Đừng phung phí nguồn lợi di sản Mã Pì Lèng
Huyện nghèo Mèo Vạc (Hà Giang) có di sản Mã Pì Lèng ví như một cô gái đẹp người đẹp nết, cô gái ấy xứng đáng được sống ấm no hơn. Nhưng phát huy lợi thế di sản như thế nào để người dân bớt nghèo và giá trị di sản không hao mòn?
BBT trân trọng giới thiệu bài viết của hai bạn đọc về nguồn lợi di sản Mã Pì Lèng.
Đừng để “má hồng bạc phận”
“Chúng tôi mong muốn mọi người ủng hộ một huyện nghèo như Mèo Vạc”. Ông Nguyễn Cao Cường, chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, nói như vậy với báo Tuổi Trẻ ngày 8-10-2019. Có lẽ đó là một lời bày tỏ mong cầu đầy cay đắng.
Thu nhập bình quân đầu người của huyện Mèo Vạc hiện chưa tới 20 triệu đồng/người/năm, chưa bằng một nửa thu nhập bình quân của cả nước.
Huyện Mèo Vạc có đèo Mã Pì Lèng được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia từ năm 2006, được coi là khu vực di sản đặc sắc về địa chất và cảnh quan.
Khu vực đỉnh đèo là một trong những điểm quan sát toàn cảnh vào loại đẹp nhất; hẻm vực sông Nho Quế là một trong những thung lũng kiến tạo độc nhất vô nhị ở Việt Nam.
Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Thế nhưng chuyện dư luận phản đối huyện nghèo Mèo Vạc chấp nhận cho xây dựng nhà hàng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng cũng tương tự chuyện dư luận từng chê bai chị em ở miền Tây Nam Bộ ồ ạt lấy chồng ngoại để thoát nghèo.
Cũng đâu có khác gì chuyện dư luận phản đối chuyện cải tạo, trùng tu những công trình cổ dù công trình đã xuống cấp tới mức không đảm bảo an toàn?
Những người có điều kiện đi du lịch đó đây rất tự hào khoe trên mạng xã hội những tấm hình chụp các thửa ruộng bậc thang. Các giải thưởng nhiếp ảnh cũng rất hay vinh danh các tác phẩm chân dung các cụ già dân tộc thiểu số da nhăn, tóc bạc, gương mặt gầy gò.
Có ai tự hỏi rằng đằng sau các thửa ruộng bậc thang, những nét đẹp hoang sơ đó, đời sống người dân sở tại nghèo nàn, lạc hậu ra sao? Đằng sau nụ cười móm mém rụng hết răng của bà cụ người dân tộc đó là bao nhiêu cực nhọc, vất vả mà cụ đã trải qua trong cuộc đời?
Đúng là cán bộ huyện Mèo Vạc đã sai với quy định của pháp luật khi để một công trình đồ sộ mà không phép xuất hiện trên đèo Mã Pì Lèng.
Nhưng ai là người đủ thẩm quyền để phán xét những cái sai này? Chắc hẳn không phải là những người chưa từng làm gì để giúp người dân Mèo Vạc đỡ nghèo hơn!
Cuối năm 2018, chính quyền thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp) quyết định tổ chức thu phí đối với du khách tham quan làng hoa Sa Đéc. Dư luận chung khi đó phản ứng khá gay gắt.
Thế nhưng ít ai để ý rằng dù du lịch là ngành công nghiệp không khói nhưng lại sinh ra rất nhiều rác thải. Thống kê cho biết bình quân mỗi ngày, một du khách sẽ để lại 1,8kg rác thải đủ loại tại điểm đến.
Chưa kể chi phí bảo vệ an ninh trật tự, an toàn giao thông cũng tăng lên. Nếu chính quyền địa phương không thu được gì (trực tiếp từ khách du lịch hoặc gián tiếp từ các cơ sở kinh doanh du lịch) thì kinh phí đâu để xử lý những chuyện này?
Mèo Vạc có Mã Pì Lèng như một cô gái có nhan sắc, như chuyện nhà cổ quý giá vì lưu giữ hồn lịch sử. Tất cả đều rất đáng phải bảo vệ, bảo tồn.
Nhưng trước khi tính chuyện bảo vệ, bảo tồn thì cần phải tính đến chuyện làm sao giúp chủ nhân của những thứ cần bảo vệ, bảo tồn này được no cơm ấm áo. Bằng không, xin hãy im lặng để những “người trong cuộc” đỡ phải kêu than mình “bạc phận” bởi tại “má hồng”.
Ai cũng muốn nơi mình đến (có khi chỉ một khắc, một giờ, một lần trong đời) phải lung linh như ý, nhưng nhiều người đến và cảnh quan, di sản ngày càng quá tải, xơ xác… Có ai nghĩ chung tay giữ gìn di sản thay vì chỉ lớn tiếng đòi hỏi, phán xét?
THU GIANG (Đồng Tháp)
—–
Đừng tham lợi ích trước mắt
Việc bảo tồn di sản thiên nhiên được cơ quan chuyên trách về văn hóa của Liên Hiệp Quốc UNESCO xác định là không chỉ bó gọn trong việc giữ gìn các cảnh quan địa hình, mà còn bao gồm việc bảo tồn môi trường sinh thái.
Vì vậy, việc tự ý xây dựng công trình không chỉ phá hủy địa hình, mà có thể gây tác hại vô hình là làm biến đổi môi trường sinh thái, làm suy thoái nhiều loài sinh vật.
Có người nói: nếu đóng cửa Mã Pì Lèng Panorama thì nhiều người sẽ thất vọng vì mất cơ hội không được ở lại đây lâu hơn để ngắm cảnh, chụp ảnh đẹp.
Trái lại, theo ý kiến nhiều du khách, người ta thích đến di sản Mã Pì Lèng ngắm cảnh và sau đó quay về nghỉ tại thị trấn Đồng Văn hay Mèo Vạc, nơi có nhiều hoạt động truyền thống, thay vì trú ở một nhà nghỉ Mã Pì Lèng Panorama cô đơn giữa núi rừng.
Nên tạo các khu lưu trú rất tiện nghi gần di sản, chứ không phải xây nhà ngay tại vị trí di sản. Việc xây các khu resort tiện nghi cao cấp ở gần chứ không ở trong phố Hội An (Quảng Nam) là ví dụ về một cách làm.
Việc phát triển du lịch di sản thiên nhiên không chỉ nhằm thu nguồn lợi trước mắt mà còn để quảng bá cho du khách biết giá trị di sản, tăng cường ý thức giữ gìn giá trị di sản đó. Nếu làm tốt, giá trị điểm đến Mã Pì Lèng sẽ tăng lên.
Vì vậy, việc xây dựng các công trình như Mã Pì Lèng Panorama để đón khách tham quan nhưng lại phá hoại cảnh quan chung rõ ràng là phản tác dụng.
Công trình Mã Pì Lèng Panorama chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tháo dỡ công trình sai phép là chuyện phải làm, vì tôn trọng pháp luật là hàng đầu.
Ở góc độ quy hoạch kiến trúc, việc thiết kế kiến trúc phù hợp với điều kiện sinh thái là một trào lưu lớn trên thế giới.
Mã Pì Lèng Panorama có thể sẽ tốt hơn nếu có bản sắc kiến trúc nhà sàn truyền thống với vật liệu tại chỗ hài hòa với tự nhiên, xây nhà trên cột, hạn chế phá địa hình, không cản dòng nước lũ. Nơi dừng chân, lưu trú đâu cứ phải là những khối bêtông, đâu cứ phải chễm chệ trên đỉnh cao của một di sản và rồi nơi đó sẽ đầy rác?
Có ý kiến cho rằng nếu loại bỏ công trình Mã Pì Lèng Panorama này thì một số người dân phục vụ tại chỗ sẽ thất nghiệp. Nhưng nếu di sản Mã Pì Lèng bị giảm giá trị sẽ giảm lượng du khách đến thăm và làm ảnh hưởng đến công ăn việc làm của toàn vùng.
Làm sai thì phải sửa và làm lại theo hướng có lợi nhất. Lợi ích ấy không phải của cá nhân ai hay một nhóm người. Đó là sinh kế bền vững cho số đông người dân địa phương. Và muốn có được điều ấy phải gìn giữ và tìm cách gia tăng giá trị di sản, thay vì khai thác để kiếm lợi tại chỗ và trước mắt.
PGS.TS.KTS Trần Văn Khải