+
Aa
-
like
comment

Đừng nghĩ quán quân Olympia không về nước là “chảy máu chất xám”

Minh Thư - 16/09/2019 14:35

Năm nào cũng vậy, cứ đến tầm tháng 9 là mọi người háo hức xem ai sẽ là nhà vô địch cuộc thi Đường Lên Đỉnh Olympia để giành tấm vé may mắn để đi du học. Sự ra đi này hiển nhiên tới mức cuộc thi còn được gọi là “Cuộc Thi Tìm Kiếm Nhân Tài Cho Australia” hoặc “Đường Lên Đường Định Cư Ở Úc”.

Đây là lần thứ 19 cuộc thi này được tổ chức và đã có hơn 19 người trẻ của đất nước ra đi. Trong số đó thì chỉ có 3 người trở về làm việc. Mặc dù hơi buồn nhưng chúng ta hãy để họ ra đi. Đây không phải là sự mất mát mà là chiến thắng cho bản thân họ và cả tập thể. Chúng ta không nên quá lo âu về cái gọi là “chảy máu chất xám”. Tôi không cảm thấy hài lòng với thuật ngữ này, mà mình dùng từ “linh động chất xám” hơn. Chúng ta nên có cái nhìn thoáng hơn về điều này.

1. Có tầm 83.000 người Hàn Quốc đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam. Đa số là chuyên gia, nhà đầu tư, quản lý trung cấp và gia đình họ. Hàn Quốc đang chảy máu chất xám. Ngược lại, có tầm 147.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở Hàn Quốc. Đa số là cô dâu và lao động phổ thông. Việt Nam đang mất lao động vào tay Hàn Quốc.

2. Có tầm 26.000 người Nhật đang sinh sống và làm việc ở Úc. Nhật đang mất chất xám vào tay Úc?

3. Có tầm 11.000 người Úc đang sinh sống và làm việc ở Nhật. Úc đang mất chất xám vào tay Nhật?

4. Hiện tại có tầm 8 triệu người Mỹ đang sống ở ngoài nước Mỹ vì công việc và gia đình. Mỹ cũng đang mất chất xám?

5. Singapore tuy là một trung tâm tài chính nhưng có hơn 200.000 công dân đang sống và làm việc ở ngoài nước. Singapore đang mất chất xám vào tay người khác?

cf

Hãy suy ngẫm về những điều trên. Cái gọi là “chảy máu chất xám” thật ra chỉ là sự di chuyển của con người. Việt Nam không phải là nước duy nhất mà là một trong các nước khác. Vậy vì sao lại có hiện tượng này? Trong nền kinh tế nguyên thủy thì con người chủ yếu làm việc ở một chỗ, trong một khu vực và chỉ giới hạn ở một phạm vi nhất định nào đó. Nhưng trong nền kinh tế hiện tại, vốn dựa trên kiến thức và sự hợp tác toàn cầu, thì phải có sự di chuyển liên tục của con người.

Một công ty Nhật phải gửi người Nhật đến Việt Nam để coi việc xây dựng nhà máy. Một giám đốc người Mỹ đi tới Việt Nam sống và làm việc. Một nhân viên kiểm toán người Anh phải tới New York làm việc. Trước đây chúng ta hay phân biệt quốc tịch và muốn con người phải ở một nơi nhất định. Nhưng hiện tại thì đây đã là một khái niệm lỗi thời. Không ai trách các công dân Pháp sang London làm việc, không ai trách các kỹ sư Đức sang Mỹ làm việc, cũng không ai trách người lao động Philipines đi lao động ở khắp nơi. Vì đó là công việc phù hợp đối với họ.

Ở phạm vi nhỏ hơn thì các người trẻ từ các tỉnh đang đổ về các thành phố lớn để học tập và làm việc. Vậy chúng ta có gọi đó là “chảy máu chất xám” không? Không hề. Chất xám cần phải đi đến nơi tận dụng nó để tối ưu hiệu suất. Bây giờ là thị trường phẳng. Việt Nam muốn mở của với thế giới thì phải chấp nhận cuộc lưu thông của chất xám này. Nó là hiện tượng bình thường.

Vì Việt Nam đã khép kín với thế giới quá lâu, cùng với việc nền kinh tế chủ yếu là gia công và nông nghiệp nên tư duy là con người phải ở một nơi nhất định thì mới làm việc được. Nhưng như đã giải thích trên, đó là khái niệm sai lầm và lệch lạc trong một thế giới phẳng.

Không có lý do gì mà một người con ở quê hương tỉnh lẻ lên thủ đô lập nghiệp, sau 15, 20 năm quay lại giúp đỡ bà con lối xóm, tổ tông họ hàng, trở thành những mẫu hình thành đạt đáng được học tập, mà mình lại khắt khe với những người được đánh giá là tài năng của đất nước, khi họ đang đứng trước ngưỡng cửa được hội nhập với thế giới tiến bộ, văn minh, với sự hỗ trợ đặc biệt về vật chất, cơ hội.

Lấy lý do chảy máu chất xám để bài xích những cơ hội đó của họ, gián tiếp bài xích câu chuyện dùng người của chế độ, là có phần chưa thỏa đáng.

Cần phải khuyến khích họ đi ra, thậm chí tạo hết điều kiện để họ đi ra, và đừng đòi hỏi gì. Tổ quốc gì cũng xếp lại cái đã, thời 4.0 rồi, tổ quốc nằm trong sâu thẳm trái tim chứ không phải cứng nhắc trên facebook hay bàn giấy. Cụ Hồ bôn ba hơn 30 năm, hấp thụ đủ thứ tinh hoa của nhân loại rồi mới quay về tổ quốc, một loạt tinh hoa tiền bối cách mạng cũng là những trí thức tương tự. Chảy máu hay không chảy máu do chính bản thân họ sẽ quyết định, theo thời gian, theo nhận thức, theo thời thế.

Theo cá nhân người viết, chúng ta đang được nhiều hơn mất! Chương trình Đường lên đỉnh Olympia đang là trào lưu mơ ước tham gia, là động lực để các bạn trẻ học tập và tìm hiểu kiến thức, không những chỉ các kiến thức được tiếp thu trên ghế nhà trường mà còn phải tìm hiểu ngoài xã hội, trong đó có truyền thống, lịch sử dân tộc, địa lý, bản sắc vùng miền đất nước. Do vậy, nếu chúng ta mất, thì chỉ mất có 1 học sinh, trong đó, chênh lệch điểm thi của các thí sinh với nhau không quá lớn, tức là chúng ta còn có nhiều học sinh khác như thế!

Nếu Việt Nam muốn thu hút chất xám, muốn phát triển và muốn là nơi đáng sống thì phải làm tốt những việc sau:

1. Tạo sân chơi kinh doanh phẳng để mọi người có thể tham gia.

2. Giảm thủ tục hành chính để thu hút đầu tư.

3. Cải cách chính sách chính trị để ổn định đất nước.

4. Và đẩy mạnh cải cách kinh tế để hội nhập với thế giới.

Điều chúng ta gọi là “chảy máu chất xám” chỉ một khái niệm lạc hậu và cái nhìn đơn phương. Chúng ta chỉ nhìn số người Việt ra nước ngoài làm và sinh sống, nhưng không nhìn số người nước ngoài tới Việt Nam làm và sinh sống. Vì sao họ ra đi? Vì đa số người Việt Nam nghèo, ít tiền và muốn thử sức – nên họ ra đi để tìm cuộc sống tốt hơn. Và ngược lại, vì các người Hàn Quốc, Nhật, Úc hay Mỹ lại đến Việt Nam? Vì ở Việt Nam họ có cuộc sống nhàn hơn và công việc tốt hơn. Đây là điều bình thường. Nên đừng quá lo về cái gọi là “chảy máu chất xám.” Nó chỉ là một khái niệm vô nghĩa trong một thế giới phẳng.

Những bạn trẻ vô địch Đường Lên Đỉnh Olympia cũng vậy. Australia là nơi tuyệt vời để nuôi dưỡng họ. Hãy để họ ra đi, khám phá, tìm hiểu, sinh sống, làm việc, thành công và trở về khi cảm thấy phù hợp. Hãy vui mừng vì họ xứng đáng.

Minh Thư 

Bài mới
Đọc nhiều