Đừng lấy chuyện người nhập cư trái phép vào Anh để tấn công Việt Nam
Lâu nay, các đối tượng chống phá thường lợi dụng các vụ việc liên quan đến người Việt Nam ra nước ngoài làm việc để xuyên tạc tình hình Việt Nam. Sự kiện đau lòng liên quan đến 39 người Việt tử nạn khi tìm cách nhập cảnh vào Anh năm 2019 cũng là một trường hợp như thế. Và nay, cứ mỗi khi có chuyện liên quan đến những người di cư nhập cảnh vào Anh là họ lại đào xới.
Vừa qua, truyền thông quốc tế đưa tin về thảm kịch 27 người chết đuối ngoài khơi Calais do thuyền bị đắm khi tìm cách vượt biển vào Anh. Trong đó có phụ nữ, bà bầu và trẻ em. Dù trong số này không hề có một người Việt nào, nhưng đối tượng Song Chi ngay lập tức bới móc lại thảm kịch 39 người Việt tử nạn khi nhập cảnh vào Anh năm 2019 để so sánh. Rồi từ đó, đối tượng “lý luận” rằng thảm họa đó xảy là do Việt Nam không đủ tốt nên người dân mới phải bỏ nước ra đi.
Việc người dân của bất kỳ quốc gia nào muốn ra nước ngoài tìm kiếm công ăn việc làm cũng là một nhu cầu hết sức chính đáng, không chỉ người dân từ những nước đang phát triển như Việt Nam mà ngay cả người dân Mỹ, châu Âu cũng ra nước ngoài vì những cơ hội việc làm tốt hơn, phù hợp hơn.
Hiện nay, hoạt động xuất khẩu lao động của Việt Nam đang ngày càng mở rộng đến nhiều quốc gia và các vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, đáp ứng một phần nhu cầu về nguồn lao động của các nước, với đủ các loại hình lao động khác nhau. Đồng thời, hoạt động này đã tạo cho người lao động Việt Nam nhiều cơ hội làm việc, tìm kiếm được nguồn thu nhập tốt. Đương nhiên, trong quá trình đi lao động ở nước ngoài, với nhiều cám dỗ phức tạp, nếu người lao động không cảnh giác, tỉnh táo thì sẽ gặp phải những kẻ lừa đảo, lợi dụng, kèm theo những rủi ro, tai nạn.
Những vụ việc đau lòng xảy ra như trên thực sự không phải là hiếm trong thực trạng di cư bất hợp pháp. Và nạn nhân có thể là người của bất cứ quốc gia nào. Cho tới nay, uớc tính có hàng nghìn người đã chết trong những hành trình vượt Địa Trung Hải để đến được châu Âu. Thật đau lòng, nhưng đó là những cái chết đã được cảnh báo từ trước vì rủi ro quá cao, cũng không phải chỉ xảy ra một lần… Do vậy, không có bất kỳ mối liên quan nào để những kẻ cơ hội lợi dụng sự mất mát của người lao động xa quê làm cớ xuyên tạc, bôi nhọ danh dự của đất nước, của dân tộc nhằm mưu cầu chính trị, trục lợi cá nhân.
Còn nhớ, khi vụ việc năm 2019 xảy ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các cơ quan chức năng phải nhanh chóng điều tra, xác minh, làm rõ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước ta Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành vi mua bán người, coi đây là tội phạm nghiêm trọng và phải bị trừng trị đích đáng”. Sau đó Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội cũng đã có thư chia buồn, bày tỏ sự chia sẻ sâu sắc tới gia đình các nạn nhân và chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Ngoại giao cùng các cơ quan chức năng tích cực phối hợp với Vương quốc Anh để giải quyết vụ việc. Chính quyền nào, dù là của Việt Nam hay nước ngoài cũng đều có trách nhiệm chăm lo, bảo hộ công dân của mình, và họ sẽ là những người đầu tiên đứng ra mỗi khi có sự cố để bảo đảm quyền lợi cho công dân.
Dù chuyện không may xảy ra với ai, là công dân của nước nào đi nữa thì nó vẫn để lại những xót xa, đau lòng đối với tất cả mọi người. Trong bối cảnh đó, không gì tốt hơn là sự sẻ chia, động viên về tinh thần tới những gia đình đang có thân nhân liên quan đến vụ việc, thay vì những lời bịa đặt, ngụy tạo, quy kết. Những lời lẽ đó đi ngược với tình nghĩa đồng bào, đi ngược với đạo đức, lối sống, đạo làm người.
An Diễm