Đừng phủ nhận chia sẻ của đất nước với cán bộ nhân viên y tế chống dịch
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cả nước nói chung và ngành y tế nói riêng phải gồng mình để chống lại đại dịch. Thời điểm này, theo dõi các tin tức, thông tin về những nỗ lực chống dịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta không khỏi xót xa và thán phục trước những nỗ lực, cố gắng, hy sinh của các lực lượng bác sĩ, bộ đội, công an trên tuyến đầu chống dịch. Các bác sĩ đã làm việc không quản ngày đêm, góp sức đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn. Khó khăn, mệt nhọc và sự hy sinh đó cho thấy ý chí và quyết tâm mãnh liệt của dân tộc ta.
Ngày 7/10, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 , Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định lùi thời điểm thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII. Lộ trình cải cách tiền lương được xây dựng từ việc nhìn nhận rất rõ mức tiền lương của công chức, viên chức và người lao động còn thấp, chỉ mới đủ đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Nếu không bị ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 khiến lộ trình này phải dời lại sang năm sau thì chắc chắn đời sống của cán bộ ngành y tế nói riêng và người lao động nói chung sẽ được cải thiện. Chúng ta phải thừa nhận và khẳng định, không chỉ cán bộ, nhân viên ngành y tế mà cả ngành quân đội, công an, giáo dục… cũng cần sớm được hỗ trợ, nhất là trong thời điểm đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Thực tế, không ít cán bộ, nhân viên y tế trong thời gian vừa qua đã xin nghỉ việc vì khối lượng công việc lớn và chưa nhận được sự hỗ trợ kinh tế kịp thời. Dẫu biết tình hình kinh tế chung của đất nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng quả thực khối lượng công việc lớn, nhiều áp lực, làm việc liên tục đã làm không ít cán bộ, nhân viên y tế nản lòng. Sự hỗ trợ về lực lượng, phương tiện, tiền bạc là rất cần thiết để họ có thêm động lực vượt qua khó khăn, thử thách và chiến thắng đại dịch. Có thể nói, những người hùng áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch luôn nhận được quan tâm, theo dõi và ủng hộ của cả đất nước.
Ngày 26/10, Bộ Y tế đã có văn bản về việc thực hiện chi trả chế độ chống dịch cho cán bộ y tế, tình nguyện viên đi hỗ trợ các tỉnh chống dịch COVID-19. Tiếp đó, ngày 19/11, Chính phủ ban hành Nghị quyết 145/NQ-CP về điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số chế độ, chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, còn phải kể đến sự ủng hộ của người dân, của các tập đoàn lớn trong và ngoài lớn dành cho các cán bộ, nhân viên ngành y trong thời gian vừa qua. Truyền thống yêu nước của dân tộc quả thật là thiêng liêng và cao cả.
Thế nhưng, thật đáng buồn khi có những cá nhân lại tìm mọi cách phủ nhận những sự cố gắng hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, của chính quyền địa phương đối với cán bộ, nhân viên y tế chống dịch. Điển hình trong đó là đối tượng Lê Huyền Ái Mỹ với bài viết “Ai chăm sóc cho họ” được đăng tải trên trang cá nhân ngày 8/11 vừa qua. Bài viết thể hiện ý kiến cá nhân, phiến diện, tiêu cực, cố tình phủ nhận những nỗ lực, cố gắng hỗ trợ cán bộ, nhân viên y tế của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.
Bài viết có đề cập đến gói đầu tư 1.000 tỷ đồng để tăng cường hỗ trợ cho y tế cơ sở của thành phố Hà Nội và tờ trình của Sở Y tế TP.HCM. Theo đó, các địa phương đề nghị nâng mức trần biên chế cho các trạm y tế thành tối đa không quá 20 người/trạm y tế và đề xuất với các bác sĩ, điều dưỡng, y sĩ, hộ sinh, nhân viên y tế đang công tác tại trạm y tế phường, xã, thị trấn sẽ lần lượt được đề xuất tăng mức hỗ trợ thu nhập hàng tháng so với mức lương cơ sở từ 2 đến 4 lần theo quy định của Chính phủ tại từng thời điểm. Tuy nhiên, Lê Huyền Ái Mỹ lại cố tình đặt ra câu hỏi “tại sao (những tờ trình, kiến nghị trên) vẫn không nhanh hơn, gấp rút hơn”. Cô ta đã cố tình phủ nhận mọi cố gắng chia sẻ khó khăn của chính quyền và nhân dân đối với các chiến binh áo trắng.
Âm mưu thật sự được Lê Huyền Ái Mỹ che dấu không chỉ dừng lại ở việc phủ nhận mọi cố gắng, nỗ lực hỗ trợ cán bộ, nhân viên y tế ngành y mà còn ẩn chứa xuyên tạc tác phong, phương pháp làm việc của các cơ quan chức năng tại Việt Nam. Dưới một bài viết có hình thức “chia sẻ những khó khăn về lực lượng, công việc và tiền lương của cán bộ nhân viên ngành y tế”, thực chất đối tượng đã đưa ra luận điệu xuyên tạc đường lối, chính sách của đất nước và các địa phương, đồng thời gián tiếp ám chỉ tác phong, phương pháp làm việc của một số cơ quan Chính phủ.
Cán bộ, nhân viên ngành y tế quả thật rất khó khăn, nhất là trong thời điểm dịch bệnh này khiến một bộ phận nhân viên y tế xin nghỉ ngơi. Điều cần nhất lúc này luôn là sự quan tâm, sẻ chia cả về vật chất và tinh thần với các lực lượng tham gia chống dịch. Đôi khi, những câu chúc, những lời động viên lại là sức mạnh to lớn giúp lực lượng chống dịch vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Hãy góp sức mình vào công cuộc chiến thắng đại dịch của đất nước. Đồng thời, tích cực đấu tranh phản bác lại những tư tưởng, những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch về các vấn đề liên quan đến dịch Covid-19.
Hoàng Chung