+
Aa
-
like
comment

Đừng mượn chuyện của đội Cảnh sát cơ động Kỵ binh để kích động chia rẽ dân tộc

Quỳnh Quỳnh - 10/06/2020 13:30

Mới đây, Bộ Công an Việt Nam đã chính thức cho ra mắt lực lượng cảnh sát cơ động Kỵ binh thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an. Lực lượng này được diễu hành trên đường Độc Lập trước tòa nhà Quốc hội nơi các đại biểu Quốc hội khóa XIV đang họp kỳ thứ 9.

Hình ảnh ra mắt lực lượng cảnh sát cơ động Kỵ binh.

Truyền thông trong nước hôm 8/6 đã đồng loạt đưa tin về buổi diễu hành của đoàn cảnh sát cơ động kỵ binh. Tuy nhiên, trước thông tin và hình ảnh buổi ra mắt trên, đã có nhiều ý kiến trái chiều, nhất là từ các nhà “dân chủ” và các trang phản động như Việt Tân, RFA, VOA… cố tình xuyên tạc rằng việc thành lập cảnh sát cơ động kỵ binh “là phản cảm,  không phù hợp, là mất vệ sinh, là Bộ Công an muốn phình to, tăng thêm quyền lực, là tham nhũng”,…

Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà lực lượng cảnh sát cơ động Kỵ binh được phép ra đời bởi việc thành lập lực lượng kỵ binh không phải là vấn đề lạ lẫm. Hiện nay, rất nhiều lực lượng thực thi pháp luật trên thế giới vẫn đang duy trì đội kỵ binh để tuần tra trên đường phố. Việc sử dụng ngựa cho phép người cưỡi có tầm nhìn bao quát và rộng, có tốc độ nhanh trong việc truy đuổi tội phạm, cũng như trấn áp những cuộc bạo loạn quá khích rất hiệu quả.

Không chỉ thế, lực lượng kỵ binh Việt Nam thành lập chủ yếu phục vụ nhiệm vụ tuần tra, truy bắt tội phạm ở các vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa. Với đặc thù địa hình của Việt Nam thì việc truy bắt tội phạm, tuần tra ở những khu vực như trên nếu sử dụng ô tô, xe máy thì rất khó khăn nhưng nếu sử dụng ngựa thì rất phù hợp. Thế nên lực lượng kỵ binh được xem là một lựa chọn. Cần nhấn mạnh thêm điểm này để phản bác ý kiến của một số người cho rằng trong thời điểm công nghệ phát triển, hạ tầng giao thông phát triển mà dùng ngựa là đi ngược xu thế, là học đòi máy móc. Như đã nói, đoàn kỵ binh này không dùng hoạt động ở Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh mà hoạt động tại các vùng sâu, vùng xa. Những vùng này hạ tầng giao thông chưa phát triển và việc dùng ngựa được xem là giải pháp hay.

Luận điệu kích động xuyên tạc của trang VOA Tiếng Việt.

Hơn nữa, khả năng bao quát và nhận định điểm bất thường của một sĩ quan cưỡi ngựa cũng tốt hơn bình thường rất nhiều, do họ có được vị trí quan sát cao hơn. Những điều trên cho thấy, một số đối tượng phản đối lực lượng kỵ binh thì ít mà đánh vào lực lượng Công an thì nhiều. Được biết, Đoàn CSCĐ Kỵ binh trong tương lai sẽ phục vụ vào các hoạt động diễu binh diễu hành, tuần tra kiểm soát, thực hiện nhiệm vụ giải tán đám đông, truy bắt tội phạm mà các phương tiện khác không thể đi tới được, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, đòi hỏi việc băng rừng, đi công tác nhiều ngày…

Hiện, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới vẫn duy trì đội cảnh sát kỵ binh cho các nhiệm vụ mang tính nghi thức, cũng như để tuần tra, đảm bảo an ninh. Ước tính, một sĩ quan trên lưng ngựa có hiệu quả bằng 10 sĩ quan đi bộ, tùy theo tình trạng đám đông. Tại Anh, cảnh sát kỵ binh thường được nhìn thấy trong khuôn khổ các trận bóng đá, mặc dù lực lượng này cũng thường xuất hiện trên đường phố tại nhiều thành phố và thị trấn để chứng tỏ sự hiện diện của cảnh sát và răn đe tội phạm cả ngày lẫn đêm. Một số đơn vị cảnh sát kỵ binh được huấn luyện tìm kiếm và cứu nạn do ngựa có khả năng di chuyển ở những nơi các phương tiện không thể tiếp cận. Tại Pháp, cảnh sát kỵ binh được thành lập vào đầu thế kỷ 18. Đường xá kém phát triển và các khu vực nông thôn rộng lớn khi đó khiến cảnh sát kỵ binh trở thành lực lượng cần thiết tại nhiều quốc gia châu Âu cho tới tận đầu thế kỷ 20.

Việc thành lập các lực lượng cảnh sát có tổ chức trên khắp châu Mỹ, châu Á và châu Âu trong thời thuộc địa và hậu thuộc địa đã khiến khái niệm cảnh sát kỵ binh được chấp nhận hầu hết trên thế giới. Các lực lượng cảnh sát kỵ binh được biết tới nhiều nhất trên thế giới đến từ Canada, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha. Vậy thì ở Việt Nam thành lập lực lượng cảnh sát cơ động Kỵ binh để đáp ứng yêu cầu thực tiễn cũng chẳng có gì lạ cả.

Quỳnh Quỳnh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều