CoV-2, Việt Nam đã có biết bao anh hùng thầm lặng, không nề hà đến công việc riêng tư hay sự an toàn của bản thân để cứu chữa cho những người bệnh… Hình ảnh những cán bộ y tế nơi tuyến đầu chống dịch đang gồng mình chiến đấu nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe Nhân dân đã lay động lòng người.

Lau vội những giọt mồ hôi còn vương trên trán, chị Trần Thị Hà – Điều dưỡng tại bệnh viện Cầu Treo hơn 1 tháng qua là những ngày vừa căng thẳng, mệt mỏi và đầy lo lắng. Chị và đồng nghiệp của mình phải tạm xa gia đình, tập trung mọi sức lực để “chiến đấu” cùng căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với tốc độ lây lan nhanh.

“Thời gian đầu, khi tiếp nhận bệnh nhân nhiễm Covid-19, bản thân tôi và nhiều đồng nghiệp khác đều chung một tâm trạng là lo lắng và hồi hộp. Thế nhưng, nhờ sự động viện của lãnh đạo bệnh viện cũng như nhận thức được trách nhiệm, vai trò tiên phong của mình trong giai đoạn khó khăn này nên chúng tôi đều quyết tâm đồng lòng, sẵn sàng chiến đấu với mong muốn chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh” chị Hà bộc bạch.

Niềm vui của các y, bác sĩ chỉ đơn giản là thấy sức khỏe bệnh nhân từng ngày được cải thiện.

Chia sẻ cảm xúc với chúng tôi sau khi bệnh nhân nhiễm Covid-19 cuối cùng được xuất viện, chị Hà không giấu được niềm vui trong ánh mắt:

“Khi nghe tin bệnh nhân cuối có kết quả xét nghiệm âm tính, tất cả anh chị em trong khoa đều vui mừng, thở phào nhẹ nhõm. Là người trong ngành y, niềm vui của chúng tôi chỉ đơn giản là thấy sức khỏe bệnh nhân từng ngày được cải thiện, mỗi ca bệnh bình phục là động lực rất lớn để chúng tôi cùng cố gắng, góp phần vào thắng lợi chung trong trận chiến chống dịch”.

Trong thời gian qua, có thể thấy rõ rằng, Chính phủ Việt Nam đã hành động “nhanh và quyết liệt” trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Đến nay, Việt Nam thành công bước đầu là nhờ sự vào cuộc hiệu quả của cả hệ thống chính trị, trong đó cần phải khẳng định vai trò trụ cột của Chính phủ, sự đồng hành của TP Hà Nội, của các lực lượng quân đội, công an, ngành y tế. Đó còn là sự chi viện, ý thức của người dân đồng lòng với Chính phủ trong phòng chống Covid-19.

Đã có nhiều cá nhân, tổ chức bằng nhiều hình thức tự nguyện ủng hộ các địa phương, cơ sở, đội ngũ y bác sĩ và những trường hợp phải cách ly. Mỗi người dân sẽ kề vai sát cánh cùng các y bác sĩ, bộ đội và công an trong công việc phòng chống dịch.

Dù rất muốn về chịu tang cha, nhưng vì đang làm nhiệm tại khu điều trị cách ly đặc biệt phòng, chống COVID-19 nên chị Hoàng Thị Thu Hương (điều dưỡng trưởng khoa B6, Bệnh viện số 2, Quảng Ninh) ở lại bệnh viện.

Hơn cả lời tri ân đến những chiến binh thầm lặng

Thật xúc động khi trên mọi miền Tổ quốc, hàng triệu chiến sĩ, tình nguyện viên đang đồng hành, chung tay chống dịch bệnh. Hình ảnh những người lính áo xanh đeo khẩu trang, mặc đồ bảo hộ, chia ca trực 24/24h đảm bảo an ninh, hàng đêm “thức cho dân ngủ” đã trở nên quen thuộc. Những con người sẵn sàng cống hiến hy sinh trong mọi hoàn cảnh, điều kiện vật chất khó khăn, sẵn sàng “nhường cơm, sẻ áo”, ăn, ngủ vạ vật, dành chỗ ăn ở sạch sẽ, ấm áp của mình cho người cách ly… Những hình ảnh đó đã chạm đến trái tim của bất cứ ai.

Cùng với “chiến sĩ áo trắng” tham gia chống dịch, quân đội, công an luôn là lực lượng tiên phong đi đầu, tạo thành những “lá chắn thép” ở nơi tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Các cán bộ, chiến sĩ bộ đội, công an không quản ngại khó khăn, gian khổ, chấp nhận hy sinh, sẵn sàng nhường doanh trại để tiếp nhận người cách ly, dựng hàng chục lều bạt dã chiến “ăn lán, ngủ rừng” để sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Như thông điệp WHO Việt Nam gửi đi, tất cả các cấp chính quyền, lực lượng chức năng đã làm việc liên tục, không mệt mỏi để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Đó là những nhân viên bảo vệ đã kiên nhẫn, thậm chí đổ máu trước sự không hợp tác của những người không muốn sát khuẩn tay, bị nhắc nhở đeo khẩu trang, không muốn kiểm tra thân nhiệt trước khi qua trạm kiểm soát. Đó là các nhân viên vệ sinh vẫn miệt mài làm việc, để giữ gìn cho môi trường sống của chúng ta luôn sạch sẽ. Đó là những người dân sẵn sàng “nhường cơm, sẻ áo”, nửa đêm dời ký túc xá nhường chỗ cho hàng chục ngàn người trở về để cách ly.

Đến nay đã 7 ngày, Việt Nam không ghi nhận số lượng ca nhiễm nào nữa, chưa có ca nào tử vong. Có được thành quả này là nhờ công lao của tất cả những người anh hùng thầm lặng bất chấp rủi ro, nguy hiểm, và sự đồng lòng của người dân. Mong rằng đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc sớm để tất cả chúng ta lại quay trở lại cuộc sống thường ngày.

Gửi đến những người hùng thầm lặng trong cuộc chiến chống Covid-19. Chúng tôi, những người đang sống trên đất nước Việt Nam, mong muốn bày tỏ lời cám ơn tới các bạn rằng chúng tôi ghi nhận và trân trọng những nỗ lực phi thường của các bạn, những người đang làm việc bất kể ngày đêm để đảm bảo cho người dân được an toàn và được bảo vệ khỏi mối nguy an ninh y tế mới này. Thương mến và xin chân thành cảm ơn!

Quỳnh Quỳnh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều