+
Aa
-
like
comment

Dừng ngay hình phạt “máy móc” trong môi trường học đường

Như Yên - 09/12/2020 14:15

Về việc nữ sinh  N.T.N.Y – học sinh lớp 10 Trường THPT Vĩnh Xương, TX Tân Châu, An Giang cố tình uống thuốc để tự tử tại trường đang làm xôn xao dư luận trong thời gian gần đây đặt ra nhiều câu hỏi về vấn đề giáo dục học sinh. Các em đang trong độ tuổi mới lớn nên sẽ có nhiều thay đổi tâm sinh lý nên cần có người chia sẻ và thấu hiểu. Phải chăng, giáo viên ở THPT Vĩnh Xương đã áp dụng máy móc hình thức trừng phạt này trong môi trường giáo dục?

Có thể nói, độ tuổi dậy thì cực kì nhạy cảm, ở cái tuổi không còn là trẻ con nhưng lại chẳng phải người trưởng thành. Khi gặp phải những khó khăn lại không biết cách phản kháng để bảo vệ bản thân mình. Thế nên, tình trạng trẻ vị thành niên thường xuyên gây gổ, đánh nhau, bị lôi kéo làm việc xấu ngày một tăng lên. Giai đoạn này, nếu phụ huynh và nhà trường giáo dục không đúng cách, không hiểu được tâm lý, nguyện vọng của các em thì rất dễ dẫn đến nhiều sự việc đáng tiếc. Mà tiêu biểu là việc nữ sinh Y tự tử để chứng minh bản thân mình không vi phạm nội quy nhà trường.

Đọc bức thư tuyệt mệnh ai cũng có thể cảm nhận được sự hoảng loạn và những ám ảnh mà em ấy không chấp nhận được khi tiếp tục đến trường.  Đặc biệt là lãnh đạo trường đã nêu họ tên học sinh có vi phạm nội quy trường dưới cờ, làm ảnh hưởng đến tâm lý và là nguyên nhân dẫn đến sự việc em Y uống thuốc định tự tử và ngất xỉu trong nhà vệ sinh. Dù mục đích kỷ luật em nhằm để răn đe nhưng rõ ràng chưa thể làm học sinh tâm phục khẩu phục nên mới dẫn đến hành động như thế. Tuy là tự tử bất thành nhưng tôi nghĩ giáo viên và nhà trường phải thấy hết trách nhiệm của mình trước khi quá muộn. Đừng để học sinh có hành động tiêu cực, để phụ huynh vào cuộc, thậm chí là Pháp luật.

Ở bài viết này, tôi không đề cập quá nhiều đến những sai phạm của giáo viên chủ nhiệm cũng như hiệu trưởng, hiệu phó của trường THPT Vĩnh Xương. Vì việc này đã quá rõ ràng và chỉ cần chờ xử lý. Bộ GD -ĐT đã kịp thời vào cuộc chỉ đạo Sở GD-ĐT An Giang đề nghị nhà trường xác minh làm rõ sự việc, tổ chức thăm hỏi, động viên tinh thần học sinh. Đồng thời, tiếp tục xác định trách nhiệm các bên liên quan như nhà trường, giáo viên, học sinh, gia đình học sinh… để có biện pháp chấn chỉnh, các hoạt động giáo dục của nhà trường, thực hiện theo đúng quy định của ngành.

Việc quan trọng là sau sự việc lần này, nữ sinh Y có thể trở lại cuộc sống bình thường hay không? Đã đến lúc cần phải thay đổi cách cư xử với các em học sinh cũng như hình thức xử phạt phù hợp, tránh để lại những ám ảnh tâm lý trong lòng các em. Bộ GD – ĐT có thể đề xuất hình thức xử phạt chung đối với các vi phạm để tất cả các trường cùng thống nhất. Tránh tình trạng “luật làng” xử phạt tùy ý không nghĩ đến cảm nhận của học sinh. Hơn nữa, Bộ nên mở thêm các lớp tự chọn về kỹ năng sống, các buổi thảo luận để có thể hiểu được tâm tư, nguyện vọng của các em.

Bản thân những người trưởng thành ai cũng từng trải qua thời gian là học sinh nên chúng ta đang lẽ phải là người hiểu và thông cảm cho những hành động xốc nổi của các em. Nhà trường và giáo viên có thể áp dụng một số biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực, nhưng phải bảo đảm ý nghĩa giáo dục, thân thiện và giúp học sinh tự nhận ra khuyết điểm và tự giác sửa chữa, tiến bộ. Trong trường hợp của em Y thì cách xử lý của nhà trường đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự của người khác gây bức xúc trong dư luận. Có thể nói, việc làm của em Y không phải là trường hợp hiếm gặp. Trước đó, cũng đã có nhiều vụ học sinh chịu ức hận mà nhảy lầu, cắt gân tay để tự tử. Điều này càng chứng minh cách quản lý và giáo dục học sinh của nhiều trường vẫn chưa thực sự hiệu quả. Không chỉ gây ám ảnh tâm lý má thậm chí còn phản tác dụng khiến học sinh ngày càng nổi loạn hơn. Chúng ta nên lắng nghe, chia sẻ và quan trọng là đưa những lời khuyên để các em có thể bình tĩnh nhìn nhận vấn đề. Đó mới chính là những việc mà “những người lái đò” cần làm để đưa học sinh đến đúng bến bờ.

Như Yên

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều