+
Aa
-
like
comment

Đừng ngồi một chỗ phán xét sự hi sinh của 13 cán bộ chiến sĩ tại Rào Trăng 3!

16/10/2020 11:27

Sự ra đi của 13 cán bộ chiến sĩ cứu hộ, cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3 đã để lại cho những người ở lại sự tiếc thương vô hạn. Ấy vậy nhưng, lại có những kẻ lợi dụng sự việc đau lòng để cào phím, bới móc, thêu dệt đủ thứ mà họ ẩn ức bấy lâu chưa biết nhét vào ai đó để thỏa cái thói hằn học. Bức xúc trước sự việc, trên trang cá nhân của Đinh Hiền đã chia sẻ bài viết lên án những kẻ bất chấp đạo lý, chà đạp lên nỗi đau của người thân và gia đình các cán bộ, chiến sĩ. Cánh Cò xin chia sẻ đến bạn đọc bài viết này…

Ngồi một chỗ mà phán thì dễ lắm các anh chị ạ. Vì họ là người lính nên họ sẽ không thể chần chừ trước sinh mạng nhân dân. Và vì thế, đối với họ không chỉ là nhiệm vụ mà còn là mệnh lệnh của con tim. Nếu ai chưa hiểu câu chuyện thì chịu khó đọc.

Chiều ngày 12-10, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man đang chuẩn bị từ Huế ra Quảng Bình để sáng ngày 13 anh dự Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Quảng Bình lần thứ V (anh nguyên là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh QB, Đại biểu Quốc hội). Nhưng khi nghe tin 17 công nhân thủy điện Rào Trăng 3 bị lở núi đất lấp. Anh quyết định ở lại Huế cùng đồng chí, đồng đội lội bộ hàng chục km để tìm cách tiếp cận gần thủy điện nhằm: Tìm hiểu thực tế để lập Sở Chỉ huy tiền phương cứu hộ, cứu nạn. Mục đích sau khi chọn được địa điểm lập Sở Chỉ huy mới tổ chức đưa quân vào cứu hộ. Là một người con Quảng Bình luôn đối mặt với lũ lụt, vì vậy anh lựa chọn vô vùng nguy hiểm, đó là một đức tính hy sinh của một vị tướng (tự bản thân đi thực tế tìm hiểu, nghiên cứu…rồi mới đưa lính vào sau).

Tôi nghe người dân Phong Xuân kể rằng để vào được Rào Trăng 3 là một hành trình gian nan, đi bộ vài chục cây số đường núi. Chiều hôm các anh đi về phía núi, mưa rất to, bà Thu nhà ngay cạnh con đường lên núi thấy tất cả. Bà bảo “chỉ có vì dân mới lên núi giờ đó, chứ ai lại đi vào lúc ầm ầm mưa bão”.

Người bản xứ họ thương đoàn người mãi không về. Còn lắm kẻ ngồi cào phím chửi bới bảo 13 cán bộ, chiến sĩ làm màu, già rồi vào đó chi. Không vào sao đánh giá được thực tế mà chỉ đạo cứu nạn, làm màu mà tướng Man bão gió ở đâu cũng có mặt, đại tá Hùng vụ cứu nạn lớn nào ở đất nước này anh cũng tham gia, anh Bình, chủ tịch Phong Điền trước chuyến đi vào rừng, buổi sáng vượt dòng lũ Ô Lâu vào rốn lũ hỗ trợ bà con.

Nhưng, đau thương đã xảy ra khi anh và đồng chí, đồng đội gặp nạn. Cả khu vực đó trạm kiểm lâm nơi các anh tạm tá túc được coi là vững chắc, an toàn nhất nhưng lũ lại làm sạt ngọn núi ở trạm kiểm lâm này. Với mưa lũ chúng ta không thể nói trước được điều gì vì ra giữa mưa lũ là như ra chiến trường. Vì vậy, đừng ai ngồi nằm trong chăn ấm, đệm êm để đặt giả thiết này nọ với người ra trận.

Trước khi là một vị tướng, anh ấy đã từng nhiều năm là lính, đối với những người lính từng xông pha trận mạc – đừng bao giờ dạy họ cách chiến đấu hay đối phó với tình huống nguy hiểm. Xin lỗi, khi các anh chị đang chăn ấm nệm êm thì những người lính ấy đang lăn lộn trên thao trường. Thiên tai không ai lường được, dù đã chọn phương án tối ưu nhất, cũng như người lính khi ra trận, chỉ có 1 lựa chọn, hoặc là chiến thắng, hoặc là hy sinh (đây là điều không ai muốn).

Cầu chúc các anh yên nghỉ! Việc dang dở còn lại, đồng đội các anh và nhân dân sẽ giúp các anh hoàn thành nhiệm vụ!

Đinh Hiền

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều